A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trồng bí Tàu, ngỡ cao sản thành... phá sản!

15:16 | 20/05/2013

Gần 150 hộ nông dân tại các huyện Ea Kar và Krông Bông (Đắc Lắc) đang khốn đốn vì trồng phải một giống bí lạ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Bí Tàu nói bí... Nhật!

Từ đầu tháng 12-2012, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Cư Puôr (trụ sở tại buôn Mriu, xã Cư Huê, H. Ea Kar) đã giới thiệu một giống bí lạ và ký hợp đồng với nhiều hộ nông dân ở hai huyện Ea Kar, Krông Bông để trồng và bao tiêu sản phẩm loại bí này. Mặc dù trên bao bì đều là chữ Trung Quốc, nhưng HTX vẫn thông báo với bà con đây là giống bí cao sản của... Nhật Bản! Kết quả, sau hơn 3 tháng trồng, chăm sóc, hơn 50 ha giống bí này không cho sản lượng như lời HTX quảng cáo đã khiến hơn 130 hộ nông dân ở hai xã Hòa Tân, Hòa Lễ của H. Krông Bông và hơn chục hộ dân khác ở H. Ea Kar chịu thiệt hại nặng nề.

Toàn xã Hòa Lễ có 38 hộ dân ký hợp đồng trồng bí với HTX Cư Puôr trên tổng diện tích khoảng 20 ha, thì đã có đến 37 hộ phải chịu lỗ với tổng thiệt hại hơn 800 triệu đồng. Trong đó, người thiệt hại nhiều nhất là anh Bùi Xuân Ngọc (1977, trú thôn 11), hơn 100 triệu đồng. Anh Ngọc bức xúc: Đầu tháng 1-2013, anh được HTX Cư Puôr và Hội nông dân xã giới thiệu về một giống bí cao sản của Nhật Bản, có sản lượng cao gấp nhiều lần bí thường, sau khi trồng HTX sẽ thu mua để xuất khẩu sang Singapore, Nhật Bản...

Theo tính toán của HTX thì cứ mỗi sào, người dân đầu tư khoảng 5 triệu đồng. Với sản lượng bí khoảng 5 tấn/sào thì sau thu hoạch người dân sẽ thu về 15 triệu, lãi 10 triệu đồng/sào. Thấy lợi nhuận cao, lại không phải lo lắng đầu ra cho sản phẩm, anh Ngọc đã mạnh dạn đăng ký trồng 3ha. Anh Ngọc thở dài: "Trái ra rất nhiều nhưng ra đến đâu thì thối đến đó, trung bình mỗi dây chỉ được 1 trái, có nhiều dây không có trái nào. Trái nào đậu được thì trọng lượng hầu như cũng dưới 1kg". Kết quả là 3 ha bí của anh Ngọc chỉ thu hoạch được... 4 tấn (chưa bằng 1 sào theo lời HTX quảng cáo). Tính ra, sau hơn 3 tháng ăn, ngủ cùng bí, gia đình anh Ngọc mất trắng 75 triệu tiền phân, dầu tưới và hơn 30 triệu tiền thuê công. Chưa dừng lại đó, sau khi chở xe bí đầu tiên xuống cân, HTX hứa sẽ hoàn trước 40% tiền bí cho gia đình anh Ngọc, tuy nhiên từ đó đến nay HTX một đi không trở lại. Anh Ngọc nản quá đành để mặc cho hơn 3 tấn bí còn lại khô héo ngoài đồng.

 

 Chị Tăng Thị Mỹ Dung bên đống bí thối còn sót lại.

Bí cao sản thành... phá sản

Gia đình chị Tăng Thị Mỹ Dung (1981, trú thôn 7, xã Hòa Lễ) cũng mạnh dạn đăng ký trồng bí với HTX trên diện tích 5 sào. Khi thu hoạch, tính cả trái lớn nhỏ chỉ được 2 tấn nhưng không thấy HTX đến cân, chị Dung phải bán cho những nhà nuôi nhím trong xã với giá 700 đồng/kg . Rẫy bí của anh Nguyễn Văn (1970, thôn 5, xã Hòa Lễ) thì nằm bên kia sông. Đầu tư trồng 6 sào bí nhưng anh Văn chỉ thu hoạch được chưa đầy 2 tấn. "Theo tui thấy bí này là bí phá sản chứ không phải cao sản nữa, làm khổ cho dân nghèo tụi tui thêm".     

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giống bí trên do Cty CP đầu tư phát triển nông nghiệp Việt Nam, trụ sở ở tỉnh Hải Dương hợp đồng cung cấp cho HTX Cư Puôr. Thế nhưng vì sao một giống bí lạ, không rõ nguồn gốc và chất lượng, lâu nay cũng chưa từng trồng thử nghiệm tại địa phương nhưng vẫn được đưa ra cho người nông dân sản xuất đại trà, dẫn đến hậu quả thiệt hại như thế?

 

 Bao bì giống bí chữ Trung Quốc.

Chúng tôi tìm đến HTX Cư Puôr và được ông Vương Hồng Tân - Phó chủ nhiệm HTX cho biết: "Nói là giống bí Nhật Bản cũng đúng, vì ban đầu, khi cán bộ của Cty CP đầu tư và phát triển nông nghiệp Việt Nam vào có nói với chúng tôi, nguồn gốc giống bí này là của Nhật Bản nhưng liên kết với Đài Loan, Trung Quốc, Cty đang có nhu cầu hợp đồng với dân trồng, thu mua và xuất ngược trở lại các nước này (?!)... Còn về chuyện chất lượng giống thì cái này cũng do... chủ quan của HTX thôi, vì khi đặt vấn đề với HTX, bên Cty hứa với chúng tôi là cứ yên tâm, giống này người ta đã trồng ở Đà Lạt, Thái Bình, Sơn La. Mà khi mấy anh em trong HTX lên mạng Internet kiểm tra thì cũng thấy vậy thật... Cũng vì lý do đó mà chúng tôi chủ quan, nghĩ thì cứ làm ra xong rồi người ta bổ sung hồ sơ sau. Quá trình trồng thì HTX đã bỏ ra một số vốn rất lớn để đầu tư trước phân bón, giống... cho người nông dân. Nếu tính ra thì thiệt hại của HTX ước tính trên 1 tỷ rồi".

Còn theo ông Nguyễn Hữu Thuận, Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Lễ thì: "Đầu năm 2013, khi ông Nguyễn Hữu Phúc, cán bộ phát triển của HTX đem giống bí này vào xã giới thiệu với Hội nông dân, trên giấy giới thiệu của ông này có "bút phê" của ông Phạm Phú Thiên, Trưởng phòng NN&PTNT H. Krông Bông. Thấy giống bí có sản lượng cao như vậy, người dân làm sẽ có thu nhập cao, hơn nữa đã có sự giới thiệu của Trưởng phòng nông nghiệp cấp trên nên tôi rất tin tưởng, cứ thế xin ý kiến của UBND xã và phổ biến cho dân làm thôi".

Kết quả của những cái gọi là "chủ quan", "tin tưởng cấp trên" của những đơn vị này là hơn trăm hộ nông dân nghèo phải gánh nợ, thậm chí khánh kiệt. Thế nhưng, sau nhiều lần họp bàn với chính quyền địa phương, đến nay, đơn vị trực tiếp đứng ra ký hợp đồng với người nông dân là HTX Cư Puôr vẫn chưa đưa ra biện pháp nào để khắc phục hậu quả. Tại cuộc họp mới nhất giữa tháng 5 của đại diện HTX Cư Puôr, Hội nông dân và UBND xã Hòa Lễ, ông Vương Hồng Tân - Phó chủ nhiệm HTX Cư Puôr cho biết: "HTX đã fax ra 5 văn bản, yêu cầu bên Cty CP đầu tư và phát triển nông nghiệp Việt Nam chuyển hồ sơ vào, đồng thời kết hợp HTX để giải quyết hậu quả nhưng theo lời qua điện thoại thì ông Giám đốc là ông Cách hứa sẽ vào...".

Chờ đợi, đó là câu trả lời người nông dân trồng bí đã được nghe từ nhiều tháng nay và tự chạy vạy tìm đầu ra nhỏ giọt cho bí với giá rẻ mạt, hoặc bỏ thối...

 

    Cadn.com.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ