A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Những “kỹ sư trường làng”

07:08 | 20/07/2015

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cao nguyên Đắk Lắk, từ nhỏ các cậu bé Lê Đức Thông, Nguyễn Thành Luân, Tô Hoàng Khang (cùng sinh năm 1997, “bộ ba” học sinh lớp 12A2, Trường THPT Lê Hữu Trác, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk)...

... đã đam mê mày mò tháo lắp các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhóm tác giả Khang - Thông - Luân (từ trái sang)  giới thiệu các thiết bị của mô hình “Chưng cất rượu hương cà phê”.

Một trong những mô hình sáng tạo đem lại niềm vui, niềm tự hào không chỉ của thầy, trò Trường THPT Lê Hữu Trác mà còn cả Ngành giáo dục tỉnh Đắk Lắk là Dự án “Chưng cất rượu hương cà phê”. Đây là dự án vừa giành Giải Nhì lĩnh vực hóa học và Giải Ba tại Cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2015 khu vực phía Nam diễn ra tại tỉnh Đồng Tháp từ ngày 15 đến 17/3 vừa qua.

Chia sẻ về ý tưởng của dự án này, em Lê Đức Thông trưởng nhóm nói: “Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng nổi tiếng với rượu cần của người Êđê bản địa và cà phê. Từ đó, bọn em muốn tạo ra một sản phẩm có sự kết hợp hài hòa giữa hương vị cà phê và rượu cần, mang đặc trưng vùng Tây Nguyên. Để chưng cất được loại đồ uống này thì cần phải có máy pha chế riêng biệt, vì vậy, bọn em đã lên kế hoạch sáng tạo máy “chưng cất” rượu mới lạ mà trên thị trường hiện nay chưa có”.

Luân tiếp lời “Do ý tưởng mới nên 3 chúng em phải mất 2 tháng trời mới xây dựng xong đề tài. Lúc đầu trên lý thuyết nghĩ đơn giản, chỉ cần áp dụng phương thức nấu rượu truyền thống là có thể hoàn thành nhưng khi triển khai thì cái khó lại chồng chất, phần vì tài liệu tham khảo rất ít, đặc biệt là phải am hiểu về hóa học bởi trong quá trình “sản xuất” đều có phản ứng xảy ra khi kết hợp giữa rượu với cà phê”.

Theo thiết kế, chiếc máy chưng cất gồm 2 bộ phận: Bộ phận nấu (1 chiếc nồi cơm điện) và bộ phận ngưng tụ (có ống dẫn), nhưng bộ phận ngưng tụ là thiết bị tiêu tốn nhiều công sức nhất của nhóm.

Thông chia sẻ: Chúng em bỏ ra hàng giờ nghiên cứu hệ thống giảm nhiệt để làm sao mà nấu hàng giờ máy vẫn không bị nóng. Sau khi sử dụng hệ thống quạt gió theo phương thức vừa quạt vừa hút gió thì hệ thống làm lạnh đã hoạt động như mong muốn. Nếu so với cách giải nhiệt bằng giàn lạnh mà người ta đang áp dụng để sản xuất trong các nhà máy thì hệ thống này tiết kiệm hơn rất nhiều nhưng hiệu quả thì như nhau.

Vậy là sau hơn 3 tháng miệt mài sáng tạo, cùng với sự giúp đỡ của thầy giáo Phạm Văn Vinh - giáo viên chủ nhiệm kiêm người hướng dẫn và cũng là giáo viên dạy hóa học, nhóm đã cho ra lò máy “chưng cất” rượu hương cà phê. Về nguyên tắc hoạt động, gạo được nấu thành cơm, ủ men trong khoảng thời gian 7-8 ngày, sau đó trộn đều với bã cà phê (cà phê đã qua sử dụng) tạo thành hỗn hợp. Hỗn hợp này được đưa vào nồi nấu, đun sôi khoảng 90 độ C trong thời gian khoảng 15 phút, từ đó hơi nước sẽ thoát ra ngoài qua ống dẫn tới hệ thống làm lạnh (ngưng tụ) và chảy ra ngoài, sản phẩm thu được là rượu có nồng độ cồn trên 45 độ C với hương vị cà phê, nồng nàn, thơm ngon.

Theo nhóm tác giả, hiện mỗi máy chưng cất rượu loại này có giá 1 triệu đồng, nếu như mô hình này được ứng dụng rộng rãi ở các khu du lịch phục vụ đồ uống cho khách du lịch thì rất thuận lợi, bởi đây vừa là thức uống mới mang hương vị đặc trưng của Tây Nguyên, vừa thao tác dễ dàng trong quá trình vận hành. Ngoài ra, mô hình này có thể được áp dụng rộng rãi cho từng hộ gia đình, không gây ô nhiễm môi trường, phế thải sau khi sản xuất rượu có thể làm phân bón tốt cho cây trồng và phòng trừ được các loại sâu bệnh. 

Trước đó, năm 2013, nhóm tác giả này cũng từng giành Giải Nhất tại Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Đắk Lắk với mô hình “Xe môi trường đô thị đa năng.   

 Tuấn Anh

    Nguồn: Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ