A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Điện lạnh Tuấn Tài - M01

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo qua các ứng dụng đầu tư tài chính

09:55 | 16/10/2021

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, phương thức đầu tư online (phổ biến nhất qua các ứng dụng cài đặt trên smartphone) đang thể hiện sự tiện lợi hơn so với các phương thức đầu tư truyền thống, từ đó nhận được nhiều sự quan tâm từ những nhà đầu tư.

Tuy nhiên, không phải ai cũng sáng suốt lựa chọn cho mình một kênh đầu tư uy tín và không ít người đã bị mất số tiền lớn chỉ vì dính “bẫy đầu tư lãi suất cao” do những đối tượng lừa đảo giăng ra.

Ứng dụng đầu tư tài chính (hay còn gọi là app đầu tư tài chính) là nền tảng hỗ trợ những nhà đầu tư có số vốn nhỏ kiếm tiền nhanh chóng và bền vững từ các sản phẩm tài chính ngay trên điện thoại của mình. Mỗi app sẽ nhắm vào một hướng đầu tư tài chính khác nhau, nhưng phổ biến nhất bao gồm: Forex; mua bán Cryptocurrency; mua bán các kim khí đá quý; gửi tiết kiệm; cho vay online… Tuy nhiên, trong số đó có rất nhiều app lừa đảo, với số lượng khách hàng “mắc bẫy” ở mỗi app lên đến vài nghìn người, cùng với đó là số tiền bị mất ước tính hàng trăm tỷ đồng.

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam xác nhận ứng dụng BSC là một app nhái tên, biểu tượng của công ty và mạo danh công ty để lừa đảo. Ảnh: Vietnamnet

Cách đây không lâu, nhiều app đầu tư tài chính có hành vi lừa đảo đã bị phát hiện như: Coolcat, Busstrade, Shopping Mall, PChome, Mo Xiaomi... Mới đây nhất, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng một thủ đoạn tinh vi hơn, đó là dùng app giả mạo tên và logo của ngân hàng để dễ dàng tạo lòng tin cho các nhà đầu tư, điển hình là vụ việc lừa đảo thông qua app giả mạo Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC). Thay vì chiếm đoạt số tiền ngay khi được khách hàng nạp vào, thời gian đầu chúng vẫn trả lãi suất rất cao và nhanh chóng cho những khách hàng mới đầu tư với số tiền không lớn. Sau khi khách hàng đã thực sự “cắn câu” và tăng dần tiền đầu tư lên tới hàng trăm hay thậm chí hàng tỷ đồng thì chúng mới bắt đầu chiếm đoạt rồi “biến mất”.

 

Theo quy định pháp luật hiện hành, nếu những nhà đầu tư có bằng chứng về việc chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo như thông tin tài khoản, hình ảnh, tin nhắn... thì có thể làm đơn tố cáo và cung cấp thông tin, bằng chứng cho cơ quan điều tra để làm rõ vụ việc. Nếu có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì các đối tượng tổ chức và vận hành các app trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174 của Bộ Luật Hình sự hiện hành.

Thủ đoạn của kẻ lừa đảo là sẵn sàng chi mạnh tay để thuê quảng cáo app đầu tư trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Youtube... nhằm thu hút người tham gia. Hoặc chúng sẽ nhắn tin mời chào qua Zalo, xưng là nhân viên ngân hàng và giới thiệu về cách thức đầu tư kiếm tiền, đồng thời gửi kèm đường link để khách hàng dễ dàng tải app về điện thoại của mình. Sau đó, app sẽ tung ra những chương trình rất hấp dẫn để dụ dỗ người dùng nạp tiền.

Tiếp theo, chúng sẽ phân loại các nhà đầu tư vào các nhóm kín khác nhau. Tại đây, ai cũng nhận được tiền lãi và phản hồi tích cực. Các thành viên đua nhau khoe đã nhận được tiền, tạo động lực để những người tham gia nạp số tiền lớn hơn. Đáng chú ý, khi bị chiếm đoạt tiền, các thành viên này lại không thể liên hệ với nhau do các chức năng tương tác riêng lẻ đã bị các đối tượng quản lý app khóa lại. Đó là lý do nhiều người bị lừa, nhưng không thể báo cho những người khác biết để phòng tránh.

Có một số dấu hiệu có thể giúp nhà đầu tiên nhận diện được các app lừa đảo:

Đầu tiên là các app lừa đảo thường không có trên kho ứng dụng Appstore (IOS) hoặc CHplay (Android) do không đảm bảo được các điều kiện bảo mật thông tin. Người dùng muốn cài app phải tải từ website do nhóm lừa đảo cung cấp. Các website này có tên miền không phổ biến như *.work; *.xyz; *.cc hoặc gồm các chuỗi ký tự, con số không có ý nghĩa.

Ngoài ra, mức lãi suất đầu tư được app mời chào thường cao bất thường. Trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán không thể có khoản đầu tư nào dễ dàng có lợi nhuận lên tới 40 - 50% chỉ trong một thời gian ngắn như vậy.

Bên cạnh đó, các app này sẽ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Nên nhớ, một tổ chức có quy mô và hoạt động hợp pháp sẽ không bao giờ thực hiện giao dịch bằng tài khoản cá nhân.

Nhật Thuận

Bài viết gốc: https://baodaklak.vn/phap-luat/202110/canh-giac-thu-doan-lua-dao-qua-cac-ung-dung-dau-tu-tai-chinh-6e509e4/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai T12

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ