A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cần kịch bản đón học sinh tiểu học trở lại trường

09:45 | 07/05/2020

Bắt đầu từ ngày 4/5, học sinh THCS và THPT của nhiều tỉnh, thành phố đã đi học trở lại sau thời gian nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, còn học sinh khối Tiểu học và mầm non trở lại trường từ ngày 11/5.

Trước đó, công tác chuẩn bị trường học an toàn đã được các địa phương làm rất chu đáo, như chia đôi lớp học, chuẩn bị nước sát khuẩn, đo nhiệt độ…

Kiểm tra thân nhiệt cho học sinh. Ảnh: Quang Vinh.

Tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc, nền nhiệt độ từ đầu tuần tới nay phổ biến từ 36 - 38 độ C. Vì thực hiện giãn cách, chỉ còn khoảng 20-22 HS mỗi lớp nhưng học tập dưới những chiếc quạt trần chạy ì ạch, cửa sổ mở để thoáng khí trong khi sân trường của nhiều trường vẫn còn thiếu bóng cây xanh thì quả thật là một khó khăn cho cả thầy và trò. Nhất là những lớp học ở trên tầng áp mái, khí nóng hầm hập vào những tiết học cuối cùng của buổi sáng hoặc tiết 1,2,3 của buổi chiều khiến các em HS khó lòng tập trung tiếp thu bài học có hiệu quả. Đó là chưa kể 100% HS và giáo viên đều thực hiện việc đeo khẩu trang khi tới trường nên sẽ càng “khó thở” hơn trong khí hậu nóng bức, ngột ngạt.

TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GDĐT) cho biết, chiều tối 5/5, Bộ GDĐT đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị có ý kiến trước về vấn đề này. Trên cơ sở tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn, Bộ sẽ có hướng dẫn gửi tới các trường.

Ngày 6/5, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (dịch Covid-19) do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì, các chuyên gia cho rằng việc không bật điều hòa trong điều kiện nắng nóng hiện nay là không cần thiết, thậm chí có hại cho sức khỏe. Giải pháp được khuyến cáo là các phòng học có thể bật điều hoà nhưng định kỳ mở cửa sổ, cửa chính để thông thoáng khí.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo nhà trường yêu cầu HS vừa đeo khẩu trang, vừa đeo mặt nạ chống giọt bắn là không cần thiết. Việc mang tấm che giọt bắn liên tục sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bởi tấm che giọt bắn rất vướng, cản tầm nhìn ảnh hưởng tới thị lực về lâu dài và gây thêm phần nóng nực, khó chịu khiến các em không thể tập trung vào bài giảng của thầy cô, đặc biệt là ở lứa tuổi nhỏ.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết Bộ GDĐT dựa vào khuyến cáo của Bộ Y tế để xây dựng tiêu chí đánh giá của nhà trường an toàn, nhưng không có tiêu chí nào là phải đội mũ (nón) chống giọt bắn, đây là sự sáng tạo của các địa phương.

Tại Hội nghị trực tuyến sáng 6/5 của UBND thành phố, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung lưu ý ngành giáo dục rà soát để môi trường giáo dục vận hành thuận lợi nhất, không nên chia giờ học và học sinh không cần đeo tấm chắn giọt bắn; chỉ cần đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn các trang thiết bị.

Tại đây, liên quan đến vấn đề đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 cho học sinh đi học, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trong thời gian tới, ngành GDĐT sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh song song việc bảo đảm chất lượng giáo dục, nhất là sang tuần tới tiếp tục cấp mầm non, tiểu học sẽ quay lại trường. Do đặc thù lứa tuổi nên Sở đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo, có kịch bản chuẩn bị chu đáo, phân công cán bộ, giáo viên tại các khu vực để chuẩn bị chu đáo đón trẻ đến trường.

Hàn Minh

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/giao-duc/can-kich-ban-don-hoc-sinh-tieu-hoc-tro-lai-truong-tintuc465714

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ