A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Giảm thiểu rủi ro giao dịch không tiền mặt

14:10 | 01/07/2024

Cùng với xu hướng phát triển chung của toàn cầu, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt (quét mã QR, chuyển khoản...) ngày càng trở nên phổ biến trong các giao dịch, đời sống hàng ngày ở Việt Nam.

Được đánh giá mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, song loại hình thanh toán này cũng đặt ra vấn đề về an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và ngân hàng.

Các giao dịch mua sắm tiêu dùng thông thường dần được thực hiện bằng thanh toán không tiền mặt. Ảnh: M.H.

Tiện lợi với cả người mua và người bán

Làn sóng không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã và đang mang đến nhiều tiềm năng tăng trưởng và đổi mới, mở ra cơ hội cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Thời gian qua, tiếp cận xu hướng tiêu dùng không sử dụng tiền mặt, nhiều người dân, cả bên mua cũng như bên bán đều cập nhật loại hình thanh toán không tiền mặt trong mua sắm, giao dịch. Theo chia sẻ của chị Trần Phương Hoa, (phố Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân, Hà Nội), khoảng 1 năm trở lại đây, chị không để tiền mặt trong người, đi du lịch hay kể cả khi đi chợ hàng ngày, chị cũng không mang tiền mặt vì giờ đây, ngay cả hàng thịt, hàng rau cũng đã sử dụng mã QR để thanh toán. “Tôi thấy sự tiện lợi rất lớn, lại giảm nguy cơ bị móc trộm, hoặc đánh rơi nên tôi đã thay đổi việc giao dịch mua sắm bằng hình thức này từ khá lâu rồi” – chị Hoa chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Mạnh Hùng (phố Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng cho hay, hiện nay, thanh toán qua QR code trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Điển hình là tại cơ quan anh, chỉ trừ vài người lớn tuổi, còn lại hầu như đều sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán cho tất cả các giao dịch hằng ngày. “Đến mua cốc nước, hay hộp cơm ăn trưa giờ cũng quét QR hết. Thanh toán tiền mặt tiện lợi ở chỗ vừa nhanh mà vừa trả đến từng đồng lẻ. Nhiều khi sử dụng tiền mặt còn phải đi đổi tiền rất mất thời gian” – anh Hùng nói.

Chưa hết, không chỉ trong giao dịch mua sắm hàng ngày, việc mừng đám cưới cũng được nhiều người dân “số hóa”. Trên những tấm thiệp cưới, ngoài những thông tin thông thường thì giờ còn có thêm cả mã QR code tài khoản ngân hàng với lời đề “nhận quà cưới”. Đón nhận “chiêu” mời cưới này, nhiều người dân tỏ ra khá bất ngờ song hầu hết mọi người đều khá thoải mái vì tính tiện lợi, giảm thiểu những phiền hà cho cả người được mời cũng như người mời. “Tôi thấy hình thức này cũng khá hay, vì trong trường hợp mình bận thì cứ thế chuyển khoản, đỡ phải nhờ vả ai tránh phiền hà” – chị Trương Thu Trà (phố Pháo Đài Láng, Hà Nội) chia sẻ.

Có thể thấy rõ, sự phát triển của các hình thức thanh toán đa dạng, phong phú đã hình thành lớp người không dùng tiền mặt, hiện không chỉ ở giới trẻ mà ở cả tầng lớp trung niên, thậm chí người lớn tuổi cũng đã bắt nhịp với xu hướng này.

Tăng cao tính an toàn trong giao dịch

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì nhiều người tiêu dùng cũng tỏ ra e ngại vì nghi ngờ tính bảo mật của loại hình thanh toán này. Và thực tế, tình trạng nhiều người dân bị lừa bởi tội phạm công nghệ cao thời gian qua càng khiến cho người dân e dè với các loại hình giao dịch thông qua số hóa.

Thực trạng này đặt ra thách thức lớn cho các ngân hàng, bởi đầu tư công nghệ bảo mật đòi hỏi chi phí, nguồn lực không hề nhỏ. Chưa kể, một bộ phận người dân còn có thói quen sử dụng tiền mặt, ngại tiếp cận công nghệ, chưa có đủ kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, dẫn đến dễ bị lừa hoặc lộ, lọt thông tin.

Một thông tin được PGS.TS Trần Hùng Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Đại học Quốc gia TPHCM đưa ra cũng là một minh chứng cho thấy, vấn đề về bảo mật thông tin cần được đặt ra rất cấp bách. Cụ thể, theo ông Sơn, cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất do gian lận thanh toán số. “Tỷ lệ thiệt hại do gian lận số tại Việt Nam là 3,6% GDP, cao hơn mức trung bình toàn cầu (1,1%) và vượt trội so với các nước như Brazil hay Thái Lan (cùng 3,2%). Trong khi đó, nhiều quốc gia phát triển chỉ ghi nhận tỷ lệ thiệt hại rất thấp như Bỉ, Ireland (0,1%), Hà Lan (0,2%)” – ông Sơn nêu con số.

Theo chia sẻ của Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, dù đã có nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, song cũng có không ít khó khăn do trên môi trường mạng có rất nhiều hoạt động mang tính ẩn danh, gây khó khăn cho việc truy vết; các đối tượng có hoạt động xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách pháp luật. Các đối tượng hoạt động có tổ chức, xây dựng nhiều kịch bản để lừa đảo, phân công vai trò, nhiệm vụ cụ thể và triệt để lợi dụng khoa học công nghệ.

Trong đó, có 5 thủ đoạn lừa đảo điển hình đã được ghi nhận: lừa đảo thông qua dịch vụ viễn thông; lừa đảo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; lừa đảo qua nền tảng OTT (Zalo, Facebook, Wechat…); kêu gọi đầu tư tài chính và lừa đảo tuyển cộng tác viên cho các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki.

Trong năm 2023, A05 đã xác minh, truy vết, phát hiện tin tặc, gián điệp mạng đã tấn công, đánh cắp, mã hóa gần 700 GB dữ liệu, hàng chục nghìn tài liệu nội bộ, 62 triệu thông tin, dữ liệu cá nhân; phối hợp với Công an các địa phương khởi tố 1.500 vụ án, trong đó chủ yếu là tội phạm lợi dụng thanh toán không tiền mặt để lừa đảo.

Để phòng, chống các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, gây mất an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ. Đặc biệt, một giải pháp đang tích cực được triển khai là xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hoặc tổng giá trị giao dịch 20 triệu đồng/ngày kể từ ngày 1/7 tới theo Quyết định 2345 của NHNN.

Giới chuyên gia nhận định, các vụ lừa đảo qua mạng đều có điểm chung là tội phạm có được thông tin cá nhân của nạn nhân và sử dụng SIM rác. Do đó, việc xác thực khuôn mặt khi chuyển khoản sẽ là giải pháp hiệu quả giúp ngăn chặn tội phạm sử dụng tài khoản "mượn" để chuyển tiền. Tuy nhiên, để có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng lừa đảo, bên cạnh giải pháp xác thực giao dịch, việc quản lý SIM chính chủ và bảo vệ thông tin cá nhân cần phải được hết sức chú trọng, tăng cường.

Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số tiếp tục đạt được kết quả tích cực. Tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân đạt hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với thời điểm cuối năm 2022. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt có mức tăng trưởng khá.

Thanh Xuân

Bài viết gốc: https://daidoanket.vn/giam-thieu-rui-ro-giao-dich-khong-tien-mat-10284360.html

    Nguồn: daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Khẩn trương ban hành Đề án tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9

      Ngày 16/4, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo dự thảo Đề án Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chủ trì cuộc họp.

      Ưu đãi tưng bừng - Mừng Đại lễ 30/04

      Hòa chung trong không khí hân hoan của Ngày Đại Lễ thống nhất đất nước 30/04 và Quốc tế lao động 01/05, Hyundai ĐắkLắk trân trọng gửi tới Quý khách hàng chương trình ưu đãi đặc biệt, cụ thể

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ