A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Tìm kiếm nguồn lực phát triển sân bay

09:19 | 01/07/2023

Để xây dựng hoàn thiện mạng lưới các cảng hàng không đến 2030, theo tính toán cần khoảng 420.000 tỷ đồng. Vậy, làm cách nào để huy động được con số khổng lồ này trong 7 năm tới?

Cần tới 420 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030.

Đẩy nhanh đầu tư hạ tầng

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tới năm 2030 cả nước có 30 cảng hàng không, sân bay với tổng ngân sách cần khoảng 420.000 tỷ đồng. Điều được dư luận đặc biệt quan tâm là, sẽ huy động nguồn vốn ở đâu?

Về giải pháp huy động vốn đầu tư, theo quy hoạch, đối với cảng hàng không mới, sẽ huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư theo phương thức PPP. Đối với cảng hàng không hiện đang khai thác, nghiên cứu xây dựng cơ chế đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không theo phương thức PPP/nhượng quyền và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật…

Các cảng hàng không quan trọng quốc gia, cảng hàng không có hoạt động quân sự và các cảng hàng không khu vực biên giới, hải đảo sẽ được ưu tiên sử dụng nguồn lực của Nhà nước để đầu tư các công trình thiết yếu.

Giới chuyên gia nhận định, với mức đầu tư được tính toán dự kiến lên tới 420.000 tỷ đồng thì việc huy động vốn PPP là giải pháp hàng đầu.

Tại cuộc tọa đàm “Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không” diễn ra mới đây, chuyên gia hàng không - ông Lương Hoài Nam cho rằng, vướng mắc trong xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng hàng không đang nằm ở 4 chữ "Chưa có đường đi". Tức là, nhà đầu tư chưa biết đi thế nào về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; các địa phương không biết đi thế nào, làm như thế nào để thực hiện các đề án xã hội hóa.

Cũng theo ông Nam, vấn đề rắc rối nhất hiện nay là xử lý tài sản của Tổng công ty hàng không ACV đối với các sân bay tới đây sẽ thực hiện xã hội hóa như thế nào. Hiện có 2 phương án: một là ACV sẽ thoái vốn hết khỏi các sân bay đó và phương án hai là ACV tiếp tục ở lại và làm cổ đông chi phối tại các sân bay xã hội hóa.

“Cá nhân tôi nghĩ rằng không nên đi theo phương án 2, bởi vì hiếm có doanh nghiệp tư nhân nào đưa tiền cho ACV để ACV chi phối trong các dự án phát triển sân bay. Tôi nghĩ phương án tốt nhất là ACV nên thoái ra để cho nhà đầu tư tư nhân và các liên doanh đầu tư tư nhân tham gia, vận hành. Nhưng vẫn phải có cách để giải quyết tài sản của họ cho khoa học, minh bạch, không thất thoát, rõ ràng”- ông Nam nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, ông Nam cũng bày tỏ lo ngại, nếu các nhà đầu tư không được quyền tham vấn, không được đề xuất về quy hoạch thì sẽ rất khó tìm kiếm được nhà đầu tư. Từ đó, ông Nam kiến nghị cần có cơ chế cho các nhà đầu tư tham gia đề xuất vào quy hoạch của sân bay.

Còn ông Phạm Ngọc Sáu - nguyên Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn thì cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện tại là làm sao đẩy nhanh việc đầu tư vào hạ tầng sân bay như nhà ga hàng hóa, nhà ga hành khách và công trình phụ trợ...

"Rất nhiều công trình chúng ta phải tìm cách đầu tư càng sớm càng tốt. Vấn đề chính ở đây để triển khai được là con đường đi, làm thế nào để tạo ra được hành lang pháp lý thuận lợi, có tiếng nói giữa nhà đầu tư và Nhà nước. Hai cái đó nếu khớp nhau được thì sẽ giải quyết được các vấn đề đặt ra" - ông Sáu nói.

Ngoài ra, xung quanh sân bay phải có hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy kết nối thuận tiện để phát triển tăng tiềm năng giao thương, du lịch. Ông Sáu lấy ví dụ sân bay Vân Đồn được xây trên đất Quảng Ninh, nhưng khách đến Hạ Long (Quảng Ninh) thường chọn sân bay Cát Bi (Hải Phòng) vì đi lại thuận tiện hơn.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực hàng không khẳng định, muốn thu hút được nguồn lực xã hội hóa, trước tiên cần phải đẩy nhanh các thủ tục, hành lang pháp lý để triển khai đầu tư vào hạ tầng sân bay.

Kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư

Theo phân tích của giới chuyên gia, việc tư nhân hóa sân bay lớn ở Việt Nam không đơn giản, nhưng hướng đi và cách làm để có sự tham gia đầu tư hệ thống hạ tầng sân bay nhanh hơn, tốt hơn cần có dấu ấn của nhà đầu tư tư nhân. Cơ quan quản lý Nhà nước và chủ đầu tư cần phải tính đến phương án đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông khác để kết nối với sân bay. Như vậy mới hấp dẫn được các nhà đầu tư tư nhân vào đầu tư sân bay. Một điều quan trọng nữa là cần tính toán thời điểm triển khai và quy mô dự án thì triển khai mới hiệu quả.

Dẫn giải sân bay Vân Đồn đánh dấu một mốc phát triển mới trong tư duy về hàng không của Việt Nam khi tư nhân cũng có thể tham gia thực hiện một hạ tầng mang tầm cỡ giá trị quốc gia, có ý nghĩa thời đại, ông Trần Đình Thiên nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhìn nhận để giải quyết các vấn đề lớn của đất nước thì cần có sự xuất hiện của tư nhân và đưa khối này vào để thay đổi cấu trúc, giải quyết bài toán về nguồn vốn đầu tư.

Khẳng định vốn đầu tư xây dựng sây bay rất quan trọng, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam cho hay, mô hình PPP đã được áp dụng ở một số sân bay như Cam Ranh và Phnom Penh, Siem Reap (Campuchia). Mô hình này giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, địa phương, thay vào đó đặt lên vai các nhà đầu tư tư nhân.

Để tối ưu hiệu quả kinh tế, theo ông Nguyễn Duy Đồng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam, “Tôi hy vọng với sự tham gia của nguồn vốn tư nhân, ngành hàng không sẽ ngày càng khởi sắc và cạnh tranh lành mạnh với các lĩnh vực vận tải khác như đường bộ, đường sắt, hàng hải và đường thủy nội địa”.

Về vấn đề này, theo ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV), ACV sẽ có sự cân đối, điều chỉnh kế hoạch đầu tư. Ủng hộ chủ trương Chính phủ kêu gọi các thành phần kinh tế khác đầu tư hệ thống cảng.

HẰNG HƯƠNG

Bài viết gốc: http://daidoanket.vn/tim-kiem-nguon-luc-phat-trien-san-bay-5721954.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ