A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Con cá và cái cần câu

15:11 | 24/10/2013

Lâu nay, trong chuyện xóa đói giảm nghèo, người ta hay nói chuyện đưa cho người nghèo con cá hay cái cần câu, có nghĩa là làm thế nào để giảm nghèo một cách bền vững.

Nói một cách ẩn dụ thì nếu đưa cho người nghèo con cá thì người đó sẽ ăn hết ngay, sau đó nghèo vẫn hoàn nghèo, còn nếu đưa cho họ cái cần câu thì họ buộc phải đi câu lấy cá mà ăn, cũng có nghĩa là hỗ trợ để họ tự vươn lên thoát nghèo. Vậy, con cá hay hơn hay cái cần câu hay hơn? Thường thì người ta nghĩ tới cái cần câu. Tuy nhiên, câu chuyện xóa đói giảm nghèo phức tạp hơn nhiều, cả thế giới đều băn khoăn, chứ không đơn giản là giúp đỡ bằng cách này hay cách kia.

Những đứa trẻ nghèo ở thôn 13, xã Cư Kbang (huyện Ea Súp, Đăk Lăk)

Trước khi vào câu chuyện, có thể hình dung thế này: con cá là sự giúp đỡ tức thời, trực tiếp. Cần câu là sự giúp đỡ nền tảng, gián tiếp do chưa đem lại hiệu ứng tức thời cho người nghèo.

Hãy nói trước về con cá.

Nếu nhìn vào những trận lũ lụt kinh hoàng, cuốn phăng nhà cửa, lợn gà, làm hư hỏng hết hoa màu, đánh gục cây cối… thì mới thấy người dân trong những vùng bão lũ (hay nói rộng là người dân ở những vùng điều kiện kinh tế/ xã hội khó khăn) sẽ rất cần con cá- sự giúp đỡ trực tiếp. Đó là ứng cứu kịp thời của chính quyền. Đó cũng là tấm lòng thơm thảo của những nhà hảo tâm, các doanh nghiệp. Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống "thương người như thể thương thân”, "lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn”, và liền đó là câu "một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Trong lúc thập tử nhất sinh, lúc mà trong nhà không còn lấy một hạt gạo, đứt bữa; con cái không có tiền đóng học, mất cả ăn Tết - mà nhận được "con cá” thì quý hóa lắm. Ai đã một lần đến với các bản làng xa xôi hẻo lánh miền núi phía Bắc trong những ngày đông giá rét cắt da cắt thịt, nhìn những đứa trẻ xác xơ trong gió lạnh ù ù thổi, chân trần, áo quần phong phanh, mới thấy một manh áo dưới xuôi gửi lên quý giá đến đâu. Những ánh mắt trẻ thơ trần mình trong ngày đông tháng giá mà ai bắt gặp một lần sẽ ám ảnh suốt cuộc đời.

Cho nên, những gói mì tôm, những bộ quần áo dù là đã cũ, những đôi dép, những viên thuốc- là "con cá” đấy, không nên coi thường. Thế mới có những phong trào ủng hộ đồng bào bị thiên tai, những vùng đồng bào khó khăn.

Nhưng vì sao người ta lại nói rằng nên cho cái cần câu chứ không phải là con cá?

Sự giúp đỡ trực tiếp với người nghèo, người trong vùng thiên tai là vô cùng quý giá, để họ có sức mà tồn tại, mà gượng dậy, bước tiếp. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, chỉ mang tính giải quyết cấp thời, chứ không có tác dụng lâu bền. Vì thế, về lâu về dài vẫn phải là đặt vào tay họ chiếc cần câu chứ không phải là con cá.

Xóa đói giảm nghèo bền vững là mục đích chính trong việc nâng cao đời sống của bộ phận dân cư nghèo. Việt Nam đã được thế giới thừa nhận là đạt được "thành tích ngoạn mục” trong việc xóa đói giảm nghèo- đánh giá của Tổ chức Nông Lương thế giới. Thành tích ấy có được là nhờ truyền thống thương yêu, đùm bọc, san sẻ với tình nghĩa đồng bào và cũng là do hiệu quả của những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, bộ phận dân cư nghèo ở nước ta vẫn rất đông, đáng chú ý là bộ phận tái nghèo cũng rất lớn. Bên cạnh đó, những hộ cận nghèo cũng rất dễ trở thành hộ nghèo; khiến cho công cuộc xóa đói giảm nghèo càng thêm khó khăn. 

Con số của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong 2 thập kỷ qua, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống dưới 10% (theo chuẩn nghèo quốc gia). Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo lại không đồng đều, chưa bền vững. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo tăng từ 9,2 lần (năm 2010) lên khoảng 9,4-9,5 lần (năm 2012). Đã thế, số hộ nghèo sống ở thành thị lại có xu hướng gia tăng- đó là những hộ gia đình từ nông thôn lên thành thị tìm kiếm việc làm không thành công, trở nên bế tắc.

Tại "Diễn đàn giảm nghèo- Tầm nhìn tương lai” tổ chức mới đây tại Hà Nội, ý kiến của TS Pratibha Mehta, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam là rất đáng chú ý khi bà cho rằng: Để thu hẹp khoảng cách phát triển và đảm bảo tất cả các nhóm dân cư đều đạt được Mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015 là rất khó khăn do thời gian không còn nhiều. Vì thế cần gấp rút đẩy nhanh kế hoạch giảm nghèo một cách toàn diện. Đáng chú ý, theo bà Pratibha Mehta, cần khuyến khích người nghèo nói lên tiếng nói của mình, trao quyền để họ tự tìm ra cách thức giảm nghèo, cũng như để họ được tham gia vào quá trình lập kế hoạch và giám sát các chương trình xóa đói giảm nghèo. 

Đây là cách tư duy có thể coi là mới mẻ khi nhìn về người nghèo nếu thực sự quyết tâm giảm nghèo. Có nghĩa là phải đi sâu đi sát, phải hiểu được người nghèo đang cần nhất là cái gì, những điều kiện nào để họ có thể làm bàn đạp để đưa cuộc sống của mình thoát khỏi vũng lầy của sự nghèo đói dai dẳng. Nếu không thực sự lắng nghe họ, nghe từng cộng đồng một, từng gia đình một thì sẽ vẫn là sự giúp đỡ chung chung, cảm tính, hiệu quả không cao. Việc giám sát các chương trình giúp đỡ người nghèo cũng hết sức quan trọng để khắc phục tình trạng một mặt là giúp đỡ không trúng, mặt khác lại có sự chia chác, hà lạm, nên đến tay người ta không phải là con bò mà chỉ là sợi dây thừng - như cách nói của một vị lãnh đạo Ủy ban Dân tộc trước đây mấy năm. Nói tóm lại, là phải giúp đỡ thiết thực những gì người ta cần, phải trao đến tận tay họ chứ không phải là đã rơi rụng trong quá trình "chuyển tiếp”.

Lâu nay, trong việc giúp đỡ người nghèo, người ta chỉ nghĩ một phía, chứ không lắng nghe người nghèo. Có nghĩa là đối tượng được giúp đỡ không có quyền nêu ý kiến, khác nào… đòi hỏi. Cách nghĩ ấy nếu vẫn tồn tại thì cũng có nghĩa là công cuộc xóa đói giảm nghèo không bền vững.

Tóm lại, con cá cũng cần mà cái cần câu cũng cần. Người nghèo thì cần đủ thứ. Vấn đề là phải sâu sát dân tình, xem họ thực sự cần những gì nhất để từ đó có chỗ dựa mà nỗ lực vươn lên. Như thế, xóa đói giảm nghèo mới thực sự bền vững.

NAM VIỆT

 

    Nguồn: daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ