A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2018: Cơ hội vẫn còn

09:48 | 14/08/2018

Sau khi kết thúc tuyển sinh đợt 1, nhiều trường ĐH, CĐ đã đạt trên 90% chỉ tiêu tuyển sinh. Để tuyển đủ chỉ tiêu, hiện các trường ĐH công lập đã bắt đầu đợt xét tuyển bổ sung ngay từ ngày 13/8. Như vậy, vẫn còn nhiều cơ hội đang chờ đợi thí sinh.

Tìm hiểu thông tin tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh - Hướng nghiệp 2018. Ảnh: Hải Anh.

Tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu 

Thông tin từ nhiều trường ĐH cho hay, kết thúc tuyển sinh đợt 1, tỉ lệ thí sinh đến nhập học của các trường đều ở mức khá cao. Theo PGS.TS Trần Văn Tớp- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học của trường khoảng trên 96%. Như vậy, con số thực thấp hơn một chút so với chỉ tiêu.

Tại Trường ĐH Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Thanh Chương- Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, có ngành số thí sinh đến xác nhận nhập học đạt trên 90%, có ngành đạt trên 80%. Tỉ lệ trung bình đạt xác nhận nhập học cao hơn năm 2017. Còn tại trường ĐH Thủy lợi, đại diện nhà trường cho hay, số thí sinh đến xác nhận nhập học tại trường đạt 90% so với danh sách thí sinh trúng tuyển. Tỉ lệ này cũng được xác định là cao hơn so với năm 2017. 

Dẫu vậy, kết thúc đợt xét tuyển đầu tiên, nhiều trường ĐH công lập vẫn còn chỉ tiêu cho đợt xét tuyển bổ sung. Việc xét tuyển bắt đầu từ ngày 13/8. 

Cụ thể, Học viện Báo chí Tuyên truyền thông báo xét tuyển bổ sung 300 chỉ tiêu hệ đại học chính quy. Mức điểm nhận hồ sơ là 15,5 (bao gồm điểm ưu tiên đối tượng và khu vực). Riêng ngành Lịch sử có điểm thi môn Lịch sử nhân hệ số 2 quy về thang điểm 30. ĐH Lâm nghiệp tuyển bổ sung 36 ngành, mỗi ngành 30 chỉ tiêu, bằng cả 2 phương thức xét kết quả thi THPT quốc gia và xét kết quả học tập bậc THPT. ĐH Thủy lợi thông báo xét tuyển bổ sung 450 chỉ tiêu ĐH hệ chính quy năm 2018 với 13 ngành đào tạo tại cơ sở Hà Nội…

Khác với xét tuyển đợt 1, trong đợt xét tuyển bổ sung Bộ GD-ĐT không quy định thời gian cụ thể cho các trường mà do trường tự quyết định. Theo đó, thời gian kết thúc nhận hồ sơ của mỗi trường sẽ khác nhau. Vì vậy, thí sinh cần chủ động tìm hiểu thông tin cụ thể của từng trường thông qua cổng thông tin điện tử của các trường để chủ động trong việc nộp hồ sơ.

Vẫn còn tình trạng “khát” thí sinh 

Như vậy, ở mùa tuyển sinh ĐH 2018, nghịch lý “30 điểm trượt ĐH” đã không còn xuất hiện, thay vào đó nhiều trường ĐH có điểm chuẩn giảm sâu hơn so với mọi năm. Dẫu thế, vẫn có những trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu, hoặc có số lượng thí sinh xác nhận nhập học quá ít. Băn khoăn lớn nhất đặt ra lúc này là kết thúc tuyển sinh đợt 1, liệu các trường có tuyển đủ chỉ tiêu hay không?

PGS Lê Hữu Lập- nguyên Phó Hiệu trưởng Học viện Bưu chính Viễn thông chia sẻ, sau khi các trường nhận giấy chứng nhận điểm xong, họ sẽ công bố chỉ tiêu xét tuyển từng ngành trong đợt 2 (nếu còn). Tuy nhiên, với kinh nghiệm tuyển sinh nhiều năm, ông Lập cho rằng, việc tuyển sinh bổ sung với một số trường còn nhiều chỉ tiêu, nhưng e cũng không tuyển được, vì thương hiệu thấp, hoặc ngành học không hấp dẫn. Nhiều năm trước đó, không ít trường kể cả ĐH công lập và dân lập, rồi các trường CĐ phải ra thông báo tuyển bổ sung đợt 2, đợt 3. Tuy nhiên, họ vẫn khát thí sinh. Năm nay, tình trạng này vẫn đang lặp lại ở các trường ĐH địa phương như ĐH Đồng Nai, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Quảng Nam, ĐH Xây dựng miền Trung…

Trước những lo lắng về việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu khối trường sư phạm, câu chuyện của Trường ĐH Hồng Đức – Thanh Hóa cũng đang khiến nhiều người quan tâm.  Năm 2018, Thanh Hóa là tỉnh tiên phong của cả nước đưa ra Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH ngành sư phạm. Theo đó, tỉnh đặt hàng ĐH Hồng Đức mở 4 ngành đào tạo sư phạm chất lượng cao, gồm Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn. Chỉ tiêu đào tạo là 20 sinh viên mỗi ngành. Địa phương sẽ đảm bảo phân công nơi làm việc cho các sinh viên này sau khi tốt nghiệp. Yêu cầu được đặt ra là các thí sinh phải đạt điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia từ 24 điểm trở lên.

Tuy nhiên, theo đại diện nhà trường, do điểm thi THPT quốc gia năm 2018 quá thấp, nên mức điểm 24 đã là rất cao, do đó nhà trường đang đứng trước nguy cơ khó khăn trong mở lớp chất lượng cao. 

Cụ thể, Ngữ văn là ngành có số lượng thí sinh đỗ chất lượng cao nhiều nhất, với 12 em đã xác nhận nhập học tại trường. Ngành Sư phạm Lịch sử tuy có đến 22 em đạt điểm từ 24 trở lên, nhưng lại chỉ có khoảng 8 em đạt tiêu chuẩn của đề án chất lượng cao do nhiều em có môn chính không đạt 8 điểm. Ngành Toán chỉ có một em đủ điểm đỗ vào lớp chất lượng cao. Ngành Vật lý thì chưa tuyển được em nào. Dẫu thế nhà trường vẫn quyết tâm mở lớp đào tạo sư phạm chất lượng cao, cho dù chỉ có một sinh viên. Theo ông Hoàng Dũng Sỹ- Trưởng phòng Quản lý đào tạo – Trường ĐH Hồng Đức, việc này nhằm đảm bảo cam kết của trường, của tỉnh, cũng như tạo niềm tin cho thí sinh để thu hút thí sinh tốt hơn vào các năm sau. 

Mùa tuyển sinh này, cùng với việc khó khăn trong tuyển sinh của CĐ Sư phạm Gia Lai, trường hợp tuyển sinh sư phạm của ĐH Hồng Đức cũng cho thêm một minh chứng. Cho dù ngay cả khi có chế độ đặc biệt ưu đãi để thu hút người tài vào học ngành sư phạm, thì việc tuyển sinh khối ngành này vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Đây là điều đáng phải suy ngẫm.    

Minh Ngọc

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ