A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nghịch lý tuyển sinh

08:11 | 13/08/2018

Ngày 12/8 là thời hạn cuối cùng thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 làm thủ tục xác nhận nhập học đợt 1. Trong khi có không ít trường ĐH, CĐ vẫn đang trong tình trạng chưa tuyển đủ chỉ tiêu, thì lại có trường phải đặt điểm chuẩn “ảo” để đánh trượt thí

Với mặt bằng điểm thi năm nay, không ít trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu, đặc biệt ở những vùng, ngành khó tuyển sinh hoặc hệ cao đẳng, trung cấp.

Cũng bởi ngưỡng điểm sàn?

Đó là câu chuyện của Trường CĐ Sư phạm Gia Lai tuyển sinh 345 chỉ tiêu cho 11 ngành đào tạo sư phạm, trong đó có 285 chỉ tiêu tuyển theo hình thức xét từ điểm thi THPT quốc gia 2018. Theo công bố của trường, điểm chuẩn nguyện vọng một ở mức rất cao, chỉ trừ Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non có điểm chuẩn 15 điểm, các ngành học khác đều từ 18 điểm trở lên, thậm chí ngành Sư phạm Ngữ văn lên đến 23 điểm. Tuy nhiên, danh sách chỉ vẻn vẹn 71 thí sinh trúng tuyển của trường, không có thí sinh nào đạt đến 20 điểm.

Sau khi Trường CĐ Sư phạm Gia Lai công bố, nhiều ý kiến không khỏi bất ngờ khi một trường CĐ sư phạm ở Tây Nguyên lại có điểm chuẩn cao như vậy.

Trong khi có không ít trường ĐH đang tuyển sinh cả đợt 1 và đợt 2 chỉ có mức điểm chuẩn từ 13- 14 điểm. Tuy nhiên, mức điểm chuẩn này lại có nguyên nhân rất hi hữu. Theo lãnh đạo nhà trường: Do có quá ít thí sinh đăng ký vào những ngành trên, nên trường phải nâng điểm để đánh trượt thí sinh.

Cụ thể như ngành Sư phạm Ngữ văn chỉ có 1 thí sinh đăng ký và được 22,5 điểm, nhà trường không thể đào tạo ngành chỉ có 1 thí sinh nên đã nâng điểm chuẩn lên 23 để thí sinh này trượt và xét tuyển vào trường khác (theo quy định, thí sinh trúng tuyển NV1 thì sẽ không được trúng NV2). Ngoài ra, các ngành khác cũng chỉ lác đác 1-2 thí sinh và trường không thể mở lớp nên đành làm tương tự. 

TS Nguyễn Thị Thu Hà- Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Hội đồng tuyển sinh của trường đã phải họp nhiều lần và quyết định đưa điểm chuẩn lên cao hơn điểm của thí sinh để thí sinh không đủ điểm đỗ vào trường. Đó là một quyết định rất đau lòng. Với những ngành chỉ có 1-2 thí sinh thì không thể mở lớp. Tuy còn có các đợt xét nguyện vọng bổ sung nhưng hội đồng tuyển sinh của trường xét thấy, với ngưỡng điểm sàn Bộ GD-ĐT quy định cho CĐ sư phạm năm nay là 15 điểm, nếu xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia và phải là thí sinh có học lực khá nếu xét tuyển theo học bạ, thì dù có xét nguyện vọng bổ sung cũng không đủ thí sinh để mở lớp. 

Theo bà Hà, năm 2017 điểm chuẩn vào trường cũng tầm 16, 17 điểm với Giáo dục Mầm non và Giáo dục tiểu học, tầm 13 đến 14 điểm với các ngành còn lại, là ở mức tương đối so với các trường CĐ sư phạm nói chung. Năm nay, Bộ GD-ĐT đã đặt ngưỡng đảm bảo chất lượng riêng cho khối trường sư phạm nên việc tuyển sinh khó khăn hơn.

Tuyển sinh sư phạm đã được dự báo trước 

Về chuyện lạ của Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, ông Trần Anh Tuấn- Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết, đã nắm được vụ việc của trường này và yêu cầu trường báo cáo bằng văn bản. Tuy nhiên theo thông tin nắm được, ông Tuấn cho rằng Trường CĐ Sư phạm Gia Lai đang làm trái với nguyên tắc xét tuyển ĐH, CĐ. Theo đó, nguyên tắc khi xét tuyển là xét từ trên xuống dưới, không thấp hơn điểm sàn đã quy định (15 điểm đối với CĐ sư phạm) và phải dựa theo chỉ tiêu của ngành. Nếu ngành Sư phạm Ngữ văn có 20 chỉ tiêu, phải xét từ em có điểm cao nhất đến em thứ 20, điểm của em này là điểm chuẩn của ngành.

Trong trường hợp ngành Sư phạm Ngữ văn có ít thí sinh đăng ký, trường không thể mở lớp nên nâng điểm chuẩn lên để các em rớt nguyện vọng là sai. Cách làm của Trường CĐ Sư phạm Gia Lai hiện nay vừa trái với nguyên tắc xét tuyển, vừa không tôn trọng nguyện vọng của người học. Trong trường hợp các em nhất quyết chọn các ngành của trường, dù có ít thí sinh, trường vẫn phải mở lớp…

Câu chuyện của Trường CĐ Sư phạm Gia Lai đã phần nào phản ánh tình trạng tuyển sinh khối các trường sư phạm hiện nay. Như vậy, lại một năm nữa các trường sư phạm đứng trước nguy cơ không tuyển sinh được hoặc tuyển được rất ít.
Năm 2018 cũng là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng mức điểm sàn riêng cho ngành sư phạm, với mong muốn nâng chuẩn đầu vào và nâng cao chất lượng đào tạo. 

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy năm 2018 có 125.269 nguyện vọng vào khối trường sư phạm, trong đó 43.928 nguyện vọng 1. Chỉ tiêu vào các trường sư phạm năm nay là 35.599 thí sinh; điểm sàn xét tuyển vào các trường ĐH là 17, CĐ 15 và trung cấp 13.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết, ngưỡng này được xây dựng trên cơ sở kết quả điểm thi của các thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành sư phạm, cũng như yêu cầu chất lượng đầu vào của các ngành đào tạo giáo viên để bảo đảm chất lượng người thầy trong toàn hệ thống.

Dẫu thế, với mặt bằng điểm thấp như năm nay, mức sàn mà Bộ GD-ĐT đưa ra thực sự là một thách thức đối với các trường. Nhiều trường lo lắng với mức điểm sàn nói trên. Việc nhiều trường sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh là điều được dự báo trước. Rất nhiều chuyên gia tuyển sinh khẳng định với mặt bằng điểm thi năm nay, không ít trường sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu, đặc biệt ở những vùng, ngành khó tuyển sinh hoặc hệ CĐ, trung cấp.

Sự việc Trường CĐ Sư phạm Gia Lai xác định điểm trúng tuyển một số ngành cao để đánh trượt thí sinh vì số đăng ký xét tuyển quá ít, không đủ số lượng mở lớp là việc làm bất khả kháng. Những trường hợp tương tự như trường này tuy không nhiều, nhưng kết quả tuyển sinh năm nay của các trường sư phạm tiếp tục đứng trước nguy cơ không đạt mục tiêu là có thật. 

Thực trạng tuyển sinh sư phạm năm 2018 sẽ được Bộ GD-ĐT và các trường đánh giá tới đây. Theo các chuyên gia, giải pháp nâng chuẩn đầu vào của khối trường sư phạm mới là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, việc sắp xếp lại hệ thống trường sư phạm cần sớm được Bộ GD-ĐT cân nhắc, tiến hành.     

Sau khi công bố điểm chuẩn đợt 1, nhiều trường ĐH trên cả nước đã và đang công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung. Do đó, thí sinh trượt nguyện vọng 1 vẫn còn nhiều cơ hội để xét tuyển vào ĐH.

Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh bổ sung năm 2018. Theo đó, trường tuyển bổ sung 635 chỉ tiêu cho hệ ĐH và CĐ chính quy. Mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung của trường theo hình thức xét điểm thi THPT quốc gia dao động từ 14-16,5 điểm; Mức điểm sàn xét theo hình thức học bạ THPT dao động từ 18- 22 điểm. Với cả hai hình thữ xét tuyển, ngành lấy điểm sàn cao nhất là Công nghệ may.

Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng thông báo xét tuyển bổ sung 300 chỉ tiêu cho 6 ngành ĐH. Học viện nhận hồ sơ từ ngày 13.8 tới khi tuyển đủ chỉ tiêu các ngành đã công bố nhưng không quá ngày 20/8.

ĐH Huế tuyển bổ sung 83 chỉ tiêu cho phân hiệu tại Quảng Trị các ngành Kỹ thuật Điện, Kỹ thuật Xây dựng, Kinh tế Xây dựng, Công nghệ kỹ thuật môi trường. ĐH Nông Lâm TP HCM xét tuyển bổ sung 200 chỉ tiêu cho các phân hiệu Gia Lai, Ninh Thuận. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 15 điểm trở lên…   Dung Hòa

Minh Ngọc

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ