A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chưa đến 7% tổng diện tích sầu riêng được cấp mã xuất sang Trung Quốc

16:06 | 13/09/2022

Được đánh giá là ngành hàng "tỷ đô", nhưng sầu riêng cần nhiều biện pháp đồng bộ để phát triển bền vững và nâng cao giá trị trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật trình bày báo cáo về quá trình xuất khẩu sầu riêng. Ảnh: Bảo Thắng

Trình bày tại Hội nghị "Triển khai xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc" ngày 12/9 tại Bộ NN-PTNT, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, tổng diện tích của 51 vùng trồng sầu riêng vừa được Trung Quốc cấp mã số là khoảng 3.000ha, chiếm khoảng 3,52% tổng diện tích sầu riêng toàn quốc.

Nếu tính cả 49 vùng trồng đang hoàn thiện hồ sơ (khoảng 2.750ha), diện tích sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chiếm chưa tới 7% trong tổng số hơn 85.000ha của cả nước.

Trong 15 tỉnh có diện tích sầu riêng hơn 1.000ha, 3 tỉnh có diện tích và sản lượng lớn nhất lần lượt là Tiền Giang, Đắk Lắk và Lâm Đồng. Tây Nguyên và ĐBSCL cũng được xem là hai thủ phủ sầu riêng của Việt Nam, với diện tích trồng đều vượt 16.000ha.

Với nhu cầu xuất khẩu khoảng 1,3 triệu tấn sầu riêng mỗi năm, bà Hương đánh giá, dư địa cho quả sầu riêng là rất lớn. Vấn đề là chúng ta cần chuẩn hóa từ quy trình canh tác, chăm sóc, đến thu hoạch, bảo quản và xuất khẩu.

Bà Hương cho biết, những lô hàng sầu riêng muốn xuất khẩu cần chuẩn bị 5 yếu tố đó là mã số, kiểm dịch thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói và phòng chống Covid-19. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật tại vùng trồng và cơ sở đóng gói cần được đào tạo, tập huấn và có chứng nhận do Cục Bảo vệ thực vật cấp

Giá sầu riêng tăng cao liên tục, sau khi Việt Nam ký nghị định thư với Trung Quốc. Ảnh: TL

Theo bà Hương, phía Trung Quốc đánh giá cao sự chuẩn bị bài bản của Việt Nam trong hoạt động xúc tiến, thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng. Các địa phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan trung ương, đồng thời trao đổi thường xuyên, nhờ Cục tư vấn các vấn đề kỹ thuật.

"Cục Bảo vệ thực vật đã gửi công văn tới địa phương, đề nghị tăng cường kiểm tra, rà soát để duy trì những mã số vùng trồng đã được cấp, đồng thời sẽ tiếp tục hướng dẫn những vùng trồng chưa được cấp mã để sớm được Trung Quốc phê duyệt", bà Hương bày tỏ.

Có nhiều tín hiệu tích cực trong việc đưa sầu riêng sang Trung Quốc nhưng bà Nguyễn Thị Thu Hương lưu ý một số điểm như: Trong số 51 vùng trồng được cấp mã số vừa qua, một nửa đã cho thu hoạch. Trong thời gian từ giờ đến tháng 11, sản lượng trung bình hàng tháng chỉ khoảng 13.000 - 14.000 tấn. Bên cạnh đó, 5 tỉnh là An Giang, Gia Lai, Đắk Nông, Vĩnh Long, Sóc Trăng dù có nhiều tiềm năng, nhưng hiện chưa được cấp mã số nào.

Với vườn trồng sầu riêng, Cục Bảo vệ thực vật cũng chỉ rõ một số tồn tại như chưa có biện pháp giám sát sinh vật gây hại theo ISPM 6, chưa ghi chép đầy đủ tình hình sinh vật gây hại, vệ sinh vườn chưa đảm bảo, không thực hiện giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chưa có kho hóa chất, thu hoạch không đảm bảo vê sinh, nhân sự chưa được tập huấn...

Với nhà đóng gói, nhiều cơ sở chưa có vườn trồng liên kết; nhà xưởng không đảm bảo phân khu, vệ sinh; biện pháp làm sạch sinh vật gây hại chưa phù hợp; sầu riêng chưa được kiểm tra khi nhập hàng và xuất hàng; nhân sự chưa được tập huấn, thiếu quy trình, vật liệu đóng gói không đạt, chưa ghi chép hồ sơ đầy đủ...

Để hoạt động xuất khẩu sầu riêng phát triển bền vững, Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo địa phương chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch và chiến lược phát triển sản xuất sầu riêng bền vững tại địa phương; chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ thực vật tại địa phương thực hiện giám sát sinh vật gây hại và hướng dẫn phòng trừ tại các vùng trồng; xây dựng và thực hiện chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sầu riêng; giám sát chặt chẽ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã.

Sầu riêng là trái cây cho giá trị kinh tế cao, và hoàn toàn có thể trở thành cây "tỷ đô" trong tương lai. Ảnh: TL
ối với vùng trồng, cơ sở đóng gói, bà Nguyễn Thị Thu Hương đề nghị chỉ nhập nguyên liệu từ vùng trồng đã được cấp mã số; danh sách nhân sự tại các cơ sở phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Riêng nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thương mại, Cục Bảo vệ thực vật lưu ý cần chuẩn bị đầy đủ giấy ủy quyền hoặc xác nhận của đại diện/chủ mã số bằng văn bản, trong trường hợp không sở hữu vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã. Ngoài ra, cần chủ động liên kết, tạo vùng nguyên liệu của doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng hàng hóa.

"Điều quan trọng nhất là chúng ta không được gian lận mã số, sử dụng mã số khi chưa được phép, hoặc trộn hàng từ vùng không được cấp mã số, dẫn đến mất uy tín của hàng sầu riêng Việt Nam thậm chí mất thị trường", bà Hương nhấn mạnh

 

    Nguồn: nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ