A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Các trường được lựa chọn sách giáo khoa

08:17 | 11/09/2018

Trước những ý kiến trái chiều về chương trình Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục và những băn khoăn của phụ huynh về việc sử dụng bộ SGK nào trong chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới tới đây,....

 Bộ GDĐT đã chính thức lên tiếng: với chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa”, sắp tới tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa (SGK) đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định.

Phụ huynh băn khoăn khi chọn sách giáo khoa cho con.

Giảng dạy trên nguyên tắc tự nguyện 

Theo đó, Bộ GDĐT cho biết: Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục (TV1- CNGD) là kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của một số nhà khoa học, đứng đầu là GS.TSKH Hồ Ngọc Đại thông qua các đề tài nghiên cứu và được áp dụng vào dạy học ở Trường Thực nghiệm Giảng Võ, Hà Nội. Căn cứ kết quả nghiên cứu và áp dụng thí điểm trong dạy học môn Tiếng Việt ở lớp 1 tại trường Thực nghiệm và một số cơ sở giáo dục, Bộ đã đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện.

Cuối năm 2016, tiếp thu ý kiến của Đại biểu quốc hội trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGD) nghiên cứu, khảo sát, đánh giá chất lượng, hiệu quả triển khai Tài liệu TV1-CNGD và đề xuất các giải pháp chỉ đạo (do GS.TS Trần Công Phong -Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam chủ trì).

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, khảo sát, Viện KHGD Việt Nam đã đánh giá việc triển khai tTài liệu TV1-CNGD ở các địa phương đạt được hiệu quả khả quan thông qua kết quả giáo dục học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên và đề xuất các giải pháp để tiếp tục sử dụng hiệu quả tài liệu TV1-CNGD. Trong báo cáo, Viện KHGD Việt Nam đề nghị Bộ GDĐT tổ chức Hội đồng thẩm định tài liệu TV1-CNGD theo quy định và đề nghị các tác giả tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Tài liệu để đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Trong năm 2017 và 2018, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Việt lớp 1, cùng với việc rà soát, tinh giảm các nội dung chưa phù hợp với học sinh trong SGK hiện hành, Bộ đã tổ chức Hội đồng thẩm định quốc gia tài liệu TV1- CNGD.

Sau 2 vòng thẩm định, Hội đồng thẩm định đã đánh giá: Tài liệu TV1- CNGD về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình GDPT cấp Tiểu học (theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ GDĐT). Tài liệu TV1-CNGD đã được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng thẩm định. Căn cứ kết quả khảo sát, đánh giá của Viện KHGD Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định tài liệu TV1-CNGD, Bộ hướng dẫn các sở GDĐT triển khai tài liệu TV1-CNGD phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của nhà trường trong năm học 2017-2018 và năm học 2018-2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện chương trình GDPT mới.

Một trong số các phương án lựa chọn

Theo Bộ GDĐT, tài liệu TV1- CNGD là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong chương trình GDPT hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.

Tới đây, khi chương trình GDPT mới được ban hành, với chủ trương “một chương trình nhiều SGK”, tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là SGK đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định. Căn cứ vào kết luận và đề xuất của Hội đồng thẩm định quốc gia, Bộ trưởng Bộ GDĐT sẽ phê duyệt danh mục SGK (theo chương trình GDPT mới) được phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục. Trên cơ sở đó, căn cứ vào các quy định, các cơ sở giáo dục được phép lựa chọn SGK phù hợp.

Tránh độc quyền 

Mới đây, tại Hội thảo khoa học quốc gia “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế”, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới khẳng định: Chủ trương số hóa SGK chắc chắn là có và sẽ đưa miễn phí lên mạng. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cũng cho hay: Về mặt chủ trương thì những gì thuộc về ngân sách và Bộ GDĐT cấp kinh phí liên quan đến tài liệu giáo trình này thì Bộ dự kiến theo hướng là sẽ miễn phí, và công bố những tài liệu được số hóa lên mạng. 

Trước những băn khoăn của dư luận về việc Bộ GDĐT có tham gia biên soạn một bộ SGK, liệu có tạo ra một sân chơi bình đẳng hay không?

GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ, Nghị quyết số 88 khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình GDPT. Hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân đang sẵn sàng tham gia công việc này. Sau khi chương trình mới được ban hành, Bộ GDĐT sẽ còn phải tổ chức tập huấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK để có được những bộ SGK thật tốt. Theo GS Thuyết, trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ tuyển chọn tác giả biên soạn bộ SGK này. Mọi việc sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng phân tích, tính “mở” của chương trình GDPT mới rất rõ nét. Chương trình mở cho cả 3 nhóm đối tượng: người học, người dạy và người biên soạn SGK. Tính “mở” cũng thể hiện rõ cho các giáo viên khi có quyền đề xuất chọn SGK; dạy theo chương trình nhưng không phụ thuộc từng câu chữ trong SGK hay sách giáo viên. Giáo viên môn Ngữ văn có thể được lựa chọn tác phẩm để giảng dạy.

Ngoài ra, chương trình cũng “mở” cho người biên soạn SGK về học liệu, chỉ đặt ra những yêu cầu về phẩm chất, năng lực đạt được.

Dẫu thế, trước thực trạng thiếu SGK đầu năm học mới 2018-2019 đã và đang khiến dư luận càng mong muốn sớm xóa bỏ thế độc quyền biên soạn và phát hành SGK. Đại đa số các ý kiến cho rằng, chỉ khi sớm thực hiện được một chương trình, nhiều bộ SGK như các nước tiên tiến thì mới thực sự có sự cạnh tranh lành mạnh.

Một nghi ngại lớn cũng đang được đặt ra, không thấy nước nào có nhiều bộ SGK mà Bộ GDĐT lại đứng ra tổ chức biên soạn SGK cả. Đơn cử như việc sẽ xuất hiện tâm lý e ngại của các tổ chức, cá nhân muốn biên soạn SGK khác khi thấy Bộ đã đứng ra chủ trì việc này, việc cạnh tranh về giá cả và lựa chọn của người sử dụng sẽ không tránh khỏi bị “lép vế” trước bộ SGK của Bộ.

Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực - Ban Tuyên giáo Trung ương: Thay vì chỉ có một bộ sách độc quyền, việc cho ra nhiều bộ SGK là một sân chơi bình đẳng mà Bộ GDĐT phải đứng ở vị trí trung tâm, trọng tài, chứ không lệch về một bên nào. Do đó, không thể có một sân chơi bình đẳng khi mà trong đó có một đội bóng được sự quan tâm riêng và trực tiếp tham gia của trọng tài vào đội bóng ấy. Mặt khác, theo ông Hoàng, Bộ GDĐT làm công việc quản lý nhà nước là chủ yếu, còn công việc mang tính sự nghiệp như viết sách là của các nhà xuất bản, các trường ĐH, viện nghiên cứu và các chuyên gia…

Qui định về việc tuyển chọn SGK cho chương trình GDPT mới

Bộ trưởng Bộ GDĐT thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK; ban hành Chương trình giáo dục, phê duyệt SGK để sử dụng trong các cơ sở GDPT. 

Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, SGK gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học, có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng thẩm định và các thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.

Minh Quang 

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ