A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vay "tín dụng đen": Những bài học đắt giá

09:45 | 20/11/2019

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) lâm vào cảnh nợ nần, mất hết nhà cửa, đất đai; có hộ phải bỏ nhà đi nơi khác làm thuê làm mướn vì những món nợ từ “tín dụng đen” mà họ hoàn toàn không có khả năng để trả.

Nợ hơn 2,5 tỷ đồng chỉ từ món nợ... 15 triệu đồng !

Mấy tháng nay, gia đình bà H.R (buôn Klat C) luôn sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu vì món nợ lên đến hơn 2,5 tỷ đồng.

Theo lời kể của bà, ban đầu, gia đình bà cần vay số tiền 15 triệu đồng để trả nợ ngân hàng. Giữa tháng 7-2018, bà được một người quen ở xã Ea Blang giới thiệu cùng một người phụ nữ khác tên là H.Y (trú cùng buôn) đứng tên vay chung số tiền 115 triệu đồng của vợ chồng bà N.P ở xã Ea Blang với lãi suất 5.000 đồng/ngày/triệu (trong đó số tiền thực nhận là 109 triệu đồng, còn 6 triệu đồng gọi là tiền bốc mà bên cho vay lấy ngay), thời hạn vay 3 ngày (sau khi nhận tiền ra, hai người tự thỏa thuận miệng với nhau để bà H.R vay 15 triệu đồng, còn lại bà H.Y vay). 

Đến hẹn không có tiền trả, hai người lại vay thêm số tiền 250 triệu đồng (thực nhận 235,7 triệu đồng) để trả tiền nợ trước đó. Cứ thế, sau nhiều lần vay để trả, trả rồi vay đến ngày 27-9, khi hai bà không thể xoay sở đủ tiền để trả, bên cho vay đã tính cả gốc và lãi của hai người lên đến 1.140 triệu đồng. Tiếp tục, đến ngày 24-10-2018, cả hai bị chủ nợ buộc phải ký nhận số tiền vay mượn lên tới hơn 5 tỷ đồng, trong đó bà H.R nợ 2,55 tỷ đồng và bà H.Y nợ 2,5 tỷ đồng.

Không ít hộ gia đình ở xã Ea Drông đã mất hết đất rẫy, nhà cửa vì "tín dụng đen". (Ảnh minh họa):

Bà H.R cho rằng do tin tưởng người vay cùng là người quen, lại thiếu hiểu biết và thấy thủ tục vay vốn khá dễ dàng, không cần thế chấp, không giới hạn số tiền nên cứ vay mà không hề nghĩ đến hậu quả sau này; càng không thể hình dung được là chỉ vì số tiền vay 15 triệu đồng ban đầu mà mấy tháng sau đã mang số nợ hơn 2,5 tỷ đồng. Do đó, đầu năm 2019 bà đã có đơn trình báo và khởi kiện bên cho vay nặng lãi, lừa đảo.

Tuy nhiên, trong phiên tòa diễn ra vào ngày 30-9 vừa qua, do bà không cung cấp được chứng cứ nên Tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ đã tuyên buộc bà phải hoàn trả số tiền gần 2,8 tỷ đồng cho bà N.P (cả gốc và lãi). Bây giờ, bà H.R đã hoàn toàn mất khả năng trả khoản nợ này khi mà 6 sào đất của gia đình đã bán đi hết để trả nợ vay ngân hàng trước đó. Bà H.Y cũng trong hoàn cảnh tương tự nên đã đi khỏi địa phương từ mấy tháng nay.

Tan hoang trong vòng xoáy vay-trả

Mới đây, UBND xã Ea Drông cũng nhận được đơn của ông Y.J (buôn Ea Kjoh) trình báo về việc cho vay nặng lãi, chiếm đoạt tài sản. Theo nội dung trình bày, cuối tháng 11-2017, vì cần tiền đáo hạn ngân hàng nên ông đã vay của một người phụ nữ ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) số tiền 399.050 nghìn đồng với lãi suất 5 nghìn đồng/triệu/ngày (trong đó ông Y. J phải trả số tiền bốc 20 triệu đồng cho bên cho vay). Hai tháng sau, chủ nợ buộc ông phải trả số tiền gốc và lãi lên đến 600 triệu đồng. Do không có khả năng trả, ông đã phải cầm cố 2 bìa đất rẫy và 1 bìa đất thổ cư với tổng diện tích hơn 1,5 ha cho bên vay… Sau đó, chủ nợ đã đem 2 bìa đất rẫy đi sang tên và cầm cố bìa đất thổ cư cho người khác, buộc ông Y.J phải đi vay nóng chỗ khác để chuộc bìa đất thổ cư về. Khi số tiền vay càng ngày càng cao thì ông lại đi vay chỗ khác để trả nợ. Cứ thế, đến nay, tổng số tiền mà ông đã vay các chủ nợ lên đến gần 1 tỷ đồng mà các bìa đất rẫy vẫn nằm trong tay người khác.

 

Hầu hết những hộ gia đình có người vay "tín dụng đen" đều rơi vào tình cảnh khốn đốn, người mất đất, kẻ mất nhà; đặc biệt, một số trường hợp đã bỏ nhà đi vì không có khả năng trả nợ, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương”.

 
Bà H’Blỗn Niê Kriêng, Chủ tịch UBND xã Ea Drông

Theo bà H'Blỗn Niê Kriêng, Chủ tịch UBND xã Ea Drông, từ thông tin nắm bắt trong dư luận cho thấy, khoảng hơn 3 năm nay, trên địa bàn xã xuất hiện khá nhiều trường hợp vay “tín dụng đen”. Ngoài một số trường hợp vay với số tiền nhỏ và ngại tố cáo vì sợ bị trả thù thì ở địa phương cũng có nhiều người đã gửi đơn khiếu kiện, tố cáo việc cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi số tiền lãi đã tăng lên quá nhiều hoặc đất đai, nhà cửa đã mất hết. Trước tình trạng này, chính quyền xã Ea Drông đã tổ chức các buổi tuyên truyền cũng như cảnh báo người dân nhưng do nhận thức, hiểu biết của nhiều người còn hạn chế, lại quá túng quẫn về tiền bạc nên vẫn sập bẫy "tín dụng đen" .

Có thể nói, hoạt động “tín dụng đen” đã len lỏi khắp các vùng nông thôn, đến cả vùng sâu, vùng xa với những lời lẽ “ngon ngọt” và thủ tục vay dễ dàng khiến nhiều người đang trong cảnh túng quẫn dần trở thành con nợ. Để rồi, khi đã mắc vào bẫy “tín dụng đen”, họ mất khả năng trả nợ, hệ lụy sau đó là bị khống chế, đe dọa, bắt giữ, cưỡng đoạt tài sản. Do đó, ngoài việc nâng cao nhận thức cho người dân thì các cấp, ngành cần tạo điều kiện để người dân hợp pháp hóa tài sản, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện vay vốn tại ngân hàng, tránh để người dân trong những lúc quá túng quẫn phải tìm đến nguồn vốn “tín dụng đen”.

Thúy Hồng

    Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ