A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Miền Trung gồng mình sau đợt mưa lịch sử

09:21 | 12/12/2018

Tính đến chiều 11/12, đã có 8 người chết, 2 người mất tích trong đợt mưa lũ vừa qua tại miền Trung. Nước lũ đã nhấn chìm hơn 23.100 ngôi nhà, hơn 60.000 gia súc gia cầm bị chết và cuốn trôi...

 Đợt mưa lớn bắt đầu từ đêm 8 cho tới hết ngày 10/12 là trận mưa lịch sử đối với miền Trung, ảnh hưởng nặng nề tới các tỉnh/thành từ Thừa Thiên-Huế tới Bình Định. Hiện công tác cứu trợ đang được các địa phương tiến hành khẩn trương.

Tích cực cứu trợ người dân vùng ngập nặng Quảng Nam.

Thiệt hại nặng nề  

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ngày 11/12, cho biết: Trong số 10 người chết và mất tích thì 2 người ở Quảng Trị, 1 người ở Thừa Thiên-Huế, 3 người ở Quảng Nam, 1 người ở Quảng Ngãi, 3 người ở Bình Định. Trong số những người bị chết, có anh Trương Văn Được (30 tuổi, trú thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, Tam Kỳ, Quảng Nam) là thành viên trong đội lực lượng cứu hộ đến những nơi bị ngập lụt. Khoảng 23h đêm ngày 10/12, anh Được lội nước lũ trở về nhà mình. Khi về đến nhà, do lạnh cóng, anh Được đã ngã xuống cây khế cạnh nhà. Đến 8h sáng 11/12, người dân ở khu vực này phát hiện anh Được nằm chết dưới đất.

Mưa lớn kéo dài cũng đã gây hư hỏng nhà cửa, hoa màu của người dân. Thống kê ban đầu của các địa phương cho biết, mưa lớn gây lũ đã làm hơn 23.100 nhà dân ở khắp miền Trung bị ngập. Trong đó, Đà Nẵng 2.551 nhà; Quảng Nam 17.320 nhà; Quảng Ngãi 1.061 nhà; Bình Định 2.194 nhà. 

Về nông nghiệp: 6.965 ha lúa bị hư hại hoặc ngập úng, hoa rau màu bị thiệt hại, ngập 879 ha; cây công nghiệp bị ngập 92 ha; lương thực, hạt giống bị ẩm ướt, hư hỏng: 62 tấn. Hơn 70.000 con gia súc, gia cầm chết và bị cuốn trôi.

Về thủy lợi, có 2,2 km đê bao, bờ bao bị sạt lở; 51 km kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 14 đập thủy lợi bị ảnh hưởng. Hơn 10 km bờ biển, bờ sông bị sạt lở. Về giao thông, 64,6 km đường giao thông địa phương bị hư hại; đường sắt Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Bình Định bị sạt lở tại 3 điểm, gây ách tắc nhiều giờ.

Bình Định trong tâm điểm mưa lũ

Nếu như trong các đêm 8 và ngày 9/12, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi mưa lớn kéo dài gây nhiều thiệt hại; thì với tỉnh Bình Định- kể từ đêm mùng 9 đến sáng 11/12, mưa lớn kèm theo lũ đã làm xáo trộn sinh hoạt của người dân nhiều nơi trong toàn tỉnh.

Đặc biệt, đêm 9/12, mưa to dồn dập, có nơi lên tới gần 400ml, khiến nước lũ dâng cao. Sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, sáng 11/12, lực lượng cứu hộ phải sử dụng các phương tiện chuyên dụng mới tìm được thi thể anh Trần Văn Điền (32 tuổi) cùng vợ là chị Lê Thị Phương Oanh (27 tuổi ở thôn Trung Hậu, xã Mỹ Chánh Tây). Vợ chồng anh Điền đi làm về, khi qua tràn thuộc khu vực Nhà Đá xã Mỹ Hiệp xuống xã Mỹ Tài thì bị cuốn trôi.

Trước đó, tối ngày 10/12, lực lượng cứu hộ cũng đã tìm được thi thể anh Võ Đông Hoàng (44 tuổi) ở thôn Vĩnh Lý, xã Mỹ Tài, do nước lũ cuốn trôi. 

Ngày 11/12, thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao, nên từ đêm 12/12, khu vực tỉnh Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Như vậy, trong những ngày tới mực nước trên các sông tại Bình Định có khả năng lên lại, gây lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt tại các vùng trũng thấp, đặc biệt là tại các huyện An Lão, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước. 

Hoài Nhơn là huyện thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lớn này. Mưa lũ khiến nước các sông lên nhanh làm ngập hơn 1.600 ngôi nhà, 1.100 giếng nước, 36 công trình trạm bơm; 134 ha lúa và 106 ha hoa màu bị thiệt hại; sạt lở và bồi lấp 8.600m kênh mương chính; 26km kênh mương bê tông bị sạt lở hai bên bờ; cuốn trôi 128 đập bổi và 106 m cầu máng; sạt lở trên 2.650m đoạn bờ sông tại các xã Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Thạnh, nhiều tuyến đường liên xã, cống nội đồng, cầu bị xói, sạt lở. 320 hộ dân đã phải sơ tán đến nơi an toàn.

Còn tại huyện Phù Mỹ, theo ông Hà Ngọc Tân- Phó Chủ tịch UBND huyện, cho tới tối ngày 10/12 vẫn còn 650 hộ dân tại các xã Mỹ Chánh, Mỹ Tài, Mỹ Thành… bị cô lập trong nước lũ. Trong số 4.200 ha lúa Đông Xuân mới gieo sạ đã có 2.800 ha bị ngập nước và 103 ha rau màu bị hư hỏng. Tại huyện này, mưa lớn bất ngờ, nước tràn qua đê sông Cạn ở xã Mỹ Chánh khiến nhà của hơn 1.000 hộ dân tại các thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2, An Xuyên 3, Lương Trung, Lương Thái bị ngập sâu trong nước. Còn tại xã Mỹ Quang, nước lũ chảy xiết gây xói lở bờ kè sông Bình Trị, gây ngập lụt trên diện rộng. Hơn 300 hộ dân các thôn Bình Trị, Trung Thành 1, Trung Thành 2 bị cô lập trong lũ.

Khẩn trương cứu trợ người dân 

Hiện công tác cứu trợ đang diễn ra khẩn trương tại các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng nề của đợt mưa lũ.

Tại Bình Định, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng (Sở NNPTNT, công an, bộ đội, Hội Chữ thập đỏ...) tiến hành nhiều biện pháp hỗ trợ người dân. Lãnh đạo chính quyền các cấp thực hiện phương châm gần dân, sát dân để giải quyết khó khăn cho dân.

Mưa lũ làm hư hỏng tuyến đường bê tông ở xã Nhơn Tân (Bình Định).

Tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, tập trung khắc phục lũ lụt và cứu trợ là nhiệm vụ hàng đầu.

Theo ông Trần Ngọc Sơn- Trưởng phòng GDĐT TP Tam Kỳ (Quảng Nam), kể từ hôm nay, ngày 12/12, trừ một số ít trường ở vùng trũng thấp, đường đi đến trường của học sinh còn khó khăn như xã Tam Thăng, phường Phước Hoà, các trường còn lại đều tiến hành dạy học bình thường.

Tại những vùng ngập sâu ở Quảng Ngãi, tranh thủ nước rút, người dân bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, trường học. Tại huyện Nghĩa Hành, ngay khi nước đang, lực lượng bộ đội, công an huyện đã tiến hành  giúp các trường học dọn bùn và làm sạch sân trường... 

Trong ngày 11/12, nhiều đoàn từ thiện, thiện nguyện đã huy động hàng nghìn thùng mì tôm, nước uống, bánh mì… đến các nơi còn ngập sâu, tại các địa phương. Có nơi, nhóm từ thiện phải dùng thuyền đi lại thực hiện công việc cứu trợ. Tại Tam Kỳ, một nhóm bạn trẻ phối hợp với chùa Bửu Đức hỗ trợ 450 thùng mì tôm, 1.000 chai nước suối và bánh mì. Còn với Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, đơn vị đã cử cán bộ đến thăm hỏi, hỗ trợ nhiều suất quà nhu yếu phẩm cho người dân. Tại xã Bình Trung vẫn còn gần 300 hộ ở thôn Trà Long, Đồng Xuân, Tứ Sơn vẫn bị ngập lụt, CSGT Công an huyện kết hợp với Trung đoàn Bộ binh 143 di chuyển bằng ca nô cứu trợ ban đầu gần 100 thùng mì tôm, 40 thùng nước suối cho người dân.     

Còn theo ông Bùi Đình Thời- Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), huyện luôn sẵn sàng lực lượng cứu hộ cứu nạn 24/24 giờ ứng phó với mưa lũ. Y tế dự phòng của huyện cũng chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc để giúp người dân tiêu độc, khử trùng, phòng tránh các loại bệnh sau lũ.

Nhiều khả năng miền Trung tiếp tục có mưa lớn

Theo TS Hoàng Phúc Lâm- Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, số liệu quan trắc đến cho thấy đợt mưa ở miền Trung đã có những số liệu vượt kỷ lục theo thống kê về lượng mưa ở một số địa điểm vào giai đoạn cuối của mùa mưa. Một số nơi còn vượt kỷ lục của mùa mưa chính vụ. Từ ngày 12/12, không khí lạnh lại tràn xuống ảnh hưởng tới khu vực ven biển Trung và Nam Trung Bộ và nhiều khả năng lớn trên diện rộng lại lặp lại trong các ngày giữa tháng 12.

T.Trang - T.Thành - C.Đại

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ