A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tự chủ đại học: Vẫn lúng túng

08:52 | 15/08/2018

Nhìn lại một năm thực hiện đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục (GD), đào tạo,...

...Bộ GDĐT cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn cần giải quyết. Trong đó, các trường đại học (ĐH) trực thuộc địa phương hầu như chưa sẵn sàng chuẩn bị tự chủ ĐH.  

Ảnh minh họa.

Vướng mắc về hội đồng trường

Một trong 9 nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2017-2018 được xác định là tâm điểm thực hiện Nghị định tự chủ trong nhà trường. Đến nay, Bộ GDĐT đã trình Chính phủ Nghị định quy định về cơ chế tự chủ của cơ sở GD ĐH công lập. Các cơ sở GD ĐH ngày càng được giao quyền tự chủ nhiều hơn nên đã chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, hoạt động ngày càng hiệu quả. Thí điểm mô hình trường ĐH tự chủ không có bộ chủ quản để đánh giá, rút kinh nghiệm, tiến tới thực hiện cơ chế không có bộ chủ quản cho toàn bộ hệ thống theo Nghị quyết của Đảng và Chính phủ đã đề ra. 

Thẳng thắn nhìn nhận những vướng mắc hiện nay các trường đang gặp phải, đó là hiện nay nghị định quy định về cơ chế tự chủ của cơ sở GD ĐH công lập chưa được ban hành gây vướng mắc về mặt pháp lý cho các cơ sở GD ĐH thực hiện cơ chế tự chủ. 

Một số cơ sở GD ĐH còn chưa hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà trường theo quy định. Nhiều cơ sở GD ĐH chưa thành lập được hội đồng trường.

Một số cơ sở GD ĐH đã thành lập hội đồng trường nhưng chưa ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của hội đồng trường… Hội đồng trường chưa phát huy được đúng chức năng và vai trò là cơ quan quyền lực thực sự, do vậy hoạt động của hội đồng trường còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả. 

Vấn đề tự chủ và trách nhiệm giải trình với xã hội của các cơ sở giáo dục đào tạo chưa cao, việc xây dựng chương trình kế hoạch phát triển giáo dục ở các nhà trường còn hạn chế. 

Cơ chế chính sách về tự chủ còn thiếu và chưa đồng bộ. Việc giao quyền tự chủ đối với cơ sở GD ĐH mới chỉ thực hiện thí điểm, chưa trở thành nhu cầu nội tại của các trường, điều kiện tự chủ mới chỉ tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính, chưa tính đến năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức quản lý của các cơ sở đào tạo. 

Một hạn chế nữa là tự chủ ĐH hiện chưa gắn liền với đổi mới quản trị nhà trường. Một số cơ sở chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng nên lúng túng trong thực hiện. Một số cơ sở còn dựa vào lợi thế ngành để tăng học phí và tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chưa chú trọng đúng mức đến mục đích chính của tự chủ ĐH là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Chưa chủ động công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và cam kết về chất lượng đào tạo. Đặc biệt các trường ĐH trực thuộc địa phương hầu như chưa sẵn sàng chuẩn bị tự chủ ĐH.  

Bỏ cơ quan chủ quản: những kiến nghị

Theo Bộ GDĐT, điều kiện thí điểm thực hiện cơ chế không có Bộ chủ quản đối với một số trường ĐH trực thuộc Bộ phải đạt các điều kiện: Các cơ sở giáo dục ĐH đã được giao thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77 của Chính phủ hoặc đã tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; Hội đồng trường đã được thành lập theo quy định và hoạt động hiệu quả, ổn định;  Đã đạt kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục ĐH; Có đề án thí điểm hoạt động theo cơ chế không có cơ quan chủ quản.

Hiện nay Bộ GDĐT đã chỉ đạo thí điểm 23 cơ sở giáo dục ĐH tự chủ và tiếp tục sang một giai đoạn về tự chủ cao hơn. Bộ đã trình Chính phủ thí điểm 3 trường ĐH theo cơ chế bỏ cơ quan chủ quản, gồm ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TPHCM. Đây là một bước cao hơn của thực hiện tự chủ ĐH. Nhưng việc này cũng đặt ra nhiều vấn đề.

Trên thực tế, chủ trương trường không trực thuộc sự quản lý của Bộ GDĐT đã có từ lâu, nhưng chưa thực hiện được bởi nhiều lý do. Vừa qua, với quyết tâm của Chính phủ cũng như của Bộ GDĐT cuối cùng cũng giao cho 3 trường làm thí điểm.

Ông Trần Thọ Đạt- Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, từ kinh nghiệm thực tiễn của trường, vấn đề khó khăn nhất là hệ thống văn bản không nhất quán. Khá nhiều nội dung tự chủ trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ là tuân theo quy định hiện hành. 

“Đã gọi là thí điểm tự chủ thì phải khác quy định hiện hành. Những quy định hiện hành về đầu tư công, chi tiêu công hiện nay rất ràng buộc ĐH tự chủ. Rất mong đề án tự chủ sắp tới sẽ có những cơ chế khác biệt”- ông Đạt kiến nghị.

Trong khi đó, ông Trần Văn Tớp- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường đang triển khai các quy chế quan trọng, chuẩn bị đề án không có Bộ chủ quản. Do đây là vấn đề quá mới ở Việt Nam nên chủ yếu sẽ học tập kinh nghiệm từ nước ngoài. Chẳng hạn, có thể học hỏi từ Singapore kinh nghiệm về cải cách hành chính, tổ chức bộ máy công quyền, phục vụ cho việc nghiên cứu, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống quản trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo kế hoạch, trong tháng 8 này 3 trường ĐH được giao thí điểm bỏ Bộ chủ quản phải xây dựng xong đề án và trình lên các cấp thẩm quyền. Sau đó trình Chính phủ xem xét. Phấn đấu ít nhất có 1 trường trong 3 trường được bỏ bộ chủ quản trong năm 2018.

    Thu Hương

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ