...rằng có thể “dễ dàng kiếm được 500.000 - 1 triệu đồng/ngày chỉ nhờ làm thêm online tại nhà”.
Công việc mà các đối tượng giới thiệu chỉ đơn giản như: “xem video trên Tik Tok, Youtube”; “bấm follow theo dõi trang bán hàng online trên Lazada, Shopee…”; “like, share các bài viết trên Facebook”… song thu nhập lại “cực khủng”, từ 500.000 đến 1 triệu đồng/ngày tùy thuộc vào “độ chăm chỉ”.
Những người bị hấp dẫn bởi các lời mời chào này khi liên hệ tìm hiểu sẽ được yêu cầu cung cấp số tài khoản ngân hàng có đăng ký Internet Banking, số điện thoại cá nhân, căn cước công dân và được hướng dẫn tham gia các nhóm kín trên Telegram, Zalo… để làm việc.
Đối với mỗi “nhiệm vụ” hoàn thành, những “cộng tác viên online” sẽ kiếm được một khoản tiền nhất định và được cộng dồn vào tài khoản. Khi muốn rút tiền (khi đã tích đủ một lượng tiền lương nhất định), các cộng tác viên lại được hướng dẫn nạp tiền cho một tài khoản ngân hàng và được cung cấp một bản cam kết với nhiều nội dung “nhằm đảm bảo quyền lợi khách hàng”, các đối tượng cam kết số tiền chuyển khoản trước chỉ để “làm tin” và sẽ được hoàn trả sau này.
Chiêu trò của các đối tượng lừa đảo bắt đầu lộ dần khi "nhiệm vụ được giao" đặt người chơi vào tình thế phải chuyển tiền trước vào tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định. Một phần do “lòng tham” vì số tiền lương mình đã kiếm được; một phần do đã lỡ chuyển tiền cho các đối tượng một vài lần, nếu không chuyển tiếp thì sợ “sẽ mất hết”, nên các “cộng tác viên online” cứ mù quáng làm theo chiêu trò của các đối tượng xấu. Đến khi nạn nhân “bừng tỉnh” thì các đối tượng đều đã “không thể liên lạc”, bản thân các nạn nhân cũng bị xóa khỏi các nhóm kín trước đó.
Một quảng cáo mời chào làm cộng tác viên online trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ chụp lại màn hình web
Một nạn nhân của trò lừa đảo này mới đây đã kể: “Ngày 20/3, tôi được tuyển làm cộng tác viên xem video rồi like và share. Hoàn thành nhiệm vụ thì chúng đề nghị tôi đóng tiền, xong thì sẽ được trả tiền cả gốc lẫn hoa hồng. Lần đầu vài trăm nghìn đồng thì tôi rút lại được tiền. Đến khi số tiền tăng lên 400.000 đồng đến 1 triệu đồng, tôi bảo không làm nữa muốn rút lại thì chúng kêu là đã góp vốn thì không được rút, nếu không thì mất. Tiếp tục làm thì chúng kêu là thu nhập vượt quá mức không chuyển được phải đóng thuế mới chuyển được nếu không chúng không trả lại tiền. Chúng lôi cả luật ra để nói phải đóng thuế thẩm định mới rút được, không thì sẽ hủy hồ sơ. Rồi chúng cứ nhắn liên tục đe dọa không đóng tiền sẽ mất hết tiền…”.
Có thể nói, các đối tượng lừa đảo kiểu này đánh vào tâm lý muốn có “việc nhẹ, lương cao” của một số người; tất cả các dẫn nhập, các hướng dẫn, chi tiền công cho lần đầu tham gia hoàn thành nhiệm vụ hay một vài lần tiếp theo đều là “chiêu trò” dẫn dụ “con mồi” đến "cái bẫy" chúng đã giăng sẵn.
Những hành vi lừa đảo này có dấu hiệu của tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017. Để tránh bị “sa bẫy”, mọi người cần hết sức cảnh giác với những lời mời chào kiểu này trên mạng xã hội hoặc qua điện thoại, các trang web không rõ ràng. Các nạn nhân gặp phải trường hợp này nên trình báo cơ quan công an gần nhất để lực lượng chức năng kịp thời nắm thông tin, tiến hành xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.
Minh Hoàng - Thảo Phạm
Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/phap-luat/202304/canh-giac-voi-thu-doan-lua-dao-moi-lam-viec-online-b29762c/
BÌNH LUẬN