A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Nghệ nhân người Mông say mê múa gậy sênh tiền

09:30 | 21/09/2023

Năm nay đã ngoài 50 tuổi nhưng ông Giàng A Xánh (dân tộc Mông, ở thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông) vẫn tích cực tham gia các lễ hội hoặc các hoạt động văn hóa truyền thống ở địa phương.

Đặc biệt, ông Xánh là nghệ nhân múa gậy sênh tiền truyền thống của dân tộc Mông và thường xuyên truyền dạy những điệu múa cho thế hệ trẻ người Mông trên quê hương mới.

Ông Giàng A Xánh sinh ra và lớn lên ở tỉnh Lào Cai, học múa gậy sênh tiền từ nhỏ.

Mỗi khi nhìn những nam thanh, nữ tú trong bộ váy áo Mông truyền thống, sặc sỡ, múa cây gậy sênh tiền phát ra âm thanh huyền bí, lôi cuốn của những đồng xu trong lễ hội Gầu Tào, trong ngày Tết, đám cưới hay liên hoan văn nghệ ở bản, ông mê mẩn lúc nào không hay. Rồi ông mày mò tự học múa khi xem các nghệ nhân biểu diễn trong các lễ hội.

Ông Xánh chia sẻ: “Múa gậy sênh tiền là điệu múa dành cho cả nam và nữ, không phân biệt lứa tuổi. Múa sênh tiền khá phức tạp, nhiều nhịp điệu nên dễ quên, động tác phải kết hợp chân, tay, hông, đầu, phối hợp nhịp nhàng với gậy và phải khớp với bài nhạc. Phải thường xuyên tập luyện trong thời gian dài mới có thể biểu diễn thành thục”.

Ông Giàng A Xánh là người tâm huyết với công tác bảo tồn điệu múa gậy sênh tiền truyền thống của người Mông

Năm 2000, gia đình ông Giàng A Xánh vào lập nghiệp tại thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krông Bông. Mang theo niềm say mê múa sênh tiền đến quê hương mới, ông Xánh thường xuyên tham gia các hội thi hay liên hoan văn hóa truyền thống ở thôn, xã, huyện, tỉnh. Ông đã cùng với đội văn nghệ xã Cư Pui tham gia nhiều lễ hội như: Ngày hội văn hóa truyền thống dân tộc Mông lần thứ II năm 2016 tại Hà Giang; lần thứ III năm 2021 tại Lai Châu. Cả hai lần tham gia, tiết mục múa gậy sênh tiền mà ông tham gia đều đạt giải B.

Đặc biệt, ông Xánh là nghệ nhân người Mông duy nhất ở huyện Krông Bông có thể truyền dạy được điệu múa gậy sênh tiền. Những năm qua, ông đã dạy hàng chục thanh thiếu niên điệu múa gậy sênh tiền để tham gia nhiều lễ hội. Ông Xánh cho hay, những điệu múa sênh tiền nếu lâu không tập thì rất dễ quên, khi múa sẽ không đều. Vì tham gia bài múa thường đông người nên phải luyện tập thật nhuyễn, ghi nhớ lâu thì động tác mới đồng đều, không bị lỗi.

Ông Giàng A Xánh (thứ năm hàng sau, từ trái sang) cùng đoàn nghệ nhân, diễn viên của tỉnh Đắk Lắk tại Ngày hội văn hóa truyền thống dân tộc Mông lần thứ II năm 2016 tại Hà Giang

Ngoài thành thạo các điệu múa gậy sênh tiền, ông Giàng A Xánh còn biết sử dụng nhiều nhạc cụ truyền thống như: thổi sáo Mông, thổi khèn, thổi đàn môi, đánh đàn tính… Với mong muốn gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông trên quê hương mới, sắp tới huyện Krông Bông sẽ thành lập Câu lạc bộ văn hóa người Mông ở xã Cư Pui. Ông Giàng A Xánh được chọn làm Chủ nhiệm câu lạc bộ và là người trực tiếp dạy múa gậy sênh tiền cho thanh thiếu niên người Mông ở xã Cư Pui.

Tùng Lâm

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202309/nghe-nhan-nguoi-mong-say-me-mua-gay-senh-tien-6ff1d74/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ