A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phải “tự xử”, vì sao?

09:25 | 02/03/2015

Con số 6.200 người phải nhập viện cấp cứu trong dịp Tết Ất Mùi 2015 vừa qua đã làm nóng dư luận cả nước ngay trong những ngày vừa bước sang năm mới đến nay.

Đúng là con số 6.200 người nhập viện vì đánh nhau khiến tất cả chúng ta phải giật mình suy nghĩ bởi theo truyền thống thì những ngày Tết, mọi người phải dành những gì tốt đẹp nhất cho nhau. Chính vì thế, trong dư luận xã hội, trên các diễn đàn..., báo giới và người dân cả nước đã có những nhìn nhận, đánh giá, phân tích đa dạng, nhiều góc độ, nhiều chiều để lý giải cũng như tìm giải pháp cho con số thương vong phi lý mà có người cho rằng còn nặng nề hơn cả “tổn thất trong một chiến dịch thời chiến tranh” trước đây.

Nhiều giác độ giáo dục, văn hóa, lối sống, tính cách... đã được đề cập để lý giải vì sao số vụ đánh nhau xảy ra nhiều đến vậy trong 9 ngày Tết. Có thể nói những phân tích, đánh giá này đều xác đáng nhưng ở một giác độ khác, vai trò quản lý xã hội và trách nhiệm quản lý nhà nước chưa được nói tới một cách đầy đủ và thấu đáo.

Hàng ngàn vụ đánh nhau trong dịp Tết, hay nhìn rộng ra các vụ đánh nhau trong xã hội, xem ra mới chỉ là phần ngọn của hành vi “tự xử” vốn đang có khuynh hướng phát triển đáng lo ngại hiện nay. Dễ dàng nhận thấy nhiều vụ đánh nhau xuất phát từ những mâu thuẫn, va chạm nhỏ nhặt trong cuộc sống thường nhật như va chạm giao thông, cãi vã giữa những người trong gia đình hay chòm xóm, thậm chí chỉ là một câu khích bác trong cuộc nhậu hay “nhìn đểu”, nẹt pô...

Nếu đặt mình trong bối cảnh của một xã hội, đất nước văn minh, thượng tôn pháp luật, nhiều người sẽ không hiểu nổi vì sao những nguyên nhân cỏn con như vậy lại dẫn tới đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Bởi lẽ, với những va chạm hay tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ, chỉ cần cư xử hòa nhã với nhau hoặc một cú điện thoại, một lá đơn gửi tới cơ quan, giới chức thẩm quyền là vụ việc được giải quyết êm xuôi, có văn minh và đúng pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại chưa được như vậy. Những vụ việc vụn vặt phát sinh trong xã hội hoặc chưa có quy định pháp luật điều chỉnh hoặc có song lại chưa được giới chức hữu trách xem xét giải quyết thấu đáo, công minh, đúng pháp luật. Điều này gây ra tâm lý thiếu tin tưởng - một căn nguyên dẫn tới hành vi tự xử để giải quyết những va chạm, mâu thuẫn trong xã hội của không ít người dân. Có thể khẳng định chẳng người dân bình thường nào muốn cứ động tý là “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” để giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống nếu họ có niềm tin sâu sắc vào công lý, được pháp luật bảo vệ và cơ quan chức năng giải quyết khách quan, công minh.

PHẠM DƯƠNG

    nguồn: Nld.com.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ