A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Sách giáo khoa giả 'bủa vây' trường học

15:14 | 28/08/2019

Rất nhiều phụ huynh, học sinh trên địa bàn TP Pleiku, Gia Lai đang hoang mang khi lượng lớn sách giả được bày bán trên thị trường.

Cục Quản lý thị trường Gia Lai đang thu giữ số sách giả để chờ xử lý.

Gần 3.600 cuốn sách giả được đưa ra thị trường

Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 12, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh Lê Văn Trí (tổ 6, phường Yên Thế, thành phố Pleiku); Cơ sở kinh doanh Toàn (40 Phan Đình Phùng, Pleiku) và Siêu thị nhà sách Vĩ Yên tại huyện Chư Sê, Gia Lai.

Qua kiểm tra, Đội Quản lý thị trường đã phát hiện gần 3.600 cuốn sách giáo khoa (sách tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9; sách bài tập bổ trợ từ lớp 3 đến lớp 7 và sách tin học) nhưng không chứng minh được hóa đơn và nguồn gốc.

Điều đáng nói, toàn bộ số sách trên đều ghi của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có tem 7 màu hình tròn và thẻ cào (có mã thẻ và seri) để truy cập hướng dẫn sử dụng. Các loại sách này có giá từ 30.000 - 60.000 đồng/cuốn. Nhìn bề ngoài, sách giả được làm rất tinh vi, in ấn đẹp mắt, giống đến hơn 90% sách thật.

Sau khi làm việc với Nhà xuất bản Giáo dục Đà Nẵng, lực lượng quản lý thị trường xác nhận, đây là sách giả được các chủ tiệm tạp hoá xếp xen kẽ với nhiều sách thật và buộc thành bộ sách theo từng khối học để bán cho phụ huynh, học sinh.

Bất ngờ với việc tiêu thụ sách giả, ông Toàn, Chủ cửa hàng sách Toàn (40 Phan Đình Phùng, Pleiku) cho biết: Tôi thường nhập sách số lượng  lớn tại công ty sách tại Gia Lai. Tuy nhiên trong quá trình bán, sách bị thiếu hụt một vài quyển trong một bộ sách nên tôi nhập thêm tại các cơ sở nhỏ lẻ từ Sài Gòn chuyển về.

Tuy nhiên khi được hỏi về thông tin các cơ sở nhập sách thì ông Toàn lại không biết địa chỉ mà chỉ giao dịch và thu tiền thông qua điện thoại.

Hiện Cục Quản lý thị trường Gia Lai đang chờ giám định chính thức từ Nhà xuất bản Đà Nẵng để xử phạt hành chính đối với 3 cơ sở trên. Mặt khác, Cục quản lý thị trường tiếp tục trinh sát các khu vực vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh Gia Lai để qua đó ngăn chặn kịp thời lượng sách giả đưa ra thị trường.

Phân biệt sách giả như thế nào?

Theo ông Đào Bích Trường, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Gia Lai, sách giả có giá thành sản xuất rẻ và chiết khấu cao nên dễ dàng xâm nhập vào thị trường thông qua các cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tạp hoá.

Tuy nhiên, sách giả có chất lượng không tốt, đặc biệt nội dung hay bị sai sót nên rất nguy hiểm đến việc tiếp cận kiến thức của học sinh.

Theo khuyến cáo của Cục Quản lý thị trường Gia Lai, học sinh khi học phải những cuốn sách giả sẽ bị sai lệch về kiến thức.

Phụ huynh, học sinh khó phân biệt sách thật - giả.

Để giúp phụ huynh và học sinh nhận biết được sách thật- giả, bà Nguyễn Thị Kim Liên, Kiểm soát viên, Đội Quản lý thị trường số 12, Cục Quản lý thị trường Gia Lai cho biết, giữa sách thật - giả thì có thể thấy sách giả chất lượng in, giấy in, màu sắc kém hơn. Ngoài ra, các cuốn sách giả đều có một số seri giống nhau chứ không có sự thay đổi liên tục như sách thật.

Cùng với đó, tem trên sách giả không thể hiện rõ nét mà rất nhoè, khó đọc. Khi bóc tem này ra thì sách thật sẽ hiện ra dòng chữ “GD” in nổi còn sách giả thì không có.

Bà Liên cũng cho biết, hiện nay Bộ GD&ĐT khuyến khích cho người tiêu dùng kiểm tra sách giả thông qua tem và website của Nhà xuất bản Giáo dục. Với website, sách thật và sách giả đều có thể lấy mã số để truy cập. Tuy nhiên, sách giả khi  truy cập sẽ không khả dụng và hiện lên dòng chữ khuyến cáo của Bộ GD&ĐT.

“Sách giả khi lấy mã số truy cập vào website của Nhà xuất bản Giáo dục lấy tài liệu phục vụ chắc chắn không thể truy cập được”, bà Liên khẳng định.

TUẤN ANH

    Nguồn:nongnghiep.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ