A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Điều chỉnh chương trình môn lịch sử

07:57 | 20/07/2022

Hội thảo góp ý Chương trình môn lịch sử cấp THPT điều chỉnh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức ngày 19-7 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Bộ GD-ĐT đã giao cho Ban Phát triển chương trình môn học lịch sử cấp THPT trong chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 thực hiện việc rà soát, điều chỉnh chương trình môn lịch sử. Ban Phát triển chương trình đã đề xuất phương án điều chỉnh, theo đó giữ nguyên phần lựa chọn là phần chuyên đề học tập lịch sử 35 tiết/lớp/năm học của chương trình GDPT 2018. Chuyển môn lịch sử trong nhóm khoa học xã hội thành phần lịch sử bắt buộc với thời lượng 52 tiết/lớp/năm học (phần bắt buộc được lựa chọn từ các chủ đề, các nội dung cốt lõi của chương trình môn lịch sử 2018).

PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ, Trưởng Ban Phát triển chương trình môn học lịch sử cấp THPT trong chương trình GDPT 2018, cho hay việc điều chỉnh chương trình môn lịch sử phần bắt buộc được dựa trên 8 nguyên tắc cơ bản. Đó là tuân thủ mục tiêu, quan điểm xây dựng chương trình của chương trình GDPT tổng thể 2018 và đặc điểm môn lịch sử. Không thay đổi cấu trúc chương trình đã ban hành, củng cố kiến thức phổ thông ở giai đoạn giáo dục cơ bản, giúp học sinh hiểu sâu hơn kiến thức cốt lõi qua các chủ đề nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Các chủ đề, nội dung lựa chọn phải phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, nhận thức học sinh cấp THPT. Coi trọng kiến thức lịch sử dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam nhằm nâng cao giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc…

Điều chỉnh chương trình môn lịch sử - Ảnh 1.

Một giờ học ngoại khóa về lịch sử của học sinh Hà Nội

PGS Nghiêm Đình Vỳ cũng nhấn mạnh chương trình lịch sử phần bắt buộc phải bảo đảm tính khả thi, bảo đảm sự phù hợp, vừa sức đối với tất cả học sinh đại trà. Chú ý đến sự hài hòa, tính logic, sự kết nối giữa nội dung các chủ đề phần lịch sử bắt buộc (cơ bản, cốt lõi) với các chuyên đề theo định hướng nghề nghiệp có tính chuyên sâu.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng việc xây dựng lại chương trình, thiết kế thành môn bắt buộc ở môn lịch sử là nền tảng, cơ bản cho đại trà học sinh. Đây cũng là thách thức cho những người thiết kế chương trình, chuyển từ 70 tiết thành 52 tiết.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, sẽ giảm một số chủ đề mang tính quá chuyên sâu, chủ đề khó, nặng tính hàn lâm không phù hợp với nhận thức của học sinh đại trà mà không ảnh hưởng đến kết cấu cũng như tính hệ thống của chương trình. Bên cạnh đó, giảm nội dung trong một số chủ đề mà kiến thức rộng hoặc đã được học kỹ ở cấp THCS, vừa giảm được nội dung kiến thức, thời lượng mà vẫn không ảnh hưởng đến các nội dung cốt lõi của chủ đề.

Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp điều chỉnh chương trình môn lịch sử phần bắt buộc qua hội thảo toàn quốc, Ban Phát triển chương trình môn lịch sử cấp THPT trong chương trình GDPT 2018 sẽ nghiên cứu và có những điều chỉnh phù hợp nhất. 

Bài và ảnh: Yến Anh

Bài viết gốc: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dieu-chinh-chuong-trinh-mon-lich-su-20220719204816163.htm

    Theo Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ