A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nét độc đáo trong tục ma chay của người Mông trắng

14:44 | 27/11/2014

Theo quan niệm của người Mông, khi còn sống con người ăn ở có đạo đức, làm điều thiện thì khi chết sẽ được đầu thai trở lại làm kiếp người, còn ăn ở thất nhân ác đức thì chết sẽ biến thành loài vật.

Do đó, đối với người Mông nói chung, người Mông trắng (Môngz Đơư) nói riêng rất trọng tình cảm, họ quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận” nên tang lễ thường được tổ chức rất chu đáo, những người chết có độ tuổi từ 3 tháng tuổi trở lên đều phải được “cúng ma tươi” lúc vừa chết và “cúng ma khô” (đangz kruôr) sau khi chôn cất được 13 ngày (người Mông không có ngày giỗ như dân tộc Kinh nên lễ cúng ma khô là lễ cuối cùng của người sống cúng cho người chết, tiễn hồn người chết vĩnh viễn về với tổ tiên).

Khi nhà có người chết, gia đình người Mông sẽ bắn ba phát súng kíp lên trời hoặc đứng trước nhà thổi 3 hồi tù và; sau đó con cháu trong nhà đi mời gọi anh em, chú bác ruột thịt ở gần và mời thầy cúng, thầy trống, thầy khèn… về để làm các nghi lễ. Thầy cúng chưa đến thì mọi người thân trong nhà không được khóc. Trường hợp người chết là vợ thì khi nhận được thông báo của phía nhà chồng, gia đình của người vợ quá cố sẽ sắm lễ vật mang đến nhà người chồng và ngược lại: nếu người chết là chồng thì gia đình của người chồng quá cố sẽ mang lễ vật sang nhà vợ. Mục đích của việc mang lễ vật đến, một mặt là để góp phần lo ma chay, mặt khác còn là để yêu cầu những người còn sống trong gia đình phải kể lại cặn kẽ cái chết của người xấu số. Tùy theo điều kiện kinh tế của hai gia đình mà lễ vật to hay nhỏ, thông thường có thể là mổ một đôi gà, một con heo, hoặc con bò và cũng có thể lễ vật to hơn.

Việc hỏi han không thông qua lời nói mà được thể hiện qua tiếng khèn. Khi tiếng khèn người thân người chết vang lên hàm ý một vấn đề nào, thì buộc phía gia đình bên kia phải thổi đối đáp lại, làm sao để người thân người chết tin rằng người đó đã chết thật sự, nếu thổi khèn đối đáp không hay, không đủ ý thì có nghĩa là người chết kia vẫn còn sống và ngay lập tức phía bên người thân của người chết sẽ thổi khèn với lời lẽ: “ Anh (em) ơi, tưởng rằng anh (em) đã chết, nhưng đến đây nghe qua anh (em) tin chắc rằng  anh (em) còn sống, anh không tin rằng em đã chết…”  và quay lưng bỏ về, mọi chuyện sẽ trở nên rắc rối. Để không phải theo năn nỉ người thân của người chết mang lễ vật vào nhà thì gia đình thông gia phải tìm được người thổi khèn thay thế để trả lời “không, không, thực sự là anh (em) đã chết rồi, nếu không tin thì xin mời anh (em) hãy vào nhà xem đi…”. Đến khi hai bên gia đình đã hiểu nhau rồi, sẽ vào nhà ngồi lại bàn bạc chuyện ma chay cũng như chuyện chia của cải cho người chết.

Việc đóng quan tài của người Mông cũng không giống với các dân tộc khác mà quan tài được đóng theo quy cách phần trên đầu to, phía dưới chân nhỏ. Khi khâm liệm người chết, phải dùng một mảnh vải lanh mới làm khăn rửa mặt và tắm rửa cho người chết, lau rửa xong thay toàn bộ quần áo (thường người chết mặc từ 3 – 5 bộ trang phục truyền thống nhưng không có khuy cúc nhựa). Đầu người chết cuốn khăn tròn, thắt ba tấm thắt lưng màu xanh, đỏ, vàng, nút thắt quay ra đằng trước, đàn ông đi tất, đàn bà quấn thêm xà cạp. Khi thầy cúng đến đọc bài chỉ đường cho người đã khuất, lúc này trong nhà người thân mới  được khóc.

Nghi lễ thổi khèn trong một đám ma của người Mông ở thôn Noh Prông.

 Nghi lễ thổi khèn trong một đám ma của người Mông ở thôn Noh Prông.

Ngoài ra, theo truyền thuyết xưa kia người Mông bị giặc Hán xua đuổi, vì thế trong đám tang của người Mông còn có lễ đuổi giặc: người ta tổ chức cầm dao, súng, giáo, mác… chạy vòng quanh nhà vừa chạy vừa thổi tù và, bắn súng tạo thành những âm thanh náo động xua đuổi không cho con ma giặc Hán tấn công.

Đồng bào Mông di cư vào Dak Lak ngày nay không còn giữ được nguyên vẹn những nghi lễ ma chay truyền thống. Ông Hoàng Văn Bằng, Trưởng thôn Noh Prông, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) cho biết: “Đám ma của người Mông trắng di cư vào Tây Nguyên ngày nay đã được giản lược nhiều.

Phần lớn đã bỏ tục cúng ma khô, vì họ cho rằng người chết là đã lên trời, về với tổ tiên, việc tổ chức cúng chỉ gây tốn kém tiền bạc của cải, sau khi chôn cất người chết xong là họ bỏ mả luôn, tục mang lễ vật, chia của cũng không còn nữa…”.  Trước đây, đám ma người Mông kéo dài từ 3 - 4 ngày, từ khi thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội thì tang lễ chỉ còn 1 - 2 ngày.

Nói chung, đám ma của người Mông không buồn thảm, khi tiếng trống tiếng khèn cất lên thì mọi người đến dự đám ma cùng nhảy múa hát theo, thời gian di quan thường từ sáng sớm tinh mơ. Nét độc đáo trong ma chay của người Mông là được thể hiện qua tiếng khèn, tiếng trống. Thầy cúng sẽ hát những bài hát truyền thống bằng tiếng Mông, lời lẽ  chậm rãi, nhẹ nhàng bày tỏ tình cảm thương mến với người đã chết, nhưng không đau thương, bi lụy mà như một lời tâm sự rủ rỉ, nhắn nhủ những người còn sống càng phải biết yêu thương, đùm bọc và che chở nhau.

(Ghi theo lời kể của người già thôn Noh Prông, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông)

Mai Viết Tăng

    nguồn: baodaklak.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ