A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Tín hiệu vui từ cải cách tiền lương cho giáo viên

08:25 | 20/11/2023

Nhiều giáo viên mong chờ đợt cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Tăng lương sẽ góp phần giữ chân đội ngũ nhà giáo, hạn chế tình trạng giáo viên xin chuyển nghề, bỏ việc.

Ưu tiên xếp lương cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước còn thiếu 127.583 giáo viên. Bên cạnh đó, tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có 17.278 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

Năm ngoái, Bộ GDĐT cùng với Bộ Nội vụ xác định chỉ tiêu cho các tỉnh để tuyển giáo viên. Nhưng theo thống kê của ngành Nội vụ, hiện các tỉnh vẫn còn lại hơn 64.000 chỉ tiêu chưa dùng. Đến nay, ngoài giáo viên những môn học mới đang trong quá trình đào tạo như giáo viên mầm non dù nguồn tuyển có nhưng không có người ứng tuyển, do lương thấp, áp lực lớn nên không có người ứng tuyển.

Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hoài.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây là vấn đề lớn cần phải đưa ra các giải pháp, một mặt vừa chuẩn bị nguồn tuyển nhưng cũng cần sớm có sự điều chỉnh về lương, chế độ chính sách, nhà ở công vụ, phụ cấp ưu đãi và các giải pháp đồng bộ khác.

Giáo viên xin chuyển nghề, bỏ việc do mức lương thấp là một thực tế. Cô giáo Nguyễn Bảo Thoa, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội cho biết, số tiền lương giáo viên còn ít ỏi nên ngoài giờ lên lớp nhiều giáo viên tranh thủ kiếm thêm từ việc bán hàng Online. Lương thấp cũng khiến tình trạng dạy thêm tràn lan.

“Bản thân tôi cũng đang bán hàng Online. Nghề tay trái cũng cho tôi thêm được từ 5-7 triệu/tháng, góp nhặt cùng đồng lương chính mới đủ trang trải cuộc sống gia đình”, cô Thoa nói.

Đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ nêu thực tế, qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình.

Do tiền lương thấp nên nhiều người đã phải nghỉ chuyển việc hoặc là làm thêm. Vì vậy dẫn đến tình trạng chưa tròn vai và chưa tâm huyết với nghề. Và hiện nay phụ cấp của giáo viên rất thấp, thậm chí có những vị trí không được hưởng phụ cấp gì.

Đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định tiền lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Giải pháp giữ chân giáo viên

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội mới đây, nội dung liên quan tới cải cách tiền lương, đặc biệt tiền lương của đội ngũ nhà giáo nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

Về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, hiện nay, thu nhập nhà giáo gồm lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp. Tuy lương nhà giáo đã cải thiện hơn trước nhưng so với tính chất đặc thù nghề nghiệp thì vẫn còn thấp.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, thời gian tới, khi cải cách chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên xếp lương cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp. Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ GDĐT rà soát các quy định tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề nhà giáo để tăng lên mức cao nhất.

Đợt cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 là điều mà hàng triệu giáo viên mong chờ. Nhiều giáo viên bày tỏ sự vui mừng, kỳ vọng vào việc cải cách tiền lương sẽ góp phần hạn chế được tình trạng giáo viên chuyển nghề, bỏ việc.

Hơn 20 năm làm công tác dạy học tới nay, mức lương chính của cô Phạm Thị Minh Phương – giáo viên Trường THCS số 1 Phố Ràng (Lào Cai) khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng, cộng với phụ cấp thu nhập, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp ưu đãi khác thì tổng số tiền lương cô Phương hàng tháng là hơn 10 triệu đồng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết cô Phương cho hay, cải cách tiền lương từ tháng 7/2024 là thông tin vui với đội ngũ giáo viên trong dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Không chỉ tăng thêm thu nhập mà thay đổi tiền lương sẽ khiến đội ngũ giáo viên yên tâm gắn bó với nghề.

“Đây là chính sách quan trọng để giữ chân giáo viên, hạn chế những bất cập liên quan tới tiền lương như giáo viên chuyển nghề, bỏ việc. Hơn nữa, cải cách tiền lương cũng góp phần tăng chất lượng dạy học”, cô Phương nói.

Nguyễn Hoài

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/tin-hieu-vui-tu-cai-cach-tien-luong-cho-giao-vien-10266963.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ