A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua những bản đồ cổ

09:07 | 08/01/2014

Tại Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử” hiện đang tổ chức tại Bảo tàng tỉnh, trong số hàng trăm tấm bản đồ được dày công sưu tập, những tấm bản đồ cổ của Việt Nam

được giới thiệu lần này là những bằng chứng lịch sử quý giá, là minh chứng hùng hồn cho việc tổ tiên người Việt từ bao đời đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…
Những tư liệu, hiện vật đang được trưng bày tại Triển lãm giúp mỗi người hiểu và nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.   Ảnh: H.G
Những tư liệu, hiện vật đang được trưng bày tại Triển lãm giúp mỗi người hiểu và nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Ảnh: H.G

“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ đi được. Ngươi phải kiên quyết trách biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc bày tỏ rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di”, lời của vua Lê Thánh Tông (1442-1497) nói với các quan phụ trách biên cương vào tháng 4 năm 1473 được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư, được lấy làm phần mở đầu cho Triển lãm như một lời khẳng định ý thức về chủ quyền lãnh hải từ xa xưa của các bậc tiền bối và phần nào giới thiệu sơ lược nhất nội dung tư tưởng cho những tấm bản đồ cổ được trưng bày tiếp sau đó.

Đại Nam nhất thống toàn đồ, một trong những bản đồ quan trọng trong các bản đồ cổ của Việt Nam được trưng bày trong Triển lãm.                        Ảnh: T.L
Đại Nam nhất thống toàn đồ, một trong những bản đồ quan trọng trong các bản đồ cổ của Việt Nam được trưng bày trong Triển lãm. Ảnh: T.L

Bản đồ vẽ xứ Quảng Nam trong Toàn tập thiên nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá, Tự Công Đạo biên soạn năm 1686. Trên bản đồ này có đoạn văn viết bằng chữ Hán, nội dung như sau: “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, dựng đứng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm, đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi lại ở phía trong trôi dạt ở đây, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đây lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc tiền tệ súng đạn”. Điều đặc biệt là tuy đoạn văn này được viết bằng chữ Hán nhưng riêng 3 chữ Bãi Cát Vàng thì được ghi bằng chữ Nôm, là thứ chữ của riêng người Việt. Điều này chứng tỏ từ cuối thế kỷ 17, người Việt Nam đã làm chủ Hoàng Sa và đã đặt tên cho quần đảo này một cái tên thuần việt là Bãi Cát Vàng.

Tờ Bản quốc địa đồ in trong sách Khải đồng thuyết ước, được biên soạn và khắc in lần đầu vào năm 1853 dưới triều vua Tự Đức, vẽ vị trí của các tỉnh và các ngọn núi lớn từ ải Nam Quan đến vùng đất Biên Hòa – Vĩnh Long. Trên tờ bản đồ này, ở ngoài khơi vùng biển miền Trung có ghi chú ba chữ Hán: Hoàng Sa chử, tức là Bãi Hoàng Sa. Sách Khải đồng thuyết ước là sách giáo khoa tiểu học dưới triều Nguyễn. Việc địa danh Hoàng Sa chử được đưa vào sách giáo khoa để dạy cho học sinh chứng tỏ triều Nguyễn đã coi trọng việc giáo dục ý thức chủ quyền quốc gia cho trẻ em đương thời.

Bản đồ quan trọng nhất trong các bản đồ cổ của Việt Nam được trưng bày trong triển lãm lần này là Đại Nam nhất thống toàn đồ. Đây là bản đồ được vẽ theo lệnh của vua Minh Mạng, hoàn tất vào năm 1838. Trên bản đồ này đã thể hiện hình vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong lãnh hải Việt Nam và ghi chú là Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa. Về sau thì họ tách quần đảo này thành hai phần, gọi là Hoàng Sa và Bắc Hải. Kế đến họ gọi Bắc Hải là Vạn lý Trường Sa như trong Đại Nam nhất thống toàn đồ. Sau cùng thì mới phân biệt rõ ràng là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa như hiện nay. Điều này cũng tương tự như cách gọi Hoàng Sa và Trường Sa của các nhà hàng hải phương Tây. Lúc đầu họ gọi chung hai quần đảo này là Pracels hay Paracels. Về sau họ mới phân biệt Pracels hay Paracels để chỉ quần đảo Hoàng Sa và Spratlys để chỉ quần đảo Trường Sa. Đại Nam nhất thống toàn đồ là bản đồ hành chính đầu tiên của triều Nguyễn được vẽ gần giống với các bản đồ Việt Nam sau này, tức là trên bản đồ này, vị trí núi sông, biển đảo được vẽ với tọa độ địa lý gần chính xác như hiện nay. Đáng chú ý là hai địa danh Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa được thể hiện rõ ràng. Như vậy là sau khi vua Gia Long cử người ra Hoàng Sa cắm cờ để xác lập chủ quyền vào năm 1816 thì việc thể hiện hai địa danh Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa trên bản đồ hành chính triều Minh Mạng, chứng tỏ nhà Nguyễn đã thể hiện rất rõ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đ.T

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ