A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Thay đổi chính sách học phí với sinh viên sư phạm

09:14 | 26/05/2018

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung sẽ được đưa ra thảo luận lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 5 QH khóa XIV. Một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi là chính sách học phí cho sinh viên (SV) sư phạm.

Trước đó, góp ý cho dự thảo Luật này, nhiều ý kiến cho rằng chính sách miễn học phí cho SV sư phạm đã quá lỗi thời. 

Thế hệ trẻ năng động trong trường đại học.

Sửa đổi cho phù hợp 

Theo quy định hiện hành, SV sư phạm không phải đóng học phí, kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí sư phạm được ngân sách cấp bù cùng với kinh phí chi thường xuyên của cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, chính sách này đã tồn tại một số hạn chế, bất cập như học sinh ra trường không làm đúng ngành giáo dục, dẫn đến chính sách hỗ trợ của nhà nước không hiệu quả; đồng thời chính sách này không còn phù hợp với xu hướng tự chủ hiện nay của các trường đại học nói chung và các trường sư phạm nói riêng, không thúc đẩy các trường sư phạm tích cực, chủ động khai thác nguồn thu để tăng cường cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo do phụ thuộc tâm lý chờ đợi ngân sách bao cấp, cấp bù học phí sư phạm.

Trước đó, góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, nhiều hiệu trưởng đã đề xuất “dẹp” chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm vì lỗi thời, ảnh hưởng lớn đến quá trình tự chủ. PGS.TS Đỗ Văn Dũng- hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM đề nghị nên bỏ ngay chính sách lỗi thời này.

Ông Dũng cho biết, nhà trường đang đào tạo 13 ngành, trong đó có một ngành sư phạm ngôn ngữ Anh, còn lại là sư phạm kỹ thuật. Mỗi năm trường nhận được 5-8 tỷ đồng cấp bù sư phạm, vì không đủ nên thực tế họ phải bù lỗ đến 30 tỷ đồng.

Thực tế tuyển sinh nhiều năm cho thấy, không ít sinh viên chọn “đầu vào” sư phạm vì được miễn học phí, sau đó ra trường với tấm bằng cử nhân sư phạm đã theo ngành nghề khác. Còn lại đại đa số SV sư phạm ra trường khó xin việc, thậm chí thất nghiệp và nguồn ngân sách đầu tư cho việc cấp bù sư phạm thì lãng phí trong đào tạo mỗi năm không hề nhỏ.

Như vậy rõ ràng có một vòng luẩn quẩn tồn tại lâu nay, người yêu thích nghề giáo vào trường sư phạm không hẳn vì được miễn học phí. Ngược lại, nhiều người không thích ngành này nhưng vẫn học vì “vừa có bằng đại học, vừa được miễn phí”. Chính vì thế mà đầu vào ngành sư phạm ngày càng sa sút, chất lượng giáo viên rất khó nâng cao.

Cho vay tín dụng để học tập 

Theo tờ trình dự án luật của Chính phủ, chính sách không thu học phí đối với học sinh, sinh viên sư phạm đã thực hiện được 20 năm. Thực tế chứng minh trước đây, chính sách trên đã thu hút rất nhiều học sinh giỏi vào các trường sư phạm. Nhiều gia đình khó khăn, nhờ chính sách trên mà con em họ được đến trường, bớt đi phần gánh nặng cho gia đình, xã hội và sau đó trở thành những giáo viên giỏi, có nhiều cống hiến cho giáo dục.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiện nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số SV sư phạm trên cả nước ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành còn nhiều, gây lãng phí lớn nguồn nhân lực sư phạm. Do vậy, HS,SV viên sư phạm cũng cần đóng học phí như HS,SV các ngành học khác. Vì vậy, Luật Giáo dục sửa đổi đã sửa qui định SV sư phạm không phải đóng học phí, bằng qui định HS, SV sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ thì được miễn khoản vay này. 

Theo Bộ GDĐT, chính sách này mang lại một số ưu điểm. Đó là đối với HS,SV được vay tín dụng để nộp đủ mức học phí và có đủ chi phí sinh hoạt để yên tâm theo học, sau này ra trường làm đúng nghề sư phạm được xóa khoản vay. Như vậy, nếu sau khi ra trường làm trong ngành sư phạm thì SV vẫn không phải chi trả khoản học phí; Đối với trường sư phạm, SV đóng học phí đầy đủ cho nhà trường theo mức thu, trường có nguồn thu trực tiếp để chủ động trang trải chi phí; Còn đối với nhà nước, việc này sẽ góp phần thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, không còn tình trạng hỗ trợ kinh phí cho những người được đào tạo sư phạm nhưng ra trường đi làm ngành nghề khác, làm chính sách hỗ trợ không hiệu quả.    

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được đề xuất sửa đổi, bổ sung 50/114 điều, chiếm 44% tổng số điều của Luật Giáo dục hiện hành, bổ sung 3 điều và bãi bỏ 10 điều. Trong đó, đề xuất chế độ với nhà giáo và chính sách đối với SV sư phạm là hai nội dung rất được chú ý. Theo GS.VS Phạm Minh Hạc, đây là sự thay đổi toàn diện, là giải pháp căn cơ của ngành giáo dục, góp phần tôn vinh đội ngũ nhà giáo - lực lượng nòng cốt, có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà. 

Dung Hòa

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ