A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe buýt: Đối mặt với nỗi lo “phá sản”

08:16 | 24/07/2023

Là một trong những địa phương tiên phong trong công tác xã hội hóa hoạt động vận tải công cộng bằng xe buýt, nhưng hiện tại nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực này ở Đắk Lắk đang đối mặt với nỗi lo “phá sản”.

Đắk Lắk có 119 đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, vận tải khách công cộng bằng xe buýt có 170 xe, hoạt động trên 26 tuyến từ TP. Buôn Ma Thuột đến các huyện, thị xã trong tỉnh và một số huyện ở tỉnh Đắk Nông.

“Đói" khách

Năm 2005, hình thức xã hội hóa hoạt động xe buýt trên địa bàn tỉnh bắt đầu hình thành. Theo đó, một số DN mạnh dạn đầu tư phương tiện xe buýt, không cần trợ giá, trợ cước từ nguồn ngân sách. Thời kỳ “hoàng kim”, xe buýt là phương tiện được lựa chọn hàng đầu của học sinh, sinh viên, giáo viên, người lao động và người dân ở Đắk Lắk. Giá cả rẻ, tần suất chuyến khá dày, thuận tiện đi lại. Những năm đầu xã hội hóa, nhiều tuyến buýt từ TP. Buôn Ma Thuột đi các huyện, thị xã trong tỉnh và một số huyện của tỉnh Đắk Nông đầy ắp khách.

Một chuyến xe chạy lộ trình TP. Buôn Ma Thuột - huyện Lắk, hầu hết ghế trống khách.

Tuy nhiên, những năm gần đây, khi xe dịch vụ trá hình nở rộ, hầu hết DN xe buýt bị “chặn khách” ngay tại “sân nhà” (điểm dừng, đỗ, đón, trả khách của xe buýt được cơ quan chức năng cấp phép). Tình trạng này kéo dài và không được xử lý quyết liệt, dứt điểm, dẫn đến lượng khách đi xe buýt sụt giảm mạnh. Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các tuyến xe buýt từ TP. Buôn Ma Thuột đi các huyện, thị xã trong tỉnh và sang tỉnh Đắk Nông đều trong tình trạng "đìu hiu". Mặc dù sức chở mỗi chuyến gần 50 người, song trên xe chỉ được khoảng 10 - 15 khách, thậm chí một số chuyến chỉ có 3 - 5 người.

DN thua lỗ, nhiều phương tiện tạm dừng hoạt động, kéo theo thu nhập của lái xe, người phục vụ trên xe cũng sụt giảm mạnh. Thực tế, ở các DN, hợp tác xã, nhiều tài xế đã viết đơn xin nghỉ việc vì tiền lương không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, những người bám trụ lại cũng chật vật vì thu nhập thấp. Tại Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk, có thời điểm có tổng số 220 người, gồm tài xế và nhân viên phục vụ trên xe, hiện tại chỉ còn 90 người. Anh Lư Hải, lái xe tuyến TP. Buôn Ma Thuột – TP. Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) của Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk chia sẻ, anh gắn bó với công ty đến nay tròn 15 năm. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều đồng nghiệp của anh vì tiền lương giảm đã viết đơn xin nghỉ việc. Anh chỉ mong rằng, tình trạng "xe dù" sớm được xử lý, hành khách quay lại với xe buýt để doanh thu công ty từng bước cải thiện, thu nhập cán bộ, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe từ đó tăng lên.

Phương tiện nằm bãi

Lượng khách giảm mạnh, thu không đủ bù chi khiến hàng loạt phương tiện của các DN vận tải hành khách bằng xe buýt phải tạm dừng hoạt động, phương tiện đỗ đầy bãi đậu.

Là đơn vị có số lượng xe buýt lớn nhất tỉnh, Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk có 92 đầu xe, đến thời điểm hiện tại chỉ còn 31 xe đang hoạt động. Tất cả các tuyến của công ty đều phải cắt giảm do lượng khách giảm mạnh, kinh doanh thua lỗ. Cụ thể, tuyến TP. Buôn Ma Thuột – huyện Lắk giảm từ 8 xe xuống còn 3 xe; tuyến TP. Buôn Ma Thuột – huyện Krông Bông, từ 9 xe hiện nay còn 5 xe hoạt động; tuyến TP. Buôn Ma Thuột – huyện Krông Ana từ 10 xe thời cao điểm, nay chỉ còn 5 xe; tuyến TP. Buôn Ma Thuột – TP. Gia Nghĩa từ 34 xe, nay chỉ còn 18 xe.

Số xe hoạt động giảm từ 50 - 60% tùy từng tuyến, đồng nghĩa tần suất các chuyến cũng kéo giãn ra. Đơn cử như tuyến TP. Buôn Ma Thuột – huyện Lắk trước đây 30 phút/chuyến thì hiện tại là 120 phút/chuyến, song số lượng khách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây cũng là tình trạng chung của các tuyến từ TP. Buôn Ma Thuột đi các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Bông, Krông Ana…

Hàng loạt phương tiện của Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk nằm im lìm trong bãi đậu xe

Ông Phạm Văn Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải hàng hóa và hành khách Cư Mil (huyện Ea Súp) cho biết, DN vận tải hành khách bằng xe buýt đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm, hoạt động cầm chừng, hầu hết các tuyến phải giảm tần suất hoạt động. Đơn cử như tuyến TP. Buôn Ma Thuột – huyện Ea Súp và TP. Buôn Ma Thuột – huyện Buôn Đôn do hợp tác xã khai thác, lượng khách giảm hơn 50%, buộc đơn vị phải tạm dừng hoạt động 11/20 phương tiện.

Trước thực trạng trên, cuối năm 2022, Hiệp hội Vận tải ô tô Đắk Lắk đã có văn bản kiến nghị chính quyền địa phương và lực lượng chức năng có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng "xe dù", "bến cóc", nhất là ở những điểm đón, trả khách của các tuyến xe buýt. Tuy nhiên tình trạng trên vẫn tiếp diễn. Đây là nguyên nhân gián tiếp đẩy các DN, hợp tác xã vận tải có đăng ký kinh doanh, đóng thuế đầy đủ rơi vào tình trạng lao đao, trong đó có các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt.

Hoàng Tuyết

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/kinh-te/202307/doanh-nghiep-van-tai-hanh-khach-bang-xe-buyt-doi-mat-voi-noi-lo-pha-san-4002075/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ