A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cần lắm những buổi tuyên truyền như thế

07:19 | 20/10/2014

Những năm qua, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh, Ban An toàn Giao thông tỉnh phối hợp với các sở, ban ngành đã mở rộng tuyên truyền pháp luật về giao thông nhằm nâng cao nhận thức cho người dân,...

... đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số ở các xã vùng xa.

Xã Cư Drăm, huyện Krông Bông cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột khoảng 80 km, là xã thuần nông nên việc dùng xe máy cày để chở nông sản ở đây diễn ra phổ biến, thậm chí người dân còn độ chế máy cày để "tranh thủ" chở được nhiều hàng hóa, ẩn chứa những hiểm họa gây tai nạn giao thông. Điều đáng nói ở đây, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số của xã chiếm 84%, trong đó chủ yếu là đồng bào Êđê và đồng bào Mông từ phía Bắc vào. Do đời sống còn nhiều khó khăn, bà con chỉ chăm lo vào nương rẫy chứ chưa thực sự quan tâm tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, vì vậy nhiều thói quen xấu khi tham gia giao thông được lặp đi lặp lại lâu dần thành thông lệ. Thực tế cho thấy, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho bà con nhưng vẫn không thay đổi được nhận thức của bà con là mấy, chỉ đến khi bị lực lượng chức năng xử phạt thì bà con mới biết là mình đã vi phạm luật.

 Cán bộ Phòng CSGT  Công an tỉnh giải đáp thắc mắc của  người dân.

Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh giải đáp thắc mắc của người dân.

Nắm bắt được tâm lý đó, vừa qua Ban An toàn Giao thông tỉnh phối hợp với Hội Phụ nữ, Phòng Cảnh sát Giao thông (CSGT) Công an tỉnh tổ chức buổi tập huấn nâng cao kiến thức Luật Giao thông đường bộ cho hơn 100 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Cư Drăm. Tại buổi tập huấn, cán bộ Phòng CSGT đã phổ biến kiến thức cơ bản về Luật Giao thông đường bộ cho bà con nơi đây, đồng thời khéo léo lồng ghép những câu chuyện mang tính răn đe, giáo dục đối với các hành vi vi phạm luật khi lưu thông trên đường. Bên cạnh đó, cán bộ Phòng CSGT còn tạo điều kiện cho bà con bày tỏ những ý kiến, những thắc mắc của mình để giải đáp cho bà con hiểu rõ. Ban đầu do còn ngại hỏi, cả hội trường chỉ lác đác 1, 2 cánh tay giơ lên, sau đó được sự giải đáp nhiệt tình của cán bộ về các quy tắc, các điều luật, không khí của hội trường đã sôi nổi hẳn lên. Có tổ chức hỏi - đáp mới biết kiến thức về Luật Giao thông đường bộ của bà con còn quá hời hợt! Đơn cử như có 1 chị phụ nữ người Mông hỏi: "Tôi là người Mông di cư đến địa phương đã được 3 năm, tôi biết nói tiếng Kinh nhưng không biết chữ, giờ tôi muốn học bằng lái xe để đi xe máy nhưng không biết viết thì có được dự thi hay không?"; hay có trường hợp một  thanh niên người Êđê thắc mắc: "Mình có bằng lái xe máy rồi, giờ mình muốn lái máy cày, có sử dụng được giấy phép lái xe máy để lái máy cày hay không?"; thậm chí có người còn hỏi: "Tôi sử dụng xe máy cày độ chế để chở được nhiều nông sản có vi phạm không, ra đường có bị lực lượng CSGT xử phạt không?"v.v…

Sau khi được cán bộ Phòng CSGT giải đáp, những khúc mắc của bà con dần dần được tháo gỡ, những lỗ hổng kiến thức cơ bản về luật lệ giao thông của bà con phần nào đã được khắc phục. Hòa chung với không khí sôi nổi của buổi tập huấn, chị Amí Ngon (buôn Chàm B, xã Cư Dăm) chia sẻ: "Trước đây mỗi khi đi lại trên đường, tôi thường hay đi lấn tuyến đường của phương tiện khác, đôi khi vì vội vã chuyển hướng đột ngột mà gây ra va chạm giao thông, may là chỉ xây xát nhẹ. Qua buổi tuyên truyền này, tôi đã hiểu hành động của mình là phạm luật, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của mình và người khác, sau buổi học này tôi sẽ vận động bà con trong buôn, và giáo dục đến con em mình phải tuân thủ Luật Giao thông đường bộ để tham gia giao thông an toàn". Nhìn khuôn mặt niềm nở vì những thắc mắc lâu nay "ngại" không dám hỏi ai nay đã được giải đáp thấu đáo, anh Y Siu Mlô (buôn Chàm B) phấn khởi nói: " Sau buổi học này mình sẽ đăng ký học ngay giấy phép lái xe hạng A4 để điều khiển xe máy cày, về nhà mình sẽ tháo rơ moóc tự độ chế ra để không gây nguy hiểm cho người khác khi đi trên đường nữa".

Buổi tập huấn giúp bà con hiểu được rằng, tham gia giao thông bằng ý thức tự giác chấp hành pháp luật chính là cách bảo vệ cho bản thân tốt nhất. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều hơn nữa những buổi tuyên truyền như thế đến người dân khắp nơi trên địa bàn tỉnh để xây dựng môi trường văn hóa giao thông lành mạnh cho cả cộng đồng.     

Hồng Chuyên

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ