A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02

Trí thức trẻ và giấc mơ đổi đời cùng nông nghiệp

22:16 | 17/02/2018

Họ là những trí thức trẻ, không ở lại thành phố mà quay về nông thôn làm nông dân. Trẻ trung, năng động, dám nghĩ, dám làm, họ đã có những đột phá trong cách làm nông nghiệp và gặt hái được thành công.

Hợp tác xã nông nghiệp của cử nhân người Dao

Năm 2010, chị Triệu Thị Châu (SN 1987) ở thôn 3 (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Tây Nguyên. Ra trường chị gõ cửa nhiều nơi xin việc nhưng không được. Trở về làng, chị trăn trở: “Mảnh đất này ông cha mình đã gây dựng nên cơ nghiệp, tại sao mình không lập nghiệp ở đây? Nông nghiệp đã giúp không ít người Dao trong thôn xây nhà khang trang, sắm được ôtô. Nếu xin việc làm ở nơi khác, với đồng lương ít ỏi thì đến bao giờ mới được như vậy”. Từ những trăn trở đó, chị Châu quyết định bám trụ lại quê hương, gắn bó với cây cà phê, hồ tiêu của gia đình.

Năm 2016, chị đã vận động bà con trong thôn thành lập HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bình Minh có 27 xã viên với diện tích 108 ha cà phê, hồ tiêu, mục đích để có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Để minh chứng, chị Châu đưa chúng tôi đi xem chiếc máy sấy cà phê hiện đại được HTX mua từ năm 2016 với giá hơn 600 triệu đồng. Đây là chiếc máy sấy có tính tự động hóa cao, dùng vỏ cà phê để làm chất đốt, sấy khô nguyên trái được 4 tấn cà phê tươi (cho ra 1 tấn cà phê nhân) với thời gian khoảng 12 giờ. “Lâu nay việc phơi cà phê chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, nhưng nhờ đầu tư máy sấy này HTX có thể chủ động trong việc bảo quản cà phê. Cà phê sau khi hái về được sấy ngay nhân sẽ không bị đen, không bị hao hụt như phơi ở sân. Tuy nhiên, với một hộ trồng cà phê họ sẽ không đầu tư mua máy sấy này vì giá thành cao, và sản lượng cũng không đáp ứng được công suất của máy sấy, nhưng với HTX thì rất phù hợp”, chị Châu giải thích.

Chị Triệu Thị Châu, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bình Minh bên vườn tiêu của gia đình

Dù mới đi vào hoạt động, nhưng HTX đã khẳng định được vai trò của mình khi vừa ký được hợp đồng với một công ty xuất khẩu hồ tiêu thu mua tất cả sản lượng hồ tiêu của HTX. Điều đáng mừng là giá thu mua cao hơn thị trường từ 3-5 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, những xã viên cũng đã thay đổi cách chăm sóc cây trồng của mình, trong đó có 11 hộ dân áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, không vô tội vạ như trước đây nữa.

Rời giảng đường đại học về mở trang trại chăn nuôi

Khi không có điều kiện để học hết đại học ngành mình yêu thích, chị Nguyễn Thị Huyền (SN 1988) ở số 92 đường Trần Kiên (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) chẳng ngần ngại quay về nhà mở trang trại chăn nuôi.

 Trang trại chăn nuôi của chị Huyền rộng hơn 6 sào, với hàng chục chiếc chuồng quy mô để nuôi nhiều loại gia cầm có giá trị kinh tế cao nằm dưới những tán cây che bóng mát. Chị Huyền cho biết, hiện đang nuôi 2.000 con gà sao, 1.000 con gà ta lấy thịt, 1.000 con gà Ai Cập đẻ trứng, 500 con bồ câu, 200 con chim trĩ giống. Mỗi năm, trừ hết chi phí, trang trại chăn nuôi đã mang lại lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng.

Trang trại nuôi chim trĩ của chị Nguyễn Thị Huyền.

Để có được cơ ngơi nhiều người mơ ước như hôm nay, ít ai biết chị Huyền đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, trăn trở. Năm 2009 khi đang là sinh viên năm thứ 3 ngành Trung Quốc học tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh do hoàn cảnh gia đình khó khăn chị Huyền bỏ ngang việc học về quê nuôi heo. Khởi nghiệp với đồng vốn ít ỏi nhưng nhờ chịu khó tìm tòi nên chăn nuôi heo cũng giúp chị đủ trang trải cuộc sống. Nhưng đến năm 2012, khi chăn nuôi heo gặp khó khăn, chị chuyển sang nuôi chim trĩ, bởi qua tìm hiểu nuôi chim trĩ không quá khó, chuồng trại không cầu kỳ, thức ăn đơn giản chỉ là cám, bắp, rau, cỏ…mà hiệu quả kinh tế mang lại cao. Với 15 con chim trĩ giống ban đầu, sau một năm, đàn chim trĩ của chị Huyền đã có số lượng hàng nghìn con, mang lại thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm.

Thấy mô hình nuôi chim trĩ của chị Huyền hiệu quả, nhiều người đến học hỏi. Không giấu nghề, chị sẵn sàng truyền đạt lại kinh nghiệm cho mọi người. Chị cam kết thu mua chim trĩ giống và chim trĩ thịt cho những người mua giống chim trĩ của trang trại mình. Hiện có 20 trang trại nuôi chim trĩ trên địa bàn tỉnh được chị Huyền bao tiêu sản phẩm, với số lượng mỗi năm khoảng 4.000 con chim trĩ thịt và 5.000 con chim trĩ giống. Ngoài chim trĩ, chị Huyền còn liên kết với nông dân để nuôi gà sao, gà ta thả vườn, vịt trời...

“Trở về với nông nghiệp”

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Dự án cà phê bền vững (Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk) nhận định: Khi một số bạn trẻ quay trở về với nông nghiệp là tín hiệu đáng mừng bởi lâu nay những thành phố lớn vẫn là lựa chọn ưu tiên của họ. Chính những đối tác nước ngoài thu mua cà phê của Công ty cũng lo lắng vì nếu đội ngũ lao động trẻ của địa phương không quay về với sản xuất nông nghiệp thì nguồn cung cà phê trong tương lai sẽ bị thiếu hụt. Để giúp giới trẻ có cái nhìn cởi mở hơn với sản xuất nông nghiệp, Công ty đang phối hợp với Tổ chức sáng kiến Thương mại bền vững Hà Lan (IDH) và Tập đoàn JDE (Hà Lan) tổ chức chương trình tư vấn hướng nghiệp cho học sinh THPT với chủ đề: “Trở về với nông nghiệp” nhằm cung cấp thông tin, giải đáp những thắc mắc cho học sinh, để các em nhận thức được làm nông nghiệp cũng là một lựa chọn tốt để lập nghiệp.

Vạn Tiếp

    Nguồn "Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ