A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Xử lý hoạt động tín dụng đen: Nhiều quy định không còn phù hợp

08:12 | 12/02/2019

Theo thống kê của Bộ Công an, trong khoảng 4 năm gần đây, toàn quốc xảy ra khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản,...

... 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản… Thực trạng này cho thấy việc hoàn thiện thể chế về lãi suất trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã có nhiều quy định làm cơ sở cho việc hạn chế hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi. Cụ thể, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có quy định về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự tại Điều 201.

Theo đó, hành vi cho vay nặng lãi chỉ cấu thành tội phạm khi có đủ hai dấu hiệu: Lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự; Thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Quy định trên so với quy định tại Điều 153- Tội cho vay nặng lãi của BHHS năm 1999, Điều 201 đã được sửa đổi theo hướng, hạ số lần lãi suất cho vay với mức lãi suất cao nhất quy định tại Bộ luật Dân sự từ 10 lần xuống 5 lần…

Những quy định này được xem là hành lang pháp lý đủ mạnh để siết hoạt động tín dụng đen. Cùng với đó các Bộ, ngành đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn hoạt động tín dụng đen. Tuy nhiên thực tế cho thấy, để dẹp bỏ nạn “tín dụng đen” không dễ.  

Theo Bộ Công an, hiện lực lượng cảnh sát hình sự đang theo dõi hơn 200 băng nhóm, với gần 2.000 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê. Đáng lo ngại, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen có chiều hướng diễn biến khá phức tạp, hoạt động của các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính diễn ra tấp nập ở hầu hết các địa phương, kể cả những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các băng nhóm hoạt động tín dụng đen thường gắn với tội phạm có tổ chức và có xu thế tạo vỏ bọc hợp pháp dưới các cơ sở kinh doanh tài chính, công ty, doanh nghiệp để hoạt động.

Phương thức hoạt động của các đối tượng phổ biến là phát, dán tờ rơi, lập các website, sử dụng mạng xã hội, sử dụng số thuê bao không đăng ký chính chủ… đăng tin, gửi tin nhắn quảng cáo vay tiền không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, cấp tiền ngay, với số tiền vay từ 1 triệu đến vài chục triệu đồng. Các đối tượng thường ngụy trang hành vi cho vay lãi nặng bằng các hợp đồng để lách luật và trốn tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan công an. 

Đề cập đến nguyên nhân khiến hoạt động tín dụng đen ngày càng phức tạp, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay quy định về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản tại Điểm d, Khoản 3, Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ không còn phù hợp với quy định về lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm theo quy định của Nghị định này là vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay, trong khi mức lãi suất quy định tại Bộ luật Dân sự là 20%/năm/khoản tiền vay.

Theo ông Đỗ Đức Hiển - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, quy định về lãi suất vi phạm theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP cũng không còn phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015; chưa điều chỉnh được hết các hành vi vi phạm trong giao dịch cho vay. Hiện nay, nhiều trường hợp cho vay không cần cầm cố tài sản, chỉ cần chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ khẩu hoặc giấy tờ tùy thân khác hay hình thức bốc họ…  

“Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013/NĐ-CP để khắc phục những bất cập trên.” - ông Đỗ Đức Hiển cho biết.    

Khanh Lê

    nguồn daiđoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ