A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

SOS NPK 16-16-8-13S và việc bón phân lân hợp lý

12:55 | 24/04/2013

Một báo cáo khoa học cho thấy sau nhiều năm bón NPK 16-16-8-13S liên tục, đất Tây Nguyên đang có những diễn biến xấu. NNVN đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Đăng Nghĩa, GĐ Phân viện Nông hóa thổ nhưỡng xung quanh vấn đề này.

Vừa qua giới khoa học đất và phân bón xôn xao một kết quả điều tra trên chân đất trồng cà phê ở Tây Nguyên vừa được công bố. Ông có thể nói rõ hơn?

Theo số liệu kết quả điều tra năm 2012 của TS Tôn Nữ Tuấn Nam, đất trồng cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn tương đối ổn định, tương đương với kết quả điều tra năm 1996, ngoại trừ biến động của các nguyên tố trung vi lượng.

Trước hết về độ pH thì chỉ có duy nhất khu vực huyện Đakmil có độ chua cao hơn (pHKCl = 3,84) còn lại các nơi khác đều trên 4 (pHKCl > 4,0), tương đương với trước đây. Các chỉ số khác như hàm lượng hữu cơ, N, P, K, nhất là hàm lượng lân và kali dễ tiêu đều có mức tăng khá, rất tốt cho cây trồng.

Tuy nhiên, ngược lại với xu thế tăng hàm lượng của các nguyên tố đa lượng, hai nguyên tố trung lượng là Canxi (Ca), Magie (Mg) lại sút giảm. Điều này không tốt cho cây, nhất là những cây lâu năm. Bởi lẽ, Ca và Mg vừa là nguyên tố dinh dưỡng có nhu cầu cao của cây cà phê vừa là 2 trong 4 Cation trao đổi rất quan trọng trong phức hệ đất.

Đặc biệt, điều đáng ngại nhất là sự tăng lên của lưu huỳnh (S). Năm 1996, hàm lượng S trong đất Tây Nguyên chỉ giao động trong khoảng 15 - 30 ppm (mg/kg đất), hàm lượng này ở mức thiếu nhẹ thì nay tăng lên rất cao, 23% có hàm lượng từ 31 - 100 ppm, 59% trên 100 ppm, thậm chí có mẫu tới 255 ppm gây độc cho cây.

S là một nguyên tố cấu thành năng suất của cây trồng, nhất là những cây có hương vị như là cà phê, cây lấy tinh dầu. Trước đây do đất thiếu S (có biểu hiện lá cà phê mỏng, nhất là lá non có màu vàng) nên bón phân có chứa S là cần thiết và rất có hiệu quả. Tuy nhiên lượng S cây đòi hỏi không cao, chỉ cần dao động trong khoảng 30 - 100 ppm, với hàm lượng cao như hiện nay thì đã gây độc cho cây và môi trường.

Các nhà khoa học trong lĩnh vực hóa học đã khẳng định: “Không có chất nào độc, không có chất nào bổ mà chỉ có liều lượng độc và liều lượng bổ”. Như vậy, một chất ở một liều lượng nào đó được coi là chất bổ, nhưng nếu vượt quá ngưỡng (hàm lượng tăng hơn ngưỡng tối thích của cây trồng) thì lại là nguyên nhân gây độc cho cây.


Supe Long Thành, loại phân có hiệu quả tốt và phổ biến ở Tây Nguyên

Tại sao lại có sự tăng đột biến của lưu huỳnh?

S là một nguyên tố khoáng phổ biến, chiếm 5 phần vạn khối lượng của vỏ trái đất. S có nhiều ở nơi các núi lửa, nhất là núi lửa mới phun trào. Núi lửa ở Tây Nguyên ta đã tắt hàng triệu năm nay nên việc tăng hàm lượng chỉ có thể giải thích là do con người đưa vào qua con đường phân bón.

Nhiều năm nay, nông dân Tây Nguyên ta rất chuộng công thức phân bón NPK 16-16 -8+13S, nên có thể đấy là con đường xâm nhập chính. Việc bón liên tục trong nhiều năm đã khiến cho đất trồng cà phê nói riêng và các loại cây khác ở khu vực Tây Nguyên đã tích lũy nhiều S và khiến cho hàm lượng S trong đất tăng vượt ngưỡng.

Ngoài NPK 16.16.8.13S, lưu huỳnh cũng có nhiều trong phân lân?

S có trong phân lân đều ở mức thấp, vừa đủ tốt cho cây. Trong quặng phốt phát Lào Cai (nguyên liệu chính để SX supe lân và lân nung chảy), hàm lượng SO3 chỉ chiếm 0,05%.

Trong phân supe lân, lưu huỳnh cao hơn do có thêm từ nguồn axit sunfuric và nhờ a xít này mà phản ứng hóa học trong SX phân lân Ca5F(PO4) + 5H2SO4 + 2,5H2O = 3H3PO4 + 5 CaSO4.0,5 H2O + HF xảy ra. Ngoài CaSO4, lân supe còn có MgSO4 nhưng vẫn không đáng kể nên phân lân không thể là tác nhân gây tăng S trong đất ở Tây Nguyên.

Điều đáng ngại là hiện nay, một số DN phân bón đã chạy theo sở thích và tập quán của nông dân (chủ yếu dựa theo kinh nghiệm) vẫn tiếp tục SX NPK có hàm lượng S > 10%. Đấy cũng là nguyên nhân góp phần làm tăng hàm lượng S trong đất.

Để vừa tốt cho cây, vừa tránh được hiện tượng tăng S, theo ông nên sử dụng lân nung chảy hay lân supe?

Ngoài phân DAP, NPK thì P2O5 (lân nguyên chất) có 2 nguồn chính là lân supe và lân nung chảy. Tuy có hàm lượng chất phốt pho thấp hơn DAP nhưng lân nung chảy và lân supe lại có ưu thế nhờ vào các trung vi lượng có trong 2 loại phân này.

So sánh giữa 2 loại phân cũng có những khác biệt nhau, lân nung chảy có tính kiềm nên không gây chua đất nhưng chúng chỉ tan trong môi trường axit của rễ cây nên tan chậm, dứt khoát phải bón lót và thường bón cho cây trồng dài ngày.

Phân lân supe có tính axit có thể gây chua đất nhưng lại tan trong nước, dễ tiêu nên có thể dùng bón lót hoặc bón thúc đều được, và có thể bón cho cây lâu năm như cà phê, cao su hay cây ngắn ngày như ngô, đậu, lúa đều tốt.

Nói chung, đây là 2 loại phân lân nội địa khá tốt. Ngoài P2O5, còn cung cấp một lượng Ca và Mg rất tốt cho cây, mà 2 nguyên tố này theo TS Tôn Nữ Tuấn Nam thì đang ngày một thiếu gây bất lợi cho các quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.

Dựa trên đặc điểm sinh lý của cây trồng và bản chất hóa học của 2 loại phân lân trên, với cây lâu năm trên đất Tây Nguyên và Đông Nam bộ thì nên bón kết hợp 50% lân supe + 50% lân nung chảy. Cứ 1 bao phân này trộn với 1 bao phân kia, trộn xong bón ngay.

Hỗn hợp 2 loại phân trên sẽ khắc phục được nhược điểm và phát huy được ưu điểm của mỗi loại phân, cây vừa có thể sử dụng lân ngay, lại vừa có lân dự trữ, đất không bị chua cũng không bị kiềm.

Với cây ngắn ngày thì nên sử dụng phân lân supe để cây có thể sử dụng được ngay và việc gây chua đất cũng không đáng kể mà kết quả điều tra của TS Tôn Nữ Tuấn Nam như đã dẫn ở trên là một bằng chứng. Cũng nên lưu ý: Không trộn phân lân nung chảy với phân urê hoặc SA sẽ làm mất chất đạm (N).

Xin cảm ơn TS!

 

    Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ