A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Chặn tín dụng đen

08:45 | 09/10/2018

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết của Phiên họp thường kỳ tháng 9, trong đó nội dung đáng chú ý là giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan siết chặt quản lý để chặn đứng vấn nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ th

Đây được xem là biện pháp mạnh tay, rốt ráo của Chính phủ nhằm chấn chỉnh vấn nạn tín dụng đen, lợi dụng việc đòi nợ thuê để cưỡng đoạt tài sản... đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.

Trước đó, khá nhiều lần Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn tín dụng đen. Song, có vẻ như các bộ, ngành vẫn chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng của cuộc chiến với vấn nạn tín dụng đen nên chưa có chuyển biến tích cực. Thậm chí một số bộ, ngành, địa phương còn tình trạng né tránh trách nhiệm, đùn đẩy qua lại, đổ lỗi cho nhau rằng vấn nạn tín dụng đen không thuộc sự quản lý nhà nước của ngành mình nên khó kiểm soát.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng khẳng định, theo quy định của pháp luật thì NHNN chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng cũng như hoạt động của các ngân hàng khác đối với các tổ chức tín dụng. Vì thế tín dụng đen không thuộc trách nhiệm của NHNN mà liên quan đến mảng quản lý trật tự an toàn xã hội và vi phạm pháp luật. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm lại cho rằng, hiện tiền nhàn rỗi trong dân còn nhiều, nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh lại lớn, song các tổ chức tín dụng chưa giải quyết được cả 2 nhu cầu này tạo kẽ hở cho tín dụng đen hoạt động.

Có lẽ đó là lý do mà vấn nạn tín dụng đen ngày càng diễn biến hết sức phức tạp, khó kiểm soát. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, ở nhiều nơi thậm chí hoạt động tín dụng đen ngang nhiên cưỡng bức tài sản như cướp ngày, gây ra bức xúc lớn trong nhân dân. Ở chiều ngược lại, khi bức xúc do bị đe doạ, nhiều nạn nhân của những kẻ cho vay nặng lãi có hành động phạm tội bột phát, trở thành một việc hình sự khác. Ngoài ra, nhiều tổ chức tín dụng đen núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi phạm tội với thủ đoạn cho vay tín chấp với số tiền lớn, rồi ép làm hợp đồng mua bán tài sản để chiếm đoạt.

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ tín dụng đen “sống khỏe” và phát triển rầm rộ là do hành lang pháp lý chưa chặt chẽ, vai trò quản lý nhà nước của từng bộ, ngành, địa phương còn mờ nhạt. Đơn cử, pháp luật có quy định là xử lý hình sự với hành vi cho vay nặng lãi, dân sự phạt tới 100 triệu đồng... Tuy nhiên, kẻ cho vay nặng lãi thì thủ đoạn rất tinh vi, người đi vay lại giấu giếm đến khi xảy ra sự cố cơ quan chức năng mới biết, vì thế quá trình điều tra xử lý gặp nhiều khó khăn. Còn nữa, theo quy định của Bộ luật Dân sự thì trần lãi suất là 20% trừ luật chuyên ngành có quy định khác, trong khi Luật TCTD cho phép thỏa thuận thì trần lãi suất nói trên không bị vi phạm.

Ngoài ra, hệ thống các tổ chức tín dụng dù phong phú đa dạng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của tổ chức, cá nhân trong đời sống xã hội, bởi rào cản của các thủ tục hành chính quá rườm rà, lằng nhằng, phức tạp. Trong khí đó, các tổ chức tín dụng đen có thể đáp ứng ngay các khoản vay nóng, ngắn hạn của người dân. Cũng còn phải kể đến việc nhiều người chọn vay tín dụng đen là do không có thu nhập không ổn định, thậm chí phát sinh nhu cầu liên quan đến hành vi không lành mạnh như cờ bạc, lô đề... Tất cả những điều đó là mảnh đất màu mỡ cho tín dụng đen phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhiều lần cảnh báo, vấn nạn tín dụng đen đã len lỏi, lan rộng trong nền kinh tế, đặc biệt là tại khu vực nông thôn gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Tín dụng đen không chỉ gây khó cho phát triển kinh tế mà còn khiến người dân điêu đứng, gây bức xúc trong xã hội. Với nhận định trên, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải kiểm soát bằng được vấn nạn này. Vậy nhưng tính đến trước thời điểm Nghị quyết của phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9 được ban hành, việc kiểm soát tín dụng đen chưa mấy khả quan.

Mới đây, trả lời chất vấn của các ĐBQH tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, bên cạnh việc xác định tổ chức cho vay tín dụng đen là loại tội phạm để đấu tranh, Bộ Công an cũng đã nhiều lần kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan ngân hàng nhằm tháo gỡ vẫn nạn này bằng cách huy động tiền nhàn rỗi trong dân, tổ chức hệ thống tín dụng một cách linh hoạt, hiệu quả hơn để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được khi cần vốn. Khi đó, tín dụng đen sẽ không còn đất hoạt động.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng ủng hộ quan điểm của Bộ Công an, ông yêu cầu các ngân hàng cần mở rộng “độ bao phủ” để người vay có thể tiếp cận tín dụng nhanh chóng, dễ dàng hơn chứ không phải tìm tới tín dụng đen. Có như vậy mới có thể hạn chế tiến dần đến việc “thủ tiêu” các dòng tín dụng đen đang len lỏi trong nền kinh tế. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng với việc ban hành nghị quyết của Chính phủ, hy vọng tới đây vấn nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản... sẽ bị các cơ quan chức năng “liên thủ” chặn đứng, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.    

Lê Anh Đức

    Nguồn:daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ