A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Có khuất tất trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên ở huyện Ea Súp?

15:37 | 18/11/2013

Hơn chục năm nay, 96 giáo viên và nhân viên hành chính sự nghiệp hợp đồng thuộc Phòng GD-ĐT huyện Ea Súp vẫn gắn bó với trường lớp, đưa ánh sáng tri thức đến với con em người dân ở các vùng sâu, vùng xa.

Bất ngờ, vừa qua UBND huyện ra thông báo cắt hợp đồng, khiến nhiều giáo viên và người phụ thuộc hoang mang cực độ.

Hàng chục giáo viên lâu năm kêu cứu

Theo Công văn số 897/UBND-VP do Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Trần Ngọc Quang ký ngày 16-10-2013 nêu rõ: Tại Thông báo số 61/TB-UBND ngày 20-6-2013, UBND huyện đã giao Phòng GD-ĐT phối hợp với Phòng Nội vụ thực hiện việc luân chuyển, điều động giáo viên hợp lý cho các trường, nếu thiếu giáo viên thì tuyển giáo viên trên quan điểm ưu tiên theo thứ tự: con thương binh, liệt sĩ, con em đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ, nhân dân trong huyện…Tuy nhiên, thời gian qua việc tham mưu hợp đồng giáo viên của Phòng GD-ĐT vẫn còn nhiều bất cập, đã tạo dư luận không tốt trong nhân dân về cơ chế tuyển dụng viên chức tại các trường. Để chấn chỉnh công tác tiếp nhận, bố trí, sử dụng viên chức các trường học, UBND huyện chỉ đạo: Giao Phòng GD-ĐT phối hợp với Phòng Nội vụ tạm dừng việc hợp đồng, tiếp nhận giáo viên, nhân viên hành chính các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn toàn huyện. Giao Phòng GD-ĐT tiến hành rà soát, thống kê số lượng giáo viên, nhân viên mà Phòng GD-ĐT đã tự ý hợp đồng sai quy định từ những năm về trước, sau đó tổ chức thanh lý hợp đồng đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên hợp đồng sai quy định. Thời gian thanh lý hợp đồng phải thực hiện xong trước ngày 31-12-2013.

Học sinh Trường THCS Ea Lê trong giờ ra chơi  (Ảnh minh họa).

Học sinh Trường THCS Ea Lê trong giờ ra chơi (Ảnh minh họa).

Thầy C., cô N. là 2 trong số gần 100 giáo viên, nhân viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học, THCS ở huyện Ea Súp sắp bị cắt hợp đồng theo văn bản của huyện. Biết mình có tên trong danh sách dự kiến bị đuổi việc, hơn một tháng nay, thầy C. - giáo viên Trường THCS Ea Lê không còn tâm trí nào để yên tâm dạy học. "Hơn 2 năm trước trường này thiếu giáo viên dạy nhạc, tôi được Phòng GD-ĐT ký hợp đồng lao động, từ đó đến nay tôi vẫn được nhận lương đầy đủ. Giờ huyện bảo phải cắt hợp đồng, đúng sai thế nào tôi chưa biết, nhưng tôi đang vô cùng khổ sở", thầy C. nói. Thầy C. cho hay, vợ thầy tốt nghiệp sư phạm mấy năm nay chưa xin được việc, lại vừa sinh con nhỏ được mấy tuần. Nếu không có suất lương hơn 3 triệu đồng/tháng, gia đình thầy không biết sẽ ra sao. Tương tự, cô N., giáo viên dạy sử, Trường THCS Ea Lê, cũng vừa dạy vừa lo ngay ngáy. Là cử nhân lịch sử, có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, nghề giáo viên của N. là niềm tự hào và là nguồn thu nhập chính của cả gia đình nghèo. Cầm thông báo của huyện, cô N. tức tưởi nói: "Em nghĩ Phòng GD-ĐT hay UBND huyện cũng đều là nhà nước, không biết sai chỗ nào, nhưng đâu phải do lỗi của chúng em. Giờ mất việc em biết nói với gia đình thế nào, lại còn đứa em đang học đại học chỉ biết trông vào suất lương của em nữa"!Thực hiện chỉ đạo trên, Phòng GD-ĐT đã tổ chức thống kê, lên danh sách những giáo viên, nhân viên thuộc diện trên. Theo danh sách thống kê của Phòng GD-ĐT có tất cả 96 người thuộc diện bị thanh lý hợp đồng gồm: bậc THCS: 5 giáo viên, 6 nhân viên; bậc Tiểu học: 21 giáo viên, 16 nhân viên; bậc Mầm non: 2 giáo viên, 8 nhân viên, 12 bảo vệ, 23 cấp dưỡng.

Nhập nhèm trong công tác tuyển dụng

Đi kèm với danh sách giáo viên, nhân viên mà Phòng GD-ĐT đã tự ý hợp đồng sai quy định từ những năm về trước, Phòng GD-ĐT cũng có báo cáo khẳng định tất cả số giáo viên, nhân viên trên đều có đóng bảo hiểm xã hội trên 36 tháng, hơn nữa toàn bộ số giáo viên, nhân viên này đều là con, em trong các gia đình có hộ khẩu thường trú tại huyện và đã từng gắn bó với huyện Ea Súp từ những ngày thành lập huyện đến nay. Về trình độ chuyên môn: Đối với 28 giáo viên đều đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn đúng chuyên môn, bộ môn từng cấp học khi hợp đồng, đến nay đa số giáo viên trên đã được phòng và nhà trường tạo điều kiện cho đi học bồi dưỡng nâng cao phù hợp với chuyên môn công tác như học hệ đại học, cao đẳng. Đối với nhân viên, có 12 người đúng chuyên môn, 18 người làm trái chuyên môn nhưng đã được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ qua những lớp ngắn hạn của sở, của ngành hàng năm, có một số đã học lên cao đẳng, đại học và hàm thụ đúng chuyên ngành đang đảm nhận công tác. Phòng GD-ĐT Ea Súp cũng có văn bản đề xuất UBND huyện các phương án như tiếp tục hợp đồng, xét tuyển đặc cách các trường hợp đủ điều kiện, đối với nhân viên trái ngành vẫn cho tiếp tục làm việc nhưng yêu cầu cam kết “nợ” bằng từ 2 - 4 năm.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 26-9-2013, chính Phòng GD-ĐT đã có tờ trình số 73/TTr-GD-ĐT để xin chủ trương hợp đồng giáo viên. Và chỉ sau đó 1 ngày, tức ngày 27-9, Chủ tịch UBND huyện Ea Súp Trần Ngọc Quang đã ký một văn bản đồng ý cho hợp đồng mới với 50 giáo viên các cấp. Điều đáng nói là trong số này, có đến 43 người có trình độ... trung cấp, nhiều người có hộ khẩu ở địa phương khác. Thậm chí có người chỉ tốt nghiệp trung cấp công nghệ thông tin (trung cấp nghề), không có hộ khẩu tại địa phương vẫn được hợp đồng làm giáo viên như trường hợp ông Dương Vũ Long - người huyện Krông Ana. Điều này đã đi ngược hoàn toàn Thông báo số 61/TB-UBND ngày 20-6-2013 do chính ông Trần Ngọc Quang ký. Hơn thế, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 50 người được tuyển mới, có không ít vị trí trùng với những giáo viên lâu năm phải thanh lý hợp đồng, chẳng hạn cô L. được nhận vào Trường THCS xã Ea Lê để thay cô N. dạy môn lịch sử thuộc diện thanh lý hợp đồng. Trong khi đó cô L. trình độ cao đẳng, cô N. là cử nhân đại học.

Liên quan đến nội dung này, ngày 30-10, Văn phòng UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu huyện Ea Súp kiểm tra, báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh trước ngày 15-11. Chưa rõ UBND huyện Ea Súp sẽ báo cáo vấn đề này thế nào? Trao đổi về vấn đề này, ông Y Mơ Mlô - Trưởng Phòng Cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở Nội vụ cho biết: "Theo Thông tư 16, Nghị định 29, Luật Viên chức, người có nghề nghiệp cần tuyển có thời hạn công tác liên tục từ đủ 36 tháng trở lên, có đóng BHXH bắt buộc thì được đặc cách xét tuyển không theo trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức". Như vậy lẽ ra được đặc cách xét tuyển viên chức, gần 100 giáo viên, nhân viên hợp đồng lâu năm sẽ không còn cơ hội nếu như bị thanh lý hợp đồng. Có thể thấy, việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục tại huyện Ea Súp đang tồn tại rất nhiều bất cập. Để ổn định tư tưởng người lao động, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn huyện, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp giải quyết triệt để những tồn tại trên.

 Giang Nam

    Nguồn:Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ