A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đổi mới giáo dục đại học: Phục vụ sự nghiệp đổi mới và hội nhập

08:23 | 18/08/2018

Ngày 17/8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Giáo dục 2018- VEC 2018”, với chủ đề “Giáo dục đại học - Chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”.

Lễ trao bằng tốt nghiệp liên thông Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, đợt 2/2018. 

Chuẩn hóa giáo dục đại học

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, trong hơn 30 năm đổi mới, giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước hội nhập tích cực.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch QH, trước sự vận động phát triển không ngừng của khoa học công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hóa là những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức, thì GDĐH cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho đất nước mà còn có sức hội nhập, cạnh tranh.

Theo ông Phan Thanh Bình- Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH, GDĐH là một khâu then chốt quyết định đối với chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

Với sứ mệnh là nơi sáng tạo ra tri thức mới, thực hiện đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội, GDĐH giữ vai trò là đòn bẩy quyết định cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế, hướng đến sự phồn vinh và thịnh vượng của đất nước.

Do đó, chuẩn hóa và hội nhập quốc tế được xem là nội dung nền tảng, những yêu cầu đối với sự phát triển giáo dục đại học nước nhà. Đây cũng là những vấn đề lớn, có tính thời sự, thu hút sự chú ý của xã hội và được giới chuyên môn đặc biệt quan tâm.

“Với tâm huyết chung vì một nền giáo dục “khỏe mạnh”, tạo nền tảng cho phát triển đất nước, cần hướng tới sự đồng thuận trong tầm nhìn, trong nhận thức về những vấn đề then chốt của hệ thống GDĐH để xác định quan điểm đúng đắn, lựa chọn phương thức triển khai phù hợp. Từ đó chia sẻ và tạo sự lan tỏa trong hệ thống và toàn xã hội”- ông Bình nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, GDĐH Việt Nam đã phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng. Hiện nay, cả nước có 236 trường ĐH, học viện và 41 viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ. Số lượng giảng viên ĐH tăng nhanh trong thời gian vừa qua, trong đó có số giảng viên đạt trình độ tiến sĩ.

Tuy nhiên, ông Phúc cũng thừa nhận rằng, nghiên cứu khoa học ở các cơ sở GDĐH còn chưa được quan tâm đúng mức và kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, số công bố quốc tế còn thấp so với các nước phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Năng lực quản trị, quản lý của các cơ sở giáo dục đại học chưa theo kịp yêu cầu của phát triển GDĐH và hội nhập quốc tế.

“Thầy dạy chứ không phải thợ dạy”

Đưa ra giải pháp cho GDĐH trong thời gian tới, ông Phúc cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH và các quy định liên quan để đổi mới căn bản và toàn diện. Mặc khác, điều quan trọng là nâng cao năng lực hệ thống GDĐH, đổi mới cơ chế tài chính đại học, đổi mới quản lý nhà nước về GDĐH. “GDĐH còn nhiều tiềm năng, nhưng quản lý nhà nước phải đổi mới kịp thời để đáp ứng nhu cầu phát triển này. Khi thay đổi cơ chế chính sách kịp thời, tạo động lực đúng đắn sẽ tạo bước đột phá trong phát triển GDĐH”- theo ông Phúc.

Theo GS Hoàng Chí Bảo- nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cần tập trung cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, làm sao tạo ra “thầy dạy chứ không phải thợ dạy”, người thầy xuất chúng phải là người biết truyền cảm hứng tới sinh viên. ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TPHCM phải được coi là nòng cốt, đi sâu vào giáo dục lý luận cũng như phương pháp giảng dạy, phải biến “quốc sách hàng đầu” thành nguồn lực vật chất thực sự. Có như vậy mới thực sự chấn hưng giáo dục.

Còn GS Võ Văn Sen- nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM cho rằng, hiện cơ chế tự chủ có sự lệch lạc, chỉ lo cơ chế tự chủ tài chính, còn tự chủ học thuật thực tế lại không được coi trọng. Các trường chỉ chăm bẵm cơ chế tài chính, loay hoay làm thế nào thu học phí, điều này trở thành nguy cơ lớn trong nền giáo dục. 

Trong khi đó, ông Dilip Parajuli- Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang đứng thứ 84/137 nước về chất lượng GDĐH, còn đứng thứ 79/137 nước về đổi mới giáo dục. Do vậy trong bối cảnh hiện nay việc xếp hạng các trường ĐH sẽ là “cú hích” để các trường hướng tới nâng cao khả năng của mình.

Muốn vậy theo ông Dilip Parajuli, phải để các trường tự chủ từ tài chính ngân sách, học tập gắn với việc nâng cao chất lượng giải trình để vươn lên mức cao hơn. Việc nâng cao trách nhiệm giải trình của hệ thống thông qua việc đánh giá của học sinh, sinh viên, và khảo sát chất lượng. Còn Nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý, giám sát chất lượng. Như vậy sẽ giảm bớt được sự can thiệp vào quá trình giảng dạy của các trường. 

   H.Vũ

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ