A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tăng độ bao phủ hàng Việt

14:12 | 02/05/2019

Qua 10 năm thực hiện, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn tỉnh đã tạo được những chuyển biến tích cực, từ đó thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng của người dân.

Vị thế của hàng Việt vì thế cũng được nâng lên nhiều.

Theo đánh giá của Sở Công thương, thời gian qua các ban, ngành đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tích cực đưa những nội dung của Cuộc vận động trở nên thiết thực, cụ thể hơn đến với người dân, doanh nghiệp (DN). Về phía các DN, cơ sở kinh doanh trên địa bàn cũng đã tăng cường năng lực cạnh tranh và khẳng định tiềm lực về sản xuất, kinh doanh của mình. Thông qua Cuộc vận động, người tiêu dùng địa phương cũng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của DN Việt Nam, đồng thời ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ do các DN trong và ngoài tỉnh cung cấp.

Người dân chọn mua hàng Việt tại Siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột

Trong công tác xúc tiến thương mại, từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 126 đợt hội chợ, triển lãm. Bên cạnh đó, các DN đứng chân trên địa bàn cũng chủ động tổ chức 37 đợt đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ người dân tại các huyện mua sắm. Đến nay, 15/15 huyện, thị xã, thành phố đã tích cực triển khai tuyên truyền tới các xã, phường, thị trấn để người dân hiểu rõ mục đích của Cuộc vận động, hàng hóa trong nước sản xuất được người tiêu dùng tin dùng, sức tiêu thụ khá tốt.

Với tác động tích cực của Cuộc vận động, cộng với tinh thần yêu nước, hàng Việt đang dần chiếm ưu thế trong cộng đồng dân cư, từ thành thị đến nông thôn. Hiện tại, độ bao phủ của hàng Việt đã rộng hơn nhiều so với trước đây, không ít người dân đã thuộc tên nhiều thương hiệu Việt uy tín. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển An Thái cho biết, những năm gần đây, bên cạnh hoạt động xuất khẩu, công ty chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa và tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, cải tiến bao bì. Nhờ sự hỗ trợ từ các chương trình của Cuộc vận động, đơn vị cũng tích cực tham gia những hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ - triển lãm quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng biết đến mình nhiều hơn. Thị phần trong nước đang ngày càng chuyển biến đáng mừng. Ở góc độ kênh phân phối, đại diện Siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột cho rằng, hàng Việt về các vùng nông thôn được người dân hồ hởi đón nhận. Hàng Việt rất “được lòng” người tiêu dùng địa phương bởi giá cả phù hợp và chất lượng bảo đảm. Tuy nhiên thông tin về nhận diện hàng Việt và có thương hiệu uy tín vẫn còn khá hạn chế với người dân.

Đại biểu tham quan gian hàng tại phiên chợ hàng Việt về miền núi ở huyện Krông Pắc năm 2019

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Cuộc vận động vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục. Trên thực tế, về kết cấu hạ tầng thương mại, toàn tỉnh có 148 chợ, 2 trung tâm thương mại và 6 siêu thị; có 5.400 DN đang hoạt động, 49.011 hộ kinh doanh cá thể và 715 chi nhánh đại diện, đây là những thuận lợi để triển khai thực hiện Cuộc vận động đến với đông đảo người dân. Song qua 10 năm triển khai Cuộc vận động trên địa bàn, có thể thấy công tác tuyên truyền, thông tin đến người tiêu dùng về hàng hóa mang thương hiệu Việt còn chung chung, chưa trọng tâm, hình thức tuyên truyền còn đơn điệu, chủ yếu thực hiện thông qua văn bản kêu gọi gửi đến các DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa đồng bộ, kịp thời. Đáng nói hơn cả là nhiều loại hàng hóa Việt Nam chưa đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu của người mua, nhất là bộ phận người có thu nhập khá trở lên. Chị Phan Mỹ Tâm (một người tiêu dùng ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, chị rất muốn sử dụng hàng sản xuất trong nước để yên tâm về nguồn gốc, chất lượng, nhưng thật sự hàng Việt chưa có nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng, nhất là ở dòng mỹ phẩm cao cấp dành cho phái nữ và đồ chơi trẻ em.

Rõ ràng, trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hàng hóa đang cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, khó có thể hô hào người dân dùng hàng Việt trong khi chất lượng chưa thể so sánh ngang bằng hàng nhập khẩu. Yếu tố chất lượng sản phẩm mang mác “made in Việt Nam”, cùng chiến lược tiếp thị bài bản sẽ là đòn bẩy nâng cao giá trị và niềm tin cho thương hiệu Việt. Do đó, điều tiên quyết để chinh phục người mua là việc nâng cao chất lượng, tiếp đó là khẳng định tên tuổi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các phân khúc thị trường, đẩy mạnh truyền thông là những gì hàng Việt cần chú trọng hướng đến.

Sở Công thương nhận định, chưa bao giờ hàng hóa có nguồn gốc “hàng Việt Nam” lại được người tiêu dùng quan tâm nhiều như thời điểm hiện tại. Càng ngày càng có nhiều hàng hóa của địa phương được người dân ưa chuộng và tin cậy chọn mua.

Đỗ Lan

    nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ