A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Lập các đội xung kích ở buôn hướng dẫn diệt lăng quăng

08:42 | 08/08/2016

Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết khu vực Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, thành lập và duy trì các đội xung kích tại các thôn, buôn để kiểm tra và hướng dẫn hộ gia đình diệt lăng quăng, bọ gậy.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.

Chiều 7/8, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) khu vực Tây Nguyên, dự và chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. 
Tham dự Hội nghị có ông Điểu K’ré, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng lãnh đạo Viện vệ sinh dịch tế Tây Nguyên, lãnh đạo 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Theo báo cáo của Bộ Y tế từ đầu năm 2016, tính lũy kế đến ngày 30/7/2016, cả nước ghi nhận 49.049 trường hợp mắc SXH tại 48 tỉnh, thành phố, trong đó có 17 trường hợp tử vong. 

Số ca mắc SXH tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam với 28.407 trường hợp (chiếm 57,9% số ca mắc cả nước); tiếp theo là khu vực miền Trung ghi nhận 13.673 trường hợp (chiếm 25,8%); riêng khu vực Tây Nguyên ghi nhận 7.411 trường hợp (chiếm 15,1%), đặc biệt số ca mắc của khu vực tăng cao so với cùng kỳ năm 2015. 

Quang cảnh Hội nghị.

Tỉnh có số mắc SXH cao nhất Tây Nguyên là Gia Lai với 3.081 trường hợp; Đắk Lắk đứng thứ 2 với 1.865 trường hợp; Kon Tum có 1.387 trường hợp và Đắk Nông là 1.079 trường hợp. 

Hiện dịch SXH đã xảy ra ở 393/563 xã, phường, thị trấn và tại 48/50 huyện của 4 tỉnh Tây Nguyên. 

Nguyên nhân sự gia tăng nhanh các trường mắc SXH tại khu vực Tây Nguyên được xác định là do: Bệnh dịch SXH thường có tính chu kỳ, cứ 3-5 năm lại có đợt bùng phát tăng cao số mắc. Hiện Tây Nguyên đang vào mùa mưa, vào thời điểm này năm trước, dịch bắt đầu gia tăng, đạt đến đỉnh vào những tháng cuối năm 2015 và tiếp tục tăng vào năm 2016. 

Tại nhiều gia đình của người dân Tây Nguyên các lốp xe cũ để bừa bãi ngoài vườn, nhiều hộ dân sử dụng bồn nước, bể chứa nước sinh hoạt không đậy nắp hoặc đậy không kín, ngoài ra các chai lọ, chum vại chứa nước đọng không được xử lý cùng là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. 

Cùng với đó, mạng lưới y tế còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống SXH. 

 Đại biểu các địa phương báo cáo công tác SXH trên địa bàn.

Tại một số địa phương chính quyền các cấp và tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội chưa coi trọng công tác chủ động phòng, chống dịch bệnh. 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Để tăng cường các hoạt động phòng,chống SXH thời gian tới các địa phương phải tập trung thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ và Công điện của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống bệnh SXH. 

Trong đó, thực hiện việc giao trách nhiệm cụ thể đôi với chính quyền các cấp để tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp hiệu quả phòng, chống SXH. 

Huy động các ban, ngành, đoàn thể cũng như các tổ chức chính trị, chính trị xã hội khác tham gia vận động người dân phòng chống SXH. Vận động chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng ban gương mẫu tham gia trực tiếp và các hoạt động phòng, chống SXH. 

Thành lập và duy trì các đội xung kích tại các thôn, buôn để kiểm tra và hướng dẫn hộ gia đình diệt lăng quăng, bọ gậy. 

Duy trì các đội cơ động phòng chống dịch tuyến trên để hỗ trợ cho tuyến dưới tại các địa phương khi cần thiết.

Nguyễn Tuấn Anh

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ