A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Rộn ràng làng bưởi trăm tỷ những ngày áp tết

08:32 | 30/01/2019

Xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) ngày áp tết rộn ràng không khí thu hoạch bưởi. Những trái bưởi vàng óng, thơm ngào ngạt khắp các nhà vườn. Từ năm 2015 trở lại đây, mỗi năm loại cây này cho người dân nơi đây thu từ 120 - 130 tỷ đồng.

Chuyện “gã khùng” trồng bưởi

Anh Nguyễn Văn Giàu, thôn Ao Dăm là người đầu tiên trồng bưởi ở Phúc Ninh. Nhớ lại những năm 2000, người dân trong xã trồng sắn, trồng mía phát triển kinh tế, anh lại phá đi để trồng bưởi. Bởi thế không ít người bảo anh là "gã khùng".

Từ trồng bưởi, gia đình anh Nguyễn Văn Giàu, thôn Ao Dăm, xã Phúc Ninh mỗi năm thu lãi hơn 1 tỷ đồng

Anh Giàu cho biết, cơ duyên giúp anh đến với cây bưởi bắt đầu tư nghề lái xe chở hàng thuê. Trong một lần về Hoài Đức (Hà Nội) thấy người ta trồng bưởi, ăn rất ngon, anh thầm nung nấu ý định mang cây bưởi về trồng trên đất quê mình. Sau nhiều ngày đắn đo, anh quyết định mua 30 gốc bưởi về trồng thử.

8 tháng trồng, chăm sóc bưởi khá phù hợp với đồng đất địa phương, sinh trưởng phát triển tốt. Anh tiếp tục đầu tư toàn bộ số vốn tích cóp bao năm trồng 700 gốc bưởi. Vừa làm, vừa mày mò học hỏi kinh nghiệm, năm 2005, vườn bưởi của “gã khùng” bắt đầu cho thu hoạch, trừ chi phí anh thu lãi 50 triệu đồng, so với cây mía cao gấp 5 lần.

Hiện nay, vườn bưởi của gia đình anh Giàu, mỗi năm cho thu lãi 1,5 tỷ đồng. Nhưng để có được thành quả đó, ít người biết được ngầm dưới đất của vườn cây ăn quả là hệ thống đường ống dẫn nước tưới được lắp đặt, vận hành khoa học, đảm bảo việc tưới tiêu đúng quy trình kỹ thuật.

Máy phun thuốc cho cây trồng có thể di chuyển đến các địa điểm trong vườn nhờ hệ thống đường băng thuận tiện. Công việc của những lao động ở đây là lấy nước trực tiếp từ đường ống, pha trộn thuốc vi sinh và phun đều cho cây trồng.

Với hơn 16 ha cây ăn quả các loại, trong đó có 12 ha bưởi thì việc ứng dụng thiết bị máy móc trong trồng trọt, chăm sóc đã giúp anh tiết kiệm triệt để chi phí nhân công lao động, tăng hiệu quả công việc, đáp ứng được yêu cầu cho từng thời điểm sinh trưởng của cây trồng.

Không chỉ làm giàu cho cá nhân, anh Giàu còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết trồng bưởi năng suất cao với bà con địa phương. Từ người bị dân làng coi là "gã khùng", anh Giàu trở thành tấm gương sáng để bà con học tập, noi theo. Sự tiên phong của những người như anh đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở Phúc Ninh. Gần 20 năm cây bưởi gắn bó với vùng đất này và cho làng quê nơi đây hơn 100 hộ thu lãi từ 300 triệu đến hơn 1 tỷ đồng/năm.  

Cây… hái ra tiền

Dịp cuối năm cũng là vụ bưởi Phúc Ninh cho thu hoạch rộ. Chất đất đỏ màu mỡ nơi đây phù hợp với giống cây này đến lạ kỳ. Nó không chỉ giúp cây bưởi sinh trưởng phát triển tốt mà còn cho những trái bưởi róc vỏ, ăn ròn, có độ ngọt cao, không he, vị thơm mát. Thông thường, những cây bưởi từ 4 năm tuổi trở lên mỗi năm đều đặn cho người nông dân thu về cả triệu đồng. Khoảng 5 năm trở lại đây, bưởi thực sự là cây giúp người nông dân hái ra tiền.

Với 920 ha, mỗi vụ bưởi xã Phúc Ninh cho thu hoạch hơn 12,5 triệu quả

Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh, Vũ Thành Trung cho biết, toàn xã có 1.410 hộ thì có hơn 1.000 hộ trồng bưởi, với tổng diện tích 920 ha tập trung nhiều nhất tại các thôn Khuôn Thống, Cô Ba, Suối Tiên... Sự cần cù ham học hỏi của người dân đã giúp cây bưởi không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng. Trung bình mỗi năm, cây bưởi cho tổng sản lượng hơn 12,5 triệu quả. So với những cây trồng khác, loài cây này cho hiệu quả kinh tế cao gấp 5 - 10 lần.

Thôn Khuôn Thống có 150 ha bưởi và là thôn có diện tích trồng bưởi lớn nhất xã. Anh Nguyễn Trọng Tăng, trưởng thôn nhớ lại, những năm 2000, khi cơm còn chưa đủ no người dân đã trồng bưởi. Giai đoạn đầu mới trồng, bưởi chưa có thương hiệu nên khó bán. Để tiêu thụ, anh cùng nhiều hộ dân phải phi xe máy khắp nơi chào hàng. Có ngày phóng xe máy cả trăm cây số thồ bưởi đi bán, chủ quan không mang theo tiền, nghĩ bán bưởi sẽ có tiền bỏ ra ăn, nhưng bưởi không bán được, đói quá phải mang bưởi ra ăn trừ bữa.

Giờ những ngày tháng lận đận đã qua, chất lượng quả bưởi đã giúp nó tự khẳng định được giá trị trên thị trường và cho bà con nơi đây cuộc sống sung túc, ấm no. Khuôn Thống hiện không có nhà tạm, có 50/126 hộ trong thôn thu lãi trên 100 triệu đồng/năm.

Nhắc đến anh Phạm Xuân Hưng, thôn Khuôn Thống cả xã đều biết. Bởi anh là một trong những người đầu tiên đưa giống bưởi đặc sản vào trồng theo hướng hàng hóa ở xã Phúc Ninh. Vườn của gia đình anh là một trong những mô hình đẹp, trở thành nơi bà con trong thôn, trong xã đến để học tập.

Điều mà anh Hưng vui mừng nhất là mấy năm nay bưởi được giá, thời tiết lại tương đối thuận lợi nên những người trồng bưởi như anh có thu nhập khá. Vụ bưởi năm nay, thương lái đã đến tận nhà vườn thu mua trọn gói với giá từ 10.000 - 25.000 đồng/quả. 

Anh Hưng chia sẻ, để bưởi ra quả thì mỗi vụ ngoài cung cấp lượng nước cần thiết cho cây người trồng cần phải đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cho từng thời kì cây phát triển. Đặc biệt là thời kì khi cây ra hoa và cho quả. Hai thời kỳ này cây cần rất nhiều lượng dinh dưỡng để ép hoa nở và nuôi quả.

Người trồng cần phải biết lượng phân bón thế nào là đủ để cây có thể phát triển tốt. Nếu ít quá thì cây sẽ không đủ dưỡng chất nuôi cây, khi đó hoa sẽ rụng và sẽ không đậu được quả. Nếu bón nhiều quá thì vừa tốn kém về kinh tế vừa làm bưởi bị ộp, khô và không mọng nước. Trừ chi phí mỗi năm 2,5 ha bưởi của gia đình anh Hưng thu lãi gần 400 triệu đồng.

Từ năm 2016 quả bưởi Phúc Ninh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Nhờ vậy, giá trị kinh tế của cây bưởi cũng được nâng lên. Năm 2018, xã Phúc Ninh về đích xây dựng nông thôn mới, cây bưởi đã góp phần quan trọng vào kết quả này, đặc biệt là tiêu chí thu nhập.

ĐÀO THANH

    nguồn “nongnghiep.vn”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ