A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cần sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân

05:12 | 16/05/2013

Chợ Tân Hòa, thuộc phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột đã xây dựng xong từ tháng 12-2012, nhưng không đưa vào hoạt động được, vì còn vướng khâu giải phóng mặt bằng thi công đường đấu nối từ Quốc lộ 26 đi vào chợ.

Doanh nghiệp với nỗi lo trả lãi ngân hàng

Thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu dân cư phường Tân Hòa, năm 2010, UBND tỉnh Đắc Lắc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng chợ Tân Hòa do Công ty TNHH Nhân Phú làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư gần 32 tỷ đồng, trên mặt bằng 1, 47ha. Sau khi được phê duyệt và bàn giao mặt bằng, từ năm 2010 đến tháng 12-2012, Công ty TNHH Nhân Phú đã hoàn thành việc đầu tư giai đoạn 1, bao gồm các hạng mục: 2 khu bách hóa tổng hợp; 1 khu bán hàng tươi sống; 1 khu chợ phiên; toàn bộ hệ thống hạ tầng như bãi đỗ xe, hệ thống xử lý nước thải, thu gom rác thải, điện, nước, phòng cháy - chữa cháy. Và hiện đang xây dựng khu ki -ốt dịch vụ. Theo ông Phạm Ngọc Bội, Giám đốc công ty, đến tháng 12-2012, chợ đã đủ điều kiện để đưa vào khai thác, đúng theo tiến độ dự án đã phê duyệt. Thế nhưng, từ tháng 12-2012 đến tháng 4-2013, chủ đầu tư và 170 hộ tiểu thương đã đóng góp 30% giá trị tiền thuê ki -ốt vẫn phải nằm chờ vì chưa mở được con đường từ Quốc lộ 26 đi vào chợ.

Chợ đã xây dựng xong nhưng không có đường vào.

Theo cam kết, việc giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng đường vào chợ và đường khu dân cư quanh khu vực chợ là do UBND thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện với kinh phí dự kiến khoảng 7 tỷ đồng. Nhưng đến nay chưa giải phóng được mặt bằng, do còn vướng trong khâu đền bù, tái định cư cho 19 hộ dân có nhà và đất trong khu vực quy hoạch. 

Người dân trước nguy cơ lâm vào khốn khó

Làm việc với chúng tôi, ông Đặng Văn Mỹ, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột cho biết: Theo quy hoạch mặt bằng để thi công đường vào chợ Tân Hòa, có 25 hộ dân phải di dời. Trong đó có 6 hộ liên kết sản xuất cà phê với Nông trường Cà phê 11-3 (nay là Công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Ma Thuột) và 19 hộ có nhà, đất mặt tiền Quốc lộ 26. Hiện đã có 6 hộ liên kết sản xuất cà phê bàn giao mặt bằng; 1 hộ dân có nhà ở mặt tiền Quốc lộ 26 đã chấp nhận sự hỗ trợ để bàn giao mặt bằng. Còn lại 18 hộ, không nhận tiền hỗ trợ và không chịu bàn giao mặt bằng. Lý do bà con đưa ra là đất, nhà ở, vật kiến trúc và cây trồng, hoa màu trên đất phải được đền bù, đồng thời phải được bố trí đất tái định cư.

Trong khi đó, UBND thành phố Buôn Ma Thuột cho rằng: Đất mà 19 hộ dân đang ở thuộc diện lấn chiếm hành lang giao thông Quốc lộ 26 và lấn chiếm đất của Công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Ma Thuột, nên không được đền bù về đất, không được đền bù về nhà ở, vật kiến trúc, cây trồng trên đất mà chỉ được hỗ trợ một phần thiệt hại về công trình xây dựng trên đất. Trong số 19 hộ, chỉ có 9 hộ được xét bán đất tái định cư theo mức giá sàn vì các hộ này không có đất nơi khác. 

Không chấp nhận cách giải quyết nêu trên, các hộ dân có đơn khiếu nại đòi bồi thường về đất và hỗ trợ tái định cư. Ngày 27-3-2013, UBND thành phố Buôn Ma Thuột ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại “lần đầu”, không công nhận nội dung khiếu nại. Và yêu cầu trong thời hạn 45 ngày, các hộ dân có quyền khiếu nại lên UBND tỉnh Đắc Lắc hoặc khởi kiện ra Tòa án theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, trong khi các hộ dân đang có đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh Đắc Lắc, thì ngày 18-4-2013, UBND thành phố Buôn Ma Thuột ban hành các quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà, vật kiến trúc và cây cối hoa màu của 15/19 hộ dân. Theo các quyết định này, việc cưỡng chế sẽ tiến hành trước ngày 6-5-2013. Việc ra quyết định cưỡng chế trong thời điểm người dân đang có khiếu nại nên UBND tỉnh Đắc Lắc là vi phạm những quy định tại Luật Khiếu nại năm 2011.

Căn nhà gỗ dựng từ năm 1977 của hộ cận nghèo Nguyễn Văn Hùng.

Chúng tôi nhận thấy, việc UBND thành phố Buôn Ma Thuột không đền bù về đất, nhà ở, vật kiến trúc và cây cối hoa màu trên đất cho 19 hộ dân là không thỏa đáng, vì các lý do sau:

Thứ nhất: Các quyết định giải quyết khiếu nại và cưỡng chế mà UBND thành phố Buôn Ma Thuột ban hành đều căn cứ vào Điều 2, Quyết định 47/QĐ-UB ngày 6-1-2003 của UBND tỉnh Đắc Lắc, với nội dung: “Giao cho UBND thành phố Buôn Ma Thuột chủ trì cùng với Công ty Cà phê Buôn Ma Thuột, Phân khu quản lý đường bộ Quốc lộ 26 và UBND phường Tân Hòa tổ chức kiểm tra, thực hiện việc cưỡng chế giải tỏa đối với 187 hộ dân (trong đó có 19 hộ trên – PV) xây dựng trái phép dọc Quốc lộ 26 vi phạm lộ giới giao thông và lấn chiếm đất bờ lô do Công ty Cà phê Buôn Ma Thuột quản lý tại phường Tân Hòa… Thời gian thực hiện chậm nhất đến ngày 20-2-2003 phải báo cáo kết quả thực hiện gửi về UBND tỉnh”. Thế nhưng, đến nay sau hơn 10 năm, UBND thành phố Buôn Ma Thuột mới “xới lại” để thực hiện và cũng chỉ thực hiện với 19 hộ dân là thiếu tính thuyết phục và không công bằng. 

Thứ hai: Việc UBND tỉnh Đắc Lắc và UBND thành phố Buôn Ma Thuột khẳng định các hộ dân lấn chiếm đất bờ lô của Công ty Cà phê Buôn Ma Thuột là không đúng với thực tế. Qua tìm hiểu cho thấy, có hộ như ông Nguyễn Văn Hùng tự khai hoang và dựng nhà ở từ năm 1977. Các hộ khác như vợ chồng CCB Lê Đắc Lĩnh và Phạm Thị Bình; hộ CCB Lê Ngọc Linh; hộ CCB Lê Thị Liễu; hộ Hà Thị Sanh; hộ Đặng Công Chín; hộ Trương Văn Tú… đều là đất nhận sang nhượng lại của công nhân Nông trường Cà phê 11-3 vào thời điểm trước khi có Luật Đất đai năm 1987; trong đó, nhiều thửa đất đến thời điểm này đã sang nhượng nhiều lần, qua nhiều người. Tuy nhiên, chứng từ sang nhượng chỉ là giấy viết tay. Trên đất nhận chuyển nhượng, các hộ dân đã xây dựng nhà ở và định cư ổn định từ trước năm 1993, có đăng ký hộ khẩu thường trú, hằng năm đều thực hiện nghiêm nghĩa vụ nộp thuế đất cho Nhà nước. Chúng tôi cho rằng, nếu xem xét thực tế việc sử dụng đất của 19 hộ dân, thì đất bà con đang sử dụng hội đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Khoản 4, Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003. Và vì vậy, nếu nay thu hồi thì phải đền bù theo Điều 42 của Luật Đất đai năm 2003 mới thỏa đáng. 

CCB Lê Đắc Lĩnh lo lắng nếu giải tỏa mà không được đền bù sẽ lâm vào cảnh vô gia cư.

Việc xây dựng chợ Tân Hòa là cần thiết và cũng nhằm mục đích bảo đảm ngày một tốt hơn nhu cầu dân sinh của bà con trong vùng. Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm đời sống cho hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng cũng rất cần được quan tâm. Công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư cần phải xem xét trên thực tế việc sử dụng đất, không nên áp dụng cứng nhắc những quyết định hành chính, mà đẩy những thua thiệt về phía người dân. Đề nghị UBND tỉnh Đắc Lắc và UBND thành phố Buôn Ma Thuột nên xem xét lại những quyết định đã ban hành để bảo đảm quyền lợi của người dân, tạo điều kiện để bà con có cuộc sống "bằng" hoặc" khá hơn" trước khi bị thu hồi đất như chủ trương chung của Nhà nước.

    Theo QĐND

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ