A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giảm nghèo bền vững nhờ “thiết chế” thôn bản

15:21 | 02/12/2013

Trong các năm qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách giảm nghèo hướng đến đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), tập trung vào những huyện và xã nghèo nhất.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đã có những mô hình giảm nghèo thành công tại các cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong đó, việc phát huy các "thiết chế” thôn bản đã đóng vai trò không nhỏ trong việc giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS.

Thoát nghèo từ nội lực

Bản Đỉn Đảnh, xã Châu Thôn ( huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) là bản người Thái, song nhờ phát huy thiết chế thôn bản nên cuộc sống người dân trong bản khấm khá nhất xã (chỉ sau bản người Kinh chuyên kinh doanh buôn bán). Theo người dân tại bản Đỉn Đảnh, sở dĩ thiết chế thôn được phát huy là nhờ vai trò tích cực của đội ngũ cán bộ ở thôn bản. Họ đã tích cực vận động các hộ dân thực hiện đúng theo lịch mùa vụ, thậm chí là nhắc nhở, phạt các trường hợp không thực hiện đúng hương ước của bản, vận hành tổ vay vốn giúp người dân tiếp cận tín dụng ngân hàng thuận lợi…Nhờ đó, người dân trong bản đã biết vận dụng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước một cách phù hợp để vay vốn sản xuất thoát nghèo.

Tương tự bản Khuổi Phay, xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) là địa bàn mà phần lớn người dân ở đây thuộc diện "nghèo kinh niên”. Nhưng khi được sự trợ giúp của Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Cao Bằng hỗ trợ về mặt kỹ thuật đã thành lập được Nhóm sở thích chăn nuôi lợn đen. Đây là loại hình chăn nuôi truyền thống của người dân trong bản, song vì không có kỹ thuật nên cuộc sống người dân vẫn chồng chất khó khăn vì lợn bị chết.

Được thành lập từ tháng 7-2011, với 22 thành viên đều là dân tộc Dao đỏ, thuộc diện hộ nghèo. Nhưng sau gần 2 năm tham gia nhóm, các thành viên đã từng bước vươn lên thoát nghèo. Trước khi vào nhóm, điều kiện kinh tế các hộ thành viên còn nhiều khó khăn, mỗi hộ nuôi 1 - 2 lợn để thịt ăn vào dịp Tết hay khi nhà có việc, ít bán ra thị trường, không có thu nhập. Chuồng trại làm bằng gỗ, không bảo đảm vệ sinh, lợn hay bị dịch bệnh, thức ăn cho lợn không đủ vì ngô chỉ trồng 1 vụ trên đất rẫy. Từ khi tham gia nhóm sở thích các thành viên nhóm được cán bộ dự án hướng dẫn cách tiết kiệm, cách làm ăn có lãi, lập kế hoạch sản xuất theo nhóm, được tập huấn về kỹ thuật nuôi lợn, thủ tục vay vốn, cung cấp thông tin thị trường... Hàng năm, nhóm lập kế hoạch của nhóm và được lồng ghép vào kế hoạch của xã. Mỗi kỳ sinh hoạt nhóm, thành viên đóng quỹ tiết kiệm để các thành viên trong nhóm vay mua lợn giống.

Sau 2 năm hoạt động, số lợn nuôi của nhóm phát triển, ít bị dịch bệnh. Hiện nay, mỗi hộ nuôi 8 - 10 con lợn/năm, có hộ nuôi 12 con. Một số hộ đã xây dựng được chuồng trại kiên cố, có máy thái thức ăn, máy xay xát. Thức ăn cho lợn được chủ động hơn, ngô được trồng giống mới, năng suất cao, tăng diện tích và tăng vụ. Năm 2011, cả nhóm bán được 50 con lợn, thu được 130 triệu đồng; năm 2012 bán được 140 con lợn, thu 392 triệu đồng; bình quân mỗi hộ bán ra thị trường 4 - 5 con, thu nhập 15 - 18 triệu đồng/hộ/năm. Năm 2013 dự kiến sẽ bán 220 con lợn, thu 660 triệu đồng. Hiện nay, nhóm đã có 5 hộ thoát nghèo.

Đánh giá hiệu quả dự án, anh Lý Văn Leo cho biết: Tuy dự án không cấp tiền trực tiếp mà chỉ hỗ trợ về giống, vật tư nông nghiệp và kỹ thuật nhưng hiệu quả mô hình tham gia Nhóm sở thích đem lại rất lớn. "Khi dự án triển khai về đến thôn, người dân được bàn bạc, lựa chọn hướng phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh chung. Vì thế, tạo được sự đồng thuận trong dân góp phần mang lại hiệu quả trong việc triển khai các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp”, anh Lý Văn Leo nhấn mạnh.

Giảm nghèo gắn với các thiết chế thôn bản

Báo cáo nghiên cứu "Mô hình giảm nghèo tại một số cộng đồng DTTS điển hình ở Việt Nam” và "Vai trò của thiết chế thôn, bản trong giảm nghèo tại một số cộng đồng DTTS điển hình ở Việt Nam” do tổ chức Oxfam và Actionaid thực hiện đã khẳng định rằng: Các yếu tố xã hội và kinh tế cấp cộng đồng đã tạo ra các "điểm sáng” về giảm nghèo trong các hộ gia đình và cộng đồng DTTS. Báo cáo cũng nhấn mạnh, vai trò quan trọng của cải cách quản trị ở cấp cơ sở (mà nền tảng là các thiết chế thôn bản) đối với giảm nghèo, từ đó nâng cao hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án và cung ứng dịch vụ công hướng đến giảm nghèo trong các cộng đồng DTTS tại Việt Nam. Kết quả khảo sát tại các tỉnh Hà Giang, Nghệ An, Đắk Nông, Điện Biên, Quảng Trị, Đắk Lắk và Trà Vinh vào cuối năm 2012 do tổ chức Oxfam và Actionaid thực hiện cho thấy, các thiết chế thôn bản đã giúp phát huy nội lực cộng đồng và hiệu quả các hỗ trợ từ bên ngoài, từ đó giúp cải thiện đời sống người dân và giảm nghèo bền vững.

Bà Lê Kim Dung, đại diện Oxfam cho biết: Già làng, trưởng bản và các thiết chế truyền thống vẫn thể hiện được quyền uy nhất định đối với việc quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo tập quán. Cũng theo bà Dung quá trình khảo sát cho thấy, tại các thôn bản DTTS có phong trào đi làm ăn xa, mạng lưới xã hội tạo nên sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người cùng dòng họ, cùng thôn bản hoặc cùng dân tộc. Mối quan hệ liên làng, siêu làng giúp các cộng đồng tương trợ lẫn nhau nhằm chia sẻ những giá trị tinh thần hoặc chống đỡ lại rủi ro.

Thực tế hiện nay ở các thôn bản vẫn còn giữ hình thức "giúp đổi công lao động”, hình thức này không chỉ giúp nhau trong sản xuất mà còn góp phần tăng tình đoàn kết trong thôn, bản đảm bảo trật tự an ninh trong thôn bản. Điển hình như tại Thôn Ma Hoa, xã Phước Đại, Ninh Thuận (đây là thôn phần lớn là người Raglai sinh sống) từ 1 ha đất chung 60 hộ dân trong thôn cùng chung sức trồng bắp, đậu xanh, đậu ván. Nguồn vốn thu từ rẫy được đưa vào quỹ đội và cho các hộ gia đình nghèo vay làm vốn sản xuất, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ chính nguồn vốn vay từ quỹ.

Là một trong những địa phương nhân rộng nhiều mô hình " Nhóm sở thích” trong thôn, bản góp phần xóa đói giảm nghèo, nhưng ông Phương Tiến Tân, giám đốc Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Cao Bằng thẳng thắn cho biết: Thực chất phương pháp mà dự án triển khai đều dựa trên nền tảng có sẵn của mỗi địa bàn, thôn bản. Tùy vào từng thôn bản, văn hóa của từng dân tộc mà Dự án thiết kế sẽ thành lập Nhóm sản xuất, nuôi con gì. " Văn hóa cộng đồng với bà con dân tộc rất có ý nghĩa, chính vì vậy nếu chúng ta tôn trọng và gắn nó trong hỗ trợ thì hiệu quả đem lại là rất lớn”, ông Tân khẳng định.

Về vấn đề này, Vụ trưởng- Chánh Văn phòng quốc gia về Giảm nghèo, Bộ LĐTB&XH Ngô Trường Thi cũng khẳng định, quan điểm xây dựng các chính sách đối với các vùng DTTS đã thay đổi, từ chỗ xác định phát triển là làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, đến nay chuyển sang phát huy nội lực của người DTTS trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tôn trọng và phát huy bản sắc, tinh hoa, tập quán của người DTTS.

Bảo Khanh

    Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ