A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đắk Lắk đối mặt nguy cơ khô hạn trên diện rộng

16:07 | 15/04/2024

Đắk Lắk đang bước vào cao điểm của mùa khô, dự báo trong thời gian tới nếu không có mưa và thời tiết tiếp tục nắng nóng như hiện nay thì mực nước ở các hồ chứa, sông suối sẽ giảm mạnh. Nguy cơ khô hạn xảy ra trên diện rộng sẽ rất cao.

Nhiều diện tích cây trồng thiếu nước

Tại nhiều vùng trên địa bàn tỉnh, nguồn nước đã cạn kiệt, cây trồng thiếu nước nghiêm trọng.

Ông Lê Trọng Minh, Trưởng buôn Ea Kring (xã Ea Sin, huyện Krông Búk) cho biết, toàn buôn có trên 2.000 ha cây trồng lâu năm, trong đó có 1.067 ha cà phê, còn lại là sầu riêng và bơ.

Từ tháng 10/2023 đến nay, trên địa bàn không có trận mưa nào nên hiện đã có khoảng 70% diện tích cây trồng thiếu nước phải chống hạn, trong đó có khoảng 100 ha bị thiếu nước trầm trọng, nhất là diện tích cây sầu riêng.

Nguồn nước tưới của vùng này chủ yếu từ đập Ea Kring và nước giếng, tuy nhiên nguồn nước ở đây cũng khá khan hiếm vì đất đá nên rất khó đào giếng (khoan giếng) sâu, các giếng chỉ tưới được tối đa 2 giờ/ngày; còn hồ chứa chỉ tưới được hơn 100 ha trong đợt 1 là bắt đầu cạn, còn lại bà con phải tự tìm nguồn nước để chống hạn.

Đoàn công tác của Cục Thủy lợi kiểm tra tình hình hạn hán trên địa bàn huyện Krông Búk.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Krông Búk, toàn huyện hiện có 43 công trình hồ chứa, hiện đã có 9 hồ cạn, 18 hồ mực nước đạt dưới 50% dung tích; nguồn nước ở các suối, ao hồ, giếng nước đều thấp và đang giảm dần so với thời điểm các năm trước. Nguồn nước cạn kiệt đã làm trên 280/27.912 ha cây trồng các loại bị thiệt hại do thiếu nước (mức độ thiệt hại từ 30 - 50% là 141,8 ha; từ 50 - 70% là 136 ha; trên 70% là 2,7 ha), tập trung chủ yếu ở hai xã Cư Né và Ea Sin. Nếu thời gian tới, trên địa bàn không có mưa thì tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng khoảng 1.000 ha.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 858 công trình thủy lợi (619 hồ chứa, 161 đập dâng, 78 trạm bơm).

Tổng diện tích cây trồng được tưới hơn 262.339 ha, trong đó diện tích tưới trực tiếp từ công trình thủy lợi 151.616 ha; diện tích tưới do tạo nguồn hỗ trợ và các hình thức công trình khác khai thác nước tưới từ các nguồn nước mặt sông, suối, ao và nước ngầm tưới cho khoảng 114.883 ha.

Tuy nhiên, hiện nay mực nước trên các sông, suối phổ biến dao động theo xu thế giảm, lượng dòng chảy phổ biến ở mức thấp hơn trung bình cùng thời kỳ nhiều năm từ 10 – 30%, một số sông, suối nhỏ bắt đầu khô kiệt.

Qua thống kê sơ bộ, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 2.055 ha cây trồng thiếu nước tưới đang áp dụng các biện pháp chống hạn. Dự báo trong thời gian tới, có từ 5.000 – 8.000 ha cây trồng có khả năng xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước.

Tập trung ứng phó với hạn

Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi tổng hợp được của 445/619 hồ chứa trên địa bàn tỉnh, tính đến ngày 12/4, có 44 hồ đã cạn nước; 139 hồ có dung tích hiện tại dưới 50%; 135 hồ có dung tích hiện tại còn từ 50% đến dưới 70%; 127 hồ có dung tích hiện tại còn trên 70%.

Trước tình hình, diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở NN-PTNT, những đơn vị quản lý công trình thủy lợi cùng với các địa phương và người dân đang khẩn trương triển khai các giải pháp chống hạn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra.

Thiếu nước, một số thửa ruộng trên địa bàn xã Brông Krang (huyện Lắk) đã bị khô hạn, nứt nẻ chân chim.

Tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), tình hình khô hạn, thiếu nước tưới ngày càng gay gắt. Từ đầu tháng 3 đến nay, các hồ, đập thủy lợi trên địa bàn không còn khả năng bơm tưới đã làm cho trên 3.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Lực lượng chức năng và người dân đang nỗ lực thực hiện các biện pháp chống hạn bằng cách đặt máy bơm tận dụng bơm nguồn nước còn lại dưới đáy hồ phục vụ chống hạn.

Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, đến nay, trong số diện tích cây trồng mà công ty phục vụ tưới thì có 1.384 ha cây trồng bị hạn, trong đó đang chống hạn là hơn 596 ha, đã chống được hạn gần 788 ha.

Để chủ động ứng phó với mùa khô, trước khi bước vào vụ đông xuân 2023 – 2024, công ty đã chỉ đạo các phòng, ban kiểm tra mực nước tại các hồ. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch phối hợp với địa phương để có khuyến cáo người dân canh tác hợp lý.

“Đối với những công trình nguồn nước không đảm bảo, công ty chủ động làm việc với địa phương, khuyến cáo cắt giảm diện tích gieo trồng. Những công trình đủ nước thì thực hiện việc tưới tiết kiệm nước. Đối với những công trình thiếu nước, công ty thực hiện nhiều giải pháp như nạo vét lòng hồ, tạo kênh dẫn để đưa nước về hồ tưới. Ngoài ra, công ty cũng xin ý kiến của Sở NN-PTNT đối với những hồ dưới mực nước chết sẽ tiến hành bơm cấp nước cho bà con”, ông Bảo cho biết thêm.

Hàng trăm héc-ta cà phê trên địa bàn huyện Krông Búk bị thiếu nước khiến nhiều vườn cây suy kiệt. Ảnh: Thúy Nga

Theo ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, dự báo trong thời gian tới nếu không có mưa và trời tiếp tục nắng nóng như hiện nay thì mực nước ở các hồ chứa, sông, suối sẽ tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, lượng nước gần như bằng không và công trình được đầu tư xây dựng đã lâu nên lòng hồ bị bồi lắng, do đó khả năng diện tích tưới của các công trình này bị hạn về cuối vụ là rất lớn. Hiện nay, các địa phương đang thực hiện giải pháp thủy lợi để chống hạn; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân sử dụng nước tiết kiệm.

Về lâu dài, cần rà soát lại quy hoạch thủy lợi, trên cơ sở đó tính toán thủy nông, cân bằng nước, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả các công trình thủy lợi hiện có, đặc biệt là giải pháp xây dựng mới các công trình thủy lợi lớn làm nhiệm vụ kho nước trữ điều hòa trong mùa khô; bố trí cơ cấu cây trồng theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT) hiện nay, do tình trạng nắng nóng kéo dài khiến ba công trình cấp nước sinh hoạt tại thị trấn Ea Đrăng (huyện Ea H’leo); Tân Tiến (huyện Krông Pắc) và xã Dang Kang (huyện Krông Bông) đang bị thiếu nước. Do đó, buộc phải cấp nước luân phiên theo ngày cho 1.235/5.020 hộ. Ngoài ra, còn có 531 hộ dân sử dụng nước giếng thuộc các xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) và xã Ea Sin (huyện Krông Búk) bị thiếu nước sinh hoạt.

Minh Thuận

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ