A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Trả giá

09:04 | 09/11/2015

Thật khó có thể tưởng tượng việc chỉ mưa 3-4 ngày, dù lượng mưa không quá lớn, một số tỉnh - thành đã ngập nước mênh mông.

Hậu quả của đợt mưa lũ mới nhất này thật nặng nề với ít nhất 8 người chết và mất tích, nhiều nơi bị sạt lở nghiêm trọng. Ngay như tỉnh Khánh Hòa, vùng đất được xem là “mưa thuận gió hòa” nhất khu vực duyên hải miền Trung, cũng lênh láng nước. Trước đó, tháng 6-2015, lũ lụt nghiêm trọng bất ngờ tấn công TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng gây thiệt hại nặng về nhà cửa, hoa màu. Hay như vào tháng 12 năm ngoái, tại tỉnh Đắk Lắk, cơn lũ quét kinh hoàng đã làm ít nhất 14 người thương vong. Điều này từ trước đến nay chưa hề xảy ra.

Các nhà khí tượng học sẽ lý giải rằng đây là hệ lụy của việc biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra khốc liệt vài thập kỷ qua. Điều này hoàn toàn đúng nhưng cội nguồn của sự biến đổi ấy là gì?

Mấy chục năm trước làm gì xảy ra “sự cố môi trường” nghiêm trọng đến vậy mà theo cách gọi của các nhà thủy văn là lũ. Nhìn dòng nước đỏ ngầu cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về san bằng miền xuôi, chợt nghĩ những cánh rừng của “lá phổi xanh” phía Tây đang từng ngày, từng giờ bị tàn phá. Hơn 20 năm qua, Tây Nguyên mất đi trên 1,5 triệu ha rừng, trong đó một phần do lâm tặc xâm hại nhưng so ra không thấm tháp gì với diện tích rừng đã bị bức tử để xây dựng hệ thống nhà máy thủy điện và các dự án khai thác khoáng sản. Rừng trồng thì ít nhưng rừng bị phá thì quá nhiều; vậy nên đến giờ, thành quả của cái gọi là “để phát triển” chưa rõ nhưng hệ lụy tồi tệ của việc đối xử không sòng phẳng với thiên nhiên đã bày ra trước mắt!

Trong khi đó, ở vùng đồng bằng duyên hải, thực tế cho thấy khoảng 10 năm trở lại đây, tiến trình công nghiệp hóa được đẩy nhanh bằng tốc độ chóng mặt với hàng chục khu công nghiệp mọc lên, hàng ngàn km đường giao thông được bê-tông hóa, làm diện tích đất bị thu hẹp nhưng hệ thống tiêu thoát không phù hợp. Thậm chí, khi quy hoạch đô thị, nhiều công trình “làm đẹp bộ mặt thành phố” được xây dựng đã làm thay đổi dòng chảy của các dòng sông, kênh rạch nội thành. Thêm nữa, các dải đất ven biển bị “chia năm xẻ bảy” để làm đìa tôm, trại giống thủy sản nhưng quên rằng nó vốn được xem là chiếc túi hứng nước từ thượng nguồn đổ về trong mùa mưa lũ. Đây có lẽ là câu trả lời vì sao miền Trung - Tây Nguyên, kể cả 2 miền Đông và Tây Nam Bộ, mới mưa vài ngày đã chìm trong biển nước.

Từ chuyện “cứ mưa là ngập”, chợt nhớ đến đất nước Hàn Quốc vào thập niên 1960-1970. Do chăm bẳm đẩy mạnh nền công nghiệp bằng mọi giá đã bất chấp việc môi trường bị hủy hoại. Khi giật mình nhìn lại, từ chính phủ đến người dân của họ đã lập tức thay đổi tư duy về phát triển, có cách ứng xử hài hòa với môi trường. Xem ra đây là bài học cho những quốc gia đi sau suy ngẫm.

Thiên nhiên cho con người nhiều thứ nhưng nếu con người không sòng phẳng với thiên nhiên, chỉ lo chạy theo hào quang phát triển thì chắc chắn phải trả giá!

Lê Trường

 

    Nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ