A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chuỗi giá trị từ lúa gạo: Tiềm năng còn bỏ ngỏ!

08:34 | 14/05/2024

Ngoài các loại cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, lúa gạo cũng là sản phẩm được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh Đắk Lắk.

Tuy nhiên, do thiếu và yếu trong khâu chế biến nên hầu hết lúa của địa phương sau khi thu hoạch đều “xuất thô” dẫn tới hiệu quả kinh tế mang lại chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

“Hạt ngọc” xuôi về phương Nam

Vụ đông xuân năm 2023 – 2024, tỉnh Đắk Lắk gieo trồng 46.581 ha lúa nước, đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch được trên 74% diện tích. Vụ đông xuân năm nay, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh rất phấn khởi vì lúa được mùa, được giá, mang lại thu nhập cho nhiều hộ dân.

Tuy nhiên, nhìn nhận trên thực tế, hầu hết lúa trên địa bàn tỉnh sau khi thu hoạch đều được “xuất thô” (bán tươi) cho thương lái vận chuyển về các tỉnh miền Tây.

Nông dân xã Buôn Triết (huyện Lắk) thu hoạch lúa vụ đông xuân năm 2023 - 2024

Là một trong những địa phương có diện tích lúa nước khá lớn của tỉnh, vụ đông xuân năm nay, huyện Lắk gieo trồng 5.500 ha lúa nước (chiếm gần 77% tổng diện tích gieo trồng các loại cây lương thực trên địa bàn huyện). Toàn huyện hiện đã thu hoạch được trên 4.000 ha, năng suất trung bình đạt 84 tạ/ha. Những ngày đầu tháng 5 – thời điểm vào mùa thu hoạch lúa, nhiều thương lái và xe tải lớn đến địa phương để thu mua lúa tươi rồi vận chuyển về các tỉnh Long An, Kiên Giang, An Giang, Bến Tre...

Anh Y Suk Ênuôl ở thôn Buôn Tría, xã Buôn Tría (huyện Lắk) cho hay, vụ đông xuân năm nay gia đình anh gieo trồng 3 ha lúa ST24, sản lượng dự kiến được khoảng 32 tấn lúa tươi, hiện tại giá bán khoảng 10.500 đồng/kg. Theo anh, mấy năm gần đây dù giá lúa tươi khá cao, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho các hộ trồng lúa, song anh vẫn mong muốn tại địa phương có nhà máy xay xát, chế biến để nông dân bán gạo với giá trị cao hơn.

Anh Nguyễn Văn Tình, một thương lái thu mua lúa trên địa bàn huyện Lắk chia sẻ, lúa gạo huyện Lắk nói riêng, toàn tỉnh Đắk Lắk nói chung có năng suất, sản lượng và chất lượng rất tốt. Hằng năm, cứ đến vụ thu hoạch, thương lái từ các tỉnh miền Tây đổ xô về địa phương để thu mua lúa tươi. Như thời điểm hiện tại, dù giá lúa tươi khá cao, song việc “xuất thô” này chưa mang lại giá trị cao nhất cho người trồng lúa. Nếu trên địa bàn huyện Lắk có các nhà máy chế biến lúa gạo đúng tiêu chuẩn, đáp ứng về quy mô thì nông dân làm lúa sẽ được hưởng lợi nhiều hơn trên cùng một diện tích sản xuất.

Thiếu và yếu nhà máy chế biến

Vụ đông xuân năm 2023 - 2024 huyện Krông Ana gieo trồng 5.886 ha lúa nước, năng suất bình quân khoảng 8 tấn/ha, sản lượng gần 39.000 tấn. Dù có tiềm năng khá lớn về sản xuất lúa gạo nhưng trên địa bàn huyện Krông Ana có rất ít nhà máy xay xát quy mô lớn, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Ana, toàn huyện có 40 cơ sở xay xát lúa gạo, trong đó chủ yếu ở quy mô nhỏ, chỉ có 10 cơ sở có quy mô vừa, nhưng công suất xay xát cũng chỉ dao động từ 8 – 14 tấn/ngày. Đáng chú ý, trong tổng số các cơ sở xay xát gạo của huyện chỉ có duy nhất một cơ sở có máy sấy và 28 cơ sở có dây chuyền đánh bóng, phân loại. Theo đánh giá của phòng chuyên môn, hầu hết cơ sở chỉ đáp ứng nhu cầu xay xát của các hộ gia đình, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.

Lúa sau khi thu hoạch được nông dân xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) đưa về nơi tập kết để thương lái vận chuyển về các tỉnh miền Tây

Tương tự, tại huyện Lắk, diện tích trồng lúa nước hằng năm hơn 13.000 ha, với các vựa lúa lớn ở xã Buôn Tría, Buôn Triết. Tuy nhiên, toàn huyện chỉ có 2 cơ sở xay xát gạo có công suất khoảng 10 tấn/ngày, còn lại có khoảng 76 cơ sở quy mô nhỏ phục vụ gia đình. Đơn cử như tại xã Buôn Triết, là địa phương có diện tích gieo trồng lúa nước lớn nhất huyện Lắk, với hơn 2.100 ha trong vụ đông xuân 2023 – 2024, thế nhưng toàn xã chỉ có khoảng 10 cơ sở xay xát lúa gạo quy mô hộ gia đình.

Nhìn rõ những tiềm năng cũng như những tồn tại trong hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo tại địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lắk khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU ngày 28/2/2022 về định hướng xây dựng thương hiệu gạo huyện Lắk với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sản lượng lúa đạt 75.000 tấn và xây dựng thành công thương hiệu gạo của huyện. Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 09, huyện Lắk đã kêu gọi một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Phước đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo tại địa bàn xã Buôn Triết với công suất 40.000 tấn/năm, tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công tác kêu gọi đầu tư gặp khó khăn và chưa triển khai được.

Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, hiện nay sản xuất nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk nói chung và cây lúa nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như giá đầu vào sản xuất liên tục tăng cao, hạn hán, lũ lụt.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đồng bộ, thiếu kinh phí thực hiện, chưa tập trung đi vào bảo quản, chế biến sau thu hoạch, giá trị gia tăng thấp.

Mặt khác, các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất lúa chưa nhiều, liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đã bước đầu hình thành nhưng còn mang tính tự phát, mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường, chưa tạo được sản phẩm lúa gạo chất lượng cao có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Lúa gạo vừa là sản phẩm đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời là hàng hóa, do vậy để hướng tới mục tiêu xuất khẩu thì cần phải có cơ sở chế biến sâu, trong khi tỉnh Đắk Lắk hiện còn thiếu các cơ sở này.

Hoàng Tuyết

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/tin-noi-bat/202405/chuoi-gia-tri-tu-lua-gao-tiem-nang-con-bo-ngo-72b1f90/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ