A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Cần tạo thuận lợi hơn cho thanh niên vay vốn phát triển sản xuất

06:04 | 22/07/2013

Nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế và làm giàu của thanh niên nông thôn ở tỉnh Đắk Lắk là rất lớn. Dù các nguồn vốn cho thanh niên vay không ít, tuy nhiên số thanh niên tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi vẫn còn rất "khiêm tốn" so với nhu cầu.

Theo thống kê của Tỉnh đoàn Đắk Lắk, đến cuối tháng 3 năm nay, đã có trên 19 nghìn đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thông qua nhiều kênh như: Vốn vay giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn (vốn 120), vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn khởi nghiệp do Tỉnh đoàn phát động. Các nguồn vốn trên đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hàng ngàn hộ gia đình thanh niên nông thôn, trong đó có nhiều thanh niên vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. 
 
Song, thực tế cho thấy, công tác trợ vốn cho thanh niên hiện vẫn chưa đủ "lực" để thanh niên phát triển kinh tế như mong muốn. Số thanh niên được vay vốn còn khá khiêm tốn so với tổng số 600 nghìn thanh niên trong toàn tỉnh (trong đó, gần 80% thanh niên sống ở nông thôn). Nhiều thanh niên có ý chí, có kế hoạch làm giàu nhưng rất khó lập nghiệp do thiếu vốn. Anh Nông Văn Việt, ở xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn (được giải thưởng Lương Đình Của năm 2012) - một triệu phú trẻ từ mô hình trang trại tổng hợp cho biết: Ở địa phương có nhiều bạn trẻ có đất và rất "máu" làm giàu nhưng vẫn "loay hoay" mãi do không đủ vốn để đầu tư phát triển sản xuất. Đây là vấn đề mà hiện nay rất nhiều thanh niên nông thôn đặc biệt quan tâm. Hiện nay, với mức vay tối đa không quá 30 triệu đồng/thanh niên/1 kênh vốn thì rất khó để thanh niên nghèo xây dựng mô hình phát triển kinh tế hoàn chỉnh. Theo anh Việt, để phát triển một mô hình trang trại, phải có ít nhất khoảng 100 triệu đồng nguồn vốn khởi đầu. Số tiền được vay chỉ đủ mua cây, con giống còn lại cơ sở vật chất, thức ăn phân bón không biết xoay từ đâu.
 
Còn chị H' Zen Adrơng ( xã Ea Bông, huyện Krông Ana) cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn của thanh niên nông thôn gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân chị, đầu năm 2013, sau khi học xong nghề trồng nấm ở Trung tâm Dạy nghề huyện Krong Ana, chị muốn đầu tư phát triển sản xuất nhưng không có tiền do nhà quá nghèo. Chị đã làm đề án để được vay nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn. Mất vài tháng, chị mới nhận được nguồn vốn vay vì phải "lòng vòng" qua nhiều lần thẩm định và phê duyệt tính khả thi của đề án. "Số tiền được vay là 25 triệu đồng cũng chỉ đáp ứng được một nửa số vốn theo tính toán đầu tư. Tôi muốn vay thêm ngân hàng nhưng không có tài sản thế chấp nên đành chịu"- chị H'Zen trăn trở. 
 
Tỉnh Đoàn Đắk Lắk cũng chủ động tham mưu, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận nguồn vốn vay. Hiện, trân địa bàn tỉnh đã có 545 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ trên 301 tỷ đồng. Tuy nhiên do nguồn vốn vay còn hạn chế, đối tượng vay còn bó hẹp và một số Đoàn cơ sở còn chưa nhiệt tình với công tác này, nên chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của thanh niên. 
 
Theo anh Y Nhuân Byă, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Đắk Lắk: Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do thanh niên không có tài sản để thế chấp với các tổ chức tín dụng. Tỉnh Đoàn Đắk Lắk kiến nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội, các tổ chức tín dụng, các ngành chức năng sớm có giải pháp, tạo điều kiện cho lực lượng thanh niên, nhất là thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn đầu tư phát triển sản xuất./. 

    Theo Tamnhin.net

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ