A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Áp thuế với phân bón, nên hay không?

07:50 | 22/07/2024

Nhiều ý kiến cho rằng, nên đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) và áp dụng mức thuế thấp. Điều này sẽ làm hài hòa lợi ích các bên cũng như hỗ trợ tốt cho nông nghiệp, nông dân.

Phản ánh của doanh nghiệp (DN) ngành này, do phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT nên DN không được khấu trừ thuế đầu vào cho nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ. Điều này không chỉ làm tăng giá phân bón mà còn khiến các DN phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh.

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm ngành nông nghiệp tiêu thụ 11 - 12 triệu tấn phân bón, trong đó các sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại nhập khẩu, có những sản phẩm buộc phải nhập khẩu do Việt Nam chưa sản xuất được. Trong khi sản phẩm của các nước khác vẫn chịu thuế VAT giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước.

Xuất phát từ thực tế trên, sửa đổi Luật Thuế VAT lần này, Chính phủ đề xuất chuyển các hàng hóa là đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, trong đó có phân bón, từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế 5%.

PGS.TS Lý Phương Duyên - giảng viên cao cấp Khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính nhận định, vấn đề chuyển từ việc không chịu thuế sang có chịu thuế đối với mặt hàng phân bón sẽ phù hợp với định hướng mở rộng cơ sở thuế mà hiện nay Chính phủ đang đặt ra. Hiện đang có 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT và những mặt hàng này cũng đang được cân nhắc xem mặt hàng nào phù hợp với việc đánh thuế để bổ sung vào nhóm hàng hóa đánh thuế.

“Việc đánh thuế có tác động tích cực đến việc chống xói mòn cơ sở thuế. Điều này phù hợp với xu thế chung. Bên cạnh đó, việc đánh thuế sẽ làm cho số thu thuế của chúng ta ổn định và có sự công bằng hơn với các DN trong và ngoài nước” - bà Duyên nói.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế DN lớn (Tổng cục Thuế), cần thiết đưa phân bón quay trở lại diện chịu thuế VAT với 2 lý do. Thứ nhất, phù hợp với chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, là mở giao diện chịu thuế giá trị gia tăng, thu hẹp danh mục 26 mặt hàng không chịu thuế VAT xuống còn ít hơn. Tiếp đó, đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT sẽ giải quyết hài hòa được “mối quan hệ ba nhà” (DN, nhà nước, nhà nông). “Cần áp dụng phương án áp thuế 5% với mặt hàng phân bón. Nếu áp thuế 5%, thì sẽ thu được vốn từ phân bón nhập khẩu, điều tiết và giải quyết bài toán trong nước và nước ngoài” - ông Phụng nói.

Ở góc độ khác, ĐBQH TP Hà Nội Hoàng Văn Cường nhìn nhận, nông nghiệp là trụ đỡ cho toàn bộ nền kinh tế, nếu chúng ta xác định hỗ trợ sản xuất là hỗ trợ cho cả nền kinh tế thì phải tiếp tục các chính sách hỗ trợ nông nghiệp. Nếu bây giờ áp dụng thuế 5% cho mặt hàng phân bón, điều này đồng nghĩa với việc người nông dân phải bỏ ra 5.700 tỷ đồng cho chi phí sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, ông Cường cho rằng nên áp dụng phương án thuế 0% đối với phân bón, DN không chịu thiệt khi không phải chịu thuế đầu vào. "Phương án đó giải quyết công bằng Nhà nước – DN – người dân" - ông Cường nói.

Khanh Lê

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/ap-thue-voi-phan-bon-nen-hay-khong-10286090.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Robot thông minh nhất thế giới có gì đặc biệt?

      Tinh tế đến mức có thể phát hiện sự lo lắng của con người và dẫn dắt tương tác bằng hơn 120 ngôn ngữ khác nhau giúp Xoxe trở thành robot thông minh nhất thế giới.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ