A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Bớt lo vé tàu Tết

08:21 | 21/09/2015

Từ ngày 25 đến hết 30-9, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam dành khoảng 20% tổng số vé tàu Tết để bán cho các tập thể, từ ngày 1-10 sẽ giải quyết cho cá nhân qua các website và điểm bán vé

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), cho biết đơn vị này vừa công bố kế hoạch chạy tàu trong dịp Tết Bính Thân 2016.

Chỉ đổi vé 1 lần

Theo VNR, thời gian phục vụ Tết được tính từ ngày 25-1-2016 đến hết ngày 25-2-2016, chia 3 giai đoạn: trước Tết (từ ngày 25-1 đến 6-2-2016), ngày nghỉ Tết (từ 7 đến 10-2-2016) và sau Tết (từ 11 đến 25-2-2016). Trong dịp này, ngành đường sắt vẫn chạy thường xuyên 5 đôi tàu Thống Nhất chính (SE1/2, SE3/4, SE5/6, SE7/8, TN1/2) và chạy thêm các đôi tàu Thống Nhất tăng cường (SE17/18, SE13/14, SE29/30) cùng các tàu TN3/4, TN5/6, TN7/8 giữa TP HCM - Hà Nội và ngược lại. Bên cạnh đó, VNR cho chạy thêm các tàu Thống Nhất (SE9/10, SE11/12, SE15/16, TN21/22). Cụ thể: Trước Tết chạy đôi tàu SE9/10 Hà Nội - Nha Trang; sau Tết chạy tàu SE9/10 giữa TP HCM - Đồng Hới; trước và sau Tết chạy 2 đôi tàu SE11/12, SE15/16 giữa Vinh - TP HCM, 1 đôi tàu TN21/22 giữa Thanh Hóa - TP HCM và ngược lại. Mỗi ngày, các đôi tàu này có thể phục vụ 12.000 hành khách.

Trong thời gian nghỉ Tết, VNR cho biết vẫn chạy thường xuyên 5 đôi tàu Thống Nhất tuyến Hà Nội - TP HCM và ngược lại. Vào những ngày cao điểm, VNR bán vé chuyển đổi loại chỗ giường nằm tầng 1 thành 3 ghế ngồi mềm (áp dụng cho toa nằm mềm khoang 4 giường).

Theo ông Hoạch, VNR dành khoảng 20% tổng số vé tàu Thống Nhất để giải quyết cho các tập thể từ ngày 25 đến hết 30-9. Sau đó, từ ngày 1-10, VNR sẽ đưa tất cả chỗ còn lại lên hệ thống bán vé điện tử để phục vụ qua các website: www.dsvn.vn, vietnamrailway.vn, vetau.com.vn và các điểm bán vé. Mỗi khách hàng được đặt chỗ trên website mỗi lần không quá 4 vé cho một chiều đi.

Hành khách có thể mua vé tàu tại nhà, không cần phải ra ga như thế này

Hành khách có thể mua vé tàu tại nhà, không cần phải ra ga như thế này

Với hành khách là trẻ em thuộc diện mua nửa vé, mỗi vé người lớn chỉ được mua kèm một vé trẻ em không chỗ, khi lên tàu được bố trí sử dụng chỗ chung với người lớn đi kèm. Trong thời gian cao điểm, VNR bán cả ghế phụ, hành khách được bố trí ngồi bằng ghế nhựa. Hành khách có thể đặt chỗ, thanh toán và tự in vé tại nhà hoặc đặt chỗ, thanh toán và ra các cửa vé để in.

Trường hợp đổi vé, hành khách sẽ phải chịu phí 10.000 đồng/vé. Ngành đường sắt sẽ trả lại hoặc thu thêm tiền chênh lệch (nếu có) so với vé đã mua khi có đủ các điều kiện về thời gian đổi vé theo quy định; có cùng ga đi, ga đến và chỉ được đổi một lần. Vé đổi phải có ít nhất một trong các thông tin thay đổi so với vé đã mua, như: thay đổi ngày đi tàu, chuyến tàu, loại toa hoặc ngành đường sắt bố trí được chỗ theo yêu cầu của hành khách.

Trong trường hợp trả vé, ngành đường sắt sẽ khấu trừ 5% giá đối với hành khách mua vé cá nhân mà thông tin trên vé trùng khớp với tên và số giấy tờ tùy thân hợp pháp, 20% giá đối với hành khách mua vé tập thể.

Khó nghẽn mạng?

Lãnh đạo VNR cho biết năm nay, ngành đường sắt bắt đầu bán vé cho hành khách cá nhân qua mạng và các điểm (sớm hơn so với Tết Ất Mùi 2 tháng). Việc này vừa tạo thuận lợi cho hành khách vừa tránh nghẽn hay sự cố mạng khi lượng truy cập quá đông trong thời gian ngắn. VNR khẳng định tình trạng nghẽn mạng khi đặt vé năm nay sẽ rất khó xảy ra.

Đặc biệt, trong đợt bán vé tàu Tết Bính Thân, với việc thực hiện bán vé tàu điện tử, hành khách có thể tự in “Thẻ lên tàu hỏa” tại nhà, thanh toán online mà không cần ra ga in vé như trước.

Trả lời câu hỏi liệu có xảy ra tình trạng cò vé như những năm trước, ông Hoạch cho rằng nạn đầu cơ vé, cò vé sẽ giảm thiểu thông qua việc thẻ lên tàu tự in nhưng phải có đầy đủ thông tin cá nhân hành khách như họ tên, số CMND. Hành khách chỉ được coi là có vé hợp lệ để đi tàu khi thông tin trên vé trùng khớp với thông tin trên giấy tờ tùy thân. Mặt khác, mỗi vé có một mã riêng để quét và hệ thống ghi nhận là thanh toán hợp lệ sẽ hạn chế tối đa vé giả. “Hành khách nên cung cấp chính xác thông tin cá nhân, đồng thời giữ bí mật thông tin vé tàu nhằm tránh kẻ gian lợi dụng” - ông Hoạch khuyến cáo.

Theo ông Hoạch, cò vé vẫn có thể xuất hiện ở các nhà ga để lôi kéo hành khách. VNR sẽ phối hợp với lực lượng công an xử lý tình trạng này. Người dân không nên mua từ cò để tránh vé giả hoặc vô tình tiếp tay cho hành vi vi phạm.

 

Mã trên vé là mã ma trận điểm ảnh

Theo ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (Công ty Giải pháp công nghệ FPT), mã trên thẻ là mã ma trận điểm ảnh để thiết bị kiểm soát “đọc”. Mỗi hành khách (mỗi vé) chỉ được hệ thống cung cấp một mã. Vì vậy, nếu hành khách mua vé từ cò mà không đúng thông tin mình đã cung cấp khi đặt chỗ, mua vé qua mạng, vé đó sẽ không hợp lệ và không có giá trị để đi tàu.

 

Bài và ảnh: Văn Duẩn

    nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ