A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: Khó chồng khó

08:59 | 13/11/2013

Theo Đề án được phê duyệt, đến năm 2014 các địa phương trong tỉnh hoàn thành mục tiêu Phổ cập Giáo dục Mầm non (PCGDMN) cho trẻ 5 tuổi, và năm 2015 tỉnh được công nhận, nhưng xem ra khó hoàn thành mục tiêu đúng hẹn bởi còn đó những bộn bề khó khăn…

Nhìn từ huyện Lak

Trong số 15 huyện, thị xã, thành phố, thì huyện Lak là địa phương khó “cán đích” mục tiêu PCGDMN cho trẻ 5 tuổi nhất. Bởi sau 3 năm (2011-2013) thực hiện mục tiêu trên, toàn huyện chỉ mới có 4/11 xã được công nhận đạt - đây là những xã có điều kiện kinh tế - xã hội tương đối thuận lợi - còn lại là rơi vào xã đặc biệt khó khăn, có đông tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số. Rõ ràng chặng đường gần 2 năm còn lại của lộ trình thực hiện PCGDMN cho trẻ 5 tuổi của huyện đang đầy “chông gai” trên cả 3 tiêu chuẩn: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ cán bộ giáo viên và chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ. Theo báo cáo mới nhất của Phòng GD-ĐT huyện Lak, trên địa bàn có 9 cơ sở mầm non, với 98 lớp học, nhưng có đến 16 phòng học tạm, 22 lớp phải mượn phòng học của bậc học phổ thông, nhà cộng đồng. Trong số 57 lớp học dành cho trẻ 5 tuổi chỉ có 25% số lớp có đồ dùng dạy học. Sau nhiều nỗ lực, đầu tháng 11-2013, đơn vị đã mở 2 lớp mầm non tại buôn Dak Sa (xã Dak Nuê) cho 34 trẻ và buôn Liêng Krăk (xã Krông Nô) cho khoảng 15 trẻ học, nhưng hiện nay vẫn còn 3 buôn thuộc 2 xã Dak Nuê, Nam Ka và 3 xã là Nam Ka, Ea R’bin, Buôn Triết chưa có lớp, trường mầm non. Bà Bùi Thị Trí Huệ, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lak trăn trở: Có một nghịch lý, nếu không mở lớp ở các thôn, buôn ở cách xa trung tâm xã thì khó huy động được trẻ trong độ tuổi ra lớp, nhưng khi mở lớp thì các em 3,4 tuổi buộc phải học chương trình dành cho trẻ 5 tuổi nhiều năm liền. Khi tập trung cho công tác phổ cập trẻ 5 tuổi, vô hình trung ở những lớp ghép này đã “quên” đi nhóm trẻ 3,4 tuổi; vì thế đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt khi toàn ngành áp dụng chương trình mầm non mới. Không chỉ thiếu trường, lớp, bậc học mầm non của huyện Lak cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu cán bộ phụ trách, quản lý. Hầu hết các trường đều thiếu giáo viên, có 9 cơ sở mầm non, nhưng thiếu 13 hiệu trưởng, hiệu phó, đặc biệt là 3 năm học trở lại đây, phòng GD-ĐT chưa có cán bộ phụ trách công tác giáo dục mầm non. Bà Huệ so sánh: “Các chương trình PCGDTH đúng độ tuổi, PCGDTHCS thực hiện ròng rã gần 10 năm mới hoàn thành mục tiêu, trong khi đó nhiệm vụ PGGDMN cho trẻ 5 tuổi mới được thực hiện 3 năm, kinh phí đầu tư lại quá eo hẹp, đơn giản như phần mềm quản lý hồ sơ  phổ cập, đơn vị cũng phải trích từ ngân sách chi thường xuyên để mua, nên một địa phương có đến 7 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 75% sẽ khó hoàn thành mục tiêu đúng thời gian đề ra”.

Cơ sở vật chất thiếu, nên nhiều trường mẫu giáo, mầm non tận dụng hành lang lớp học làm nơi ăn trưa cho trẻ.

Không dễ chạy đua với thời gian

Đến cuối tháng 7-2013, toàn tỉnh có 130/184 xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) đạt phổ cập cho trẻ 5 tuổi, chiếm trên 71% số xã đăng ký. Như vậy theo đề án đã được phê duyệt, từ nay đến cuối năm 2014 còn 54 xã phải được công nhận để bảo đảm đến năm 2015 toàn tỉnh được công nhận. Theo bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng Phòng Mầm non (Sở GD-ĐT), để có thể đuổi kịp tiến độ phổ cập đề ra, các địa phương buộc phải chạy đua với thời gian. Song đây là bài toán khó, bởi những xã được công nhận phổ cập cho trẻ 5 tuổi đa phần thuộc các trường có ít điểm lẻ, đều bảo đảm các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, đủ phòng học theo Quy định Điều lệ trường Mầm non và có các thiết bị điện tử để ứng dụng vào công tác nâng cao chất lượng, quản lý chăm sóc trẻ. Hiện bậc học mầm non thiếu 236 phòng học, 109 phòng tạm và 210 phòng học nhờ, đặc biệt còn 5 xã chưa có trường mầm non riêng biệt: Tân Lập (huyện Krông Buk), 3 xã Nam Ka, Ea R’bin, Buôn Triết (huyện Lak) và phường Thiện An (thị xã Buôn Hồ). Đáng quan ngại, nhiều xã mặc dù đã được công nhận phổ cập nhưng còn nợ về tiêu chuẩn cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, với đặc thù của một tỉnh miền núi, hầu hết các trường mẫu giáo, mầm non đều có điểm trường lẻ, cá biệt có trường với gần 10 điểm lẻ rất khó khăn trong công tác quản lý, tổ chức các hoạt động tập trung, trao đổi phương pháp dạy và học... Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Buk nói: “Chính quyền địa phương rất sốt ruột khi bậc học này còn nhiều phòng học tạm, phòng học mượn, chưa đáp ứng nhu cầu học tập cho trẻ. UBND huyện đã nhiều lần tổ chức họp bàn, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bậc học này, nhưng kinh phí không có nên lực bất tòng tâm”. Ở huyện Krông Pak cũng khó khăn không kém, toàn bậc học mầm non có 24 trường,  trong đó 22 trường có điểm lẻ, với 134 điểm trường. Đa phần các điểm lẻ chỉ có một lớp và chủ yếu là lớp học mượn, khuôn viên sân chưa được xây dựng, không có nhà vệ sinh…nên đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ huy động trẻ ra lớp.

Rõ ràng trong bộn bề khó khăn đó, công tác PCGDMN cho trẻ 5 tuổi không phải là chuyện ngày một ngày hai, nóng vội, chạy theo thành tích mà phải được thực hiện từng bước, vững chắc và lâu dài, và vấn đề mấu chốt là phải tháo gỡ được những ách tắc về kinh phí.

 Nguyên Hoa

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ