A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Quy chế và chất lượng thi cử

15:59 | 13/08/2018

Tiêu cực về điểm số trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 xảy ra ở một số địa phương cho thấy quy chế của kỳ thi bộc lộ khá nhiều hạn chế.

 Theo nhiều chuyên gia giáo dục, vẫn nên duy trì và giữ ổn định kỳ thi trong những năm tới, song cần cải tiến để hạn chế thấp nhất tiêu cực, đem lại sự công bằng, độ tin cậy của kỳ thi.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Tổ trưởng Tổ chấm trắc nghiệm Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình (giữa) báo cáo với Tổ công tác Bộ GDĐT kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình.

Khó theo kịp khi quy chế thay đổi liên tục

Nhiều năm làm công tác tổ chức các kỳ THPT cũng như tuyển sinh đại học, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cho rằng: Việc thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học những năm qua đã được thử nghiệm với nhiều phương thức, nhìn chung, phương án nào cũng có ưu và nhược điểm riêng của nó. Và trước nhiều lo ngại về tiêu cực tại mùa thi vừa qua, ông cho rằng trong ngắn hạn chưa nên tính đến chuyện bỏ kỳ thi này, bởi thí sinh sẽ không thể theo kịp nếu quy chế thi bị thay đổi liên tục. Các chính sách đưa ra phải hướng đến tính bền vững, ổn định và phải hướng đến thí sinh. 

Ông Dũng phân tích, nếu bỏ kỳ thi này và các trường đại học tự tổ chức kỳ thi riêng, tự ra đề thì lúc đó tiêu cực vẫn xảy ra thông qua các trung tâm luyện thi. Khi đó, những học sinh ở thành phố có điều kiện luyện thi thì đạt điểm cao, còn những em thí sinh ở vùng sâu vùng xa, nông thôn không có điều kiện đến trung tâm luyện thi sẽ phần nào bị thiệt thòi. Hơn nữa, việc luyện thi khiến học sinh và gia đình lại thêm gánh nặng. 

Từ dữ liệu qua các kỳ thi các năm, ông Dũng cho rằng, những năm trao quyền cho các trường đại học tự tổ chức, tự ra đề thi, số học sinh ở thành phố trúng tuyển đại học nhiều hơn học sinh ở nông thôn do có điều kiện luyện thi. Còn những năm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia “2 trong 1”, thì nhiều em ở nông thôn lại đạt điểm cao. Điều này cho thấy kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay đã tạo sự công bằng nhất định cho các thí sinh ở các vùng miền. Quy chế thi đã được ban hành mà tiêu cực vẫn xảy ra đó là vấn đề thuộc về con người. Chính tư duy cục bộ mang tính địa phương, chạy theo thành tích đã ảnh hướng đến sự công bằng, nghiêm túc của kỳ thi. Đồng thời, những tiêu cực ở một số địa phương như vừa qua cho thấy vẫn còn những kẽ hở trong công tác tổ chức kỳ thi, nhất là khâu chấm thi. Vì vậy, cần thiết phải có những cải tiến, đưa thêm các giải pháp kỹ thuật vào trong các khâu, để kỳ thi này thực sự nghiêm túc, công bằng. 

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa- nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, việc giao kỳ thi THPT quốc gia cho các địa phương chủ trì là chưa ổn. Chưa kể đến việc xảy ra những tiêu cực như vừa qua thì trình độ, năng lực và kinh nghiệm trong công tác tổ chức một kỳ thi cấp quốc gia của các địa phương thực sự chưa đảm bảo, chưa chuyên nghiệp như các đại học. Theo ông, thời gian tới, giải pháp trước mắt là giao cho các đại học chủ trì tổ chức kỳ thi hoặc các trung tâm khảo thí có năng lực, uy tín để đảm bảo tính chính xác, công bằng và khoa học của kỳ thi. 

Sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển 90% chỉ tiêu, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân Nguyễn Thọ Đạt rất lo lắng về chất lượng sinh viên sau những sai phạm ở Hà Giang, Sơn La. Xác định điểm đầu vào không hoàn toàn quyết định chất lượng đào tạo và kết quả đầu ra của sinh viên nhưng đây vẫn là căn cứ quan trọng để tuyển sinh. Ông Đạt kiến nghị trong khi duy trì kỳ thi THPT quốc gia đến hết năm 2020 Bộ cần có giải pháp hiệu quả để đảm bảo chất lượng.

Về đề thi, ông Đạt cho rằng, mục tiêu số 1 là xét tốt nghiệp THPT nhưng đề vẫn cần phân hóa để phân loại được học sinh tốt nghiệp loại giỏi - khá - trung bình. Cần nhất quán trong khâu ra đề, tránh tình trạng năm nay quá dễ, năm sau lại quá khó. Về công tác coi thi, phải có sự tham gia của cán bộ đại học ở tất cả khâu. “Không nên để địa phương tự chấm bài của thí sinh tỉnh mình mà cần tổ chức chấm chéo hoặc chấm thi theo cụm. Bài trắc nghiệm cũng cần cải thiện về mặt công nghệ để tránh tạo kẽ hở cho gian lận xảy ra”- Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân góp ý.

Các trường đại học nên có cách xét tuyển riêng

TS Nguyễn Quốc Chính- Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học quốc gia TPHCM nhấn mạnh, cần có cải tiến trong tổ chức kỳ thi. Căn cơ nhất là phải cải tiến kỳ thi này trở nên nhẹ nhàng hơn và xác định đó không phải là mục đích cuối cùng của thí sinh, của các trường phổ thông. Để thực hiện được điều này, theo TS ông Chính cần có những giải pháp đồng bộ để giảm tải kỳ thi. Trong đó, khâu ra đề thi là quan trọng nhất, đề thi phải đổi mới khoa học hơn chứ không chỉ kiểm tra việc học và nhớ kiến thức mà không có kỹ năng. Đồng thời, cần định hướng việc học tập ở bậc phổ thông không quá coi trọng thành tích. 

Trong định hướng lâu dài, ông Chính cho rằng nên tổ chức kỳ thi theo hướng đánh giá năng lực giúp các trường đại học tuyển sinh. Trong lộ trình cải tiến kỳ thi dần dần nên chuyển đổi thành một kỳ thi chuyên nghiệp và giao cho các trung tâm khảo thí cấp quốc gia tổ chức. Đồng thời, cũng cần khuyến khích các trường đại học có phương thức tuyển sinh phù hợp tiêu chí của trường. Đây cũng là xu hướng chung của thế giới. 

Cùng quan điểm về việc đa dạng các phương thức tuyển sinh đại học, theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, ngay cả khi kỳ thi THPT quốc gia đảm bảo tính chính xác, tin cậy thì các trường đại học vẫn nên có cách xét tuyển riêng thông qua nhiều phương thức. Tiêu chí để tuyển sinh đại học cần theo xu hướng đánh giá theo năng lực tổng thể.

Về vấn đề này, tại hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 của Bộ GDĐT tổ chức đầu tháng 8, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã thừa nhận nhiều hạn chế trong tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018. Cụ thể, đề thi chưa thật sự phù hợp với yêu cầu của thi THPT, trong đề thi có những câu hỏi có độ khó cao nhằm phân hóa kết quả thi của thí sinh, nhưng đã làm cho đề khó hơn các năm trước và khó so với yêu cầu của thi THPT quốc gia. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện để kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức tốt hơn, đánh giá đúng chất lượng giáo dục của các địa phương.  

Thống nhất quan điểm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng Ngô Thị Minh cho rằng: Không thể vì sai phạm ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình... mà chúng ta xóa đi cả lộ trình đổi mới ở kỳ thi THPT quốc gia. Bộ GDĐT cần giữ ổn định kỳ thi này và xem xét lại việc ra đề thi sao cho chuẩn hóa và phù hợp với mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT.    

Thu Hoài

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12 - 2

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ