A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đặc sắc cồng chiêng Tây Nguyên

07:23 | 28/02/2014

Ngày 15-11-2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam được UNESCO chính thức công nhận là Kiệt tác văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại. Sau Nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu

 
Tiếng cồng vang lên trong một không gian huyền thoại
 
1. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải dài trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Khái niệm "không gian văn hóa cồng chiêng” bao gồm các yếu tố: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng, địa điểm tổ chức các lễ hội (nhà dài, nhà rông, nhà gươl, rẫy, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng)...
Chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, Mnông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai... Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày.
Điểm chung nhất có thể thấy, đó là cồng chiêng là loại nhạc khí bằng hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen. Cồng là loại có núm, chiêng không núm. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20cm đến 60cm, loại cực đại từ 90cm đến 120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi từ 18 đến 20 chiếc. Cồng chiêng Tây Nguyên khá lớn, do đó, không ít nhà nghiên cứu băn khoăn: liệu với tư thế vừa diễn (bước đi) thì người ta sử dụng cồng chiêng thế nào? Nhưng cũng chính vì thế mà cồng chiêng Tây  Nguyên lại càng thêm giá trị, thêm độc đáo. 
Về cội nguồn, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cồng chiêng là "hậu duệ” của đàn đá.  Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng- là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên...Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu... thì cũng đều có sự hiện diện của cồng chiêng. Đặc biệt, trong những đêm kể khan thì cồng chiêng mang tính điểm xuyết, gợi mở một không gian trầm hùng và thiêng liêng.
Quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực và sự giàu có. Đã có thời một chiếc chiêng giá trị bằng hai con voi hoặc 20 con trâu. Chính vì thế, sau này mới có việc "chảy máu” cồng chiêng Tây Nguyên. Nạn buôn bán, mua vét cổ vật- mà ở đây là cồng chiêng khiến các buôn làng Tây Nguyên dần mất đi những bộ cồng chiêng quý. Những bộ cồng chiêng mới chế tác sau này dẫu có đẹp đẽ bắt mắt hơn nhưng "phần hồn” cổ xưa thì như lại bị thiếu vắng. 
Sử thi Tây Nguyên ghi rằng: "Hãy đánh những chiêng âm thanh nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ. Đánh cho tiếng chiêng luồn qua sàn lan đi xa. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua nhà vọng lên trời. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất. Đánh cho ma quỷ mê mải nghe đến quên làm hại con người. Đánh cho chuột sóc quên đào hang, cho rắn nằm ngay đơ, cho thỏ phải giật mình, cho hươu nai đứng nghe quên ăn cỏ, cho tất cả chỉ còn lắng nghe tiếng chiêng của Đam San”... 
 
 
2. Cồng chiêng gắn liền với đời sống người Tây Nguyên, nó cũng là yếu tố kết gắn cộng đồng, là chất keo mang tính gắn kết bền vững. Giá trị phi vật thể của cồng chiêng Tây Nguyên chính là yếu tố tinh thần rất đặc biệt này.
Âm nhạc của cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện trình độ điêu luyện của người chơi trong việc áp dụng những kỹ năng đánh chiêng và kỹ năng chế tác. Từ việc chỉnh chiêng đến biên chế thành dàn nhạc, cách chơi, cách trình diễn, những người dân dẫu không qua trường lớp đào tạo vẫn thể hiện được những cách chơi điêu luyện.  
Trên mảnh đất Tây Nguyên, nhiều dân tộc sử dụng cồng chiêng, nhiều buôn làng có những bộ cồng chiêng cực lớn, cực dày dặn. Tuy nhiên, cồng chiêng cũng có thể được dùng đơn lẻ, hoặc dùng theo dàn, theo bộ từ 2 đến 12 chiếc. Đặc biệt nhất là những bộ cồng chiêng có tới 18 đến 20 chiếc mà người Gia Rai sở hữu. Dàn cồng chiêng được tổ chức như một dàn nhạc, vì thế nó có thể diễn tấu những bản nhạc đa âm với các hình thức hòa điệu khác nhau. Tại lễ công bố Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại, ông Koichiro Matsuura- Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu: "Tôi đã được thưởng thức loại hình âm nhạc cồng chiêng rất riêng của Việt Nam và cũng được thấy những nhạc cụ rất độc đáo trong dàn nhạc cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên. Đây là nét văn hóa truyền thống rất riêng của Việt Nam, rất tuyệt vời và đặc sắc. Việc công nhận Danh hiệu Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đối với Không gian riêng Tây Nguyên là rất xứng đáng”.
Với nhiều dân tộc sinh sống trên dải đất Tây Nguyên, ngay khi đứa trẻ vừa ra đời người ta đã đem cồng đến đánh bên tai nó, gọi là "lễ thổi tai”. Tiếng cồng, tiếng chiêng theo người ta cho đến cuối cuộc đời, cho đến cả lễ bỏ mả thì cũng ngân nga tiếng cồng, tiếng chiêng. Cồng chiêng chính là để khẳng định tính cộng đồng và bản sắc văn hóa chung các dân tộc Tây Nguyên. Nó là di sản văn hóa mang đậm dấu ấn thời gian và không gian. 
Một điểm ít người biết là cồng chiêng Tây Nguyên không do cư dân Tây Nguyên tự đúc ra, mà mua từ các nơi khác về; nhưng điểm độc đáo là nó được nghệ nhân chỉnh sửa thành một nhạc cụ. Phương pháp chỉnh sửa chiêng cộng với tai âm nhạc nhạy cảm của nghệ nhân sửa chiêng đã thể hiện trình độ thẩm âm tinh tế và hiểu biết cặn kẽ về chế độ rung và lan truyền âm thanh trên mặt chiêng và trong không gian. Hai phương pháp chỉnh sửa mà nghệ nhân sử dụng là gõ, gò theo hình vảy tê tê và theo hình lượn sóng.
Điều đó tạo nên sự khác biệt và độc đáo của cồng chiêng Tây Nguyên so với cồng chiêng nơi khác, trong đó có thể kể đến cồng chiêng của các nước Đông Nam Á lục địa: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, các nước hải đảo: Indonesia, Philippines, Malaysia với các dàn chiêng Gamelan, Gong Kebyar (Indonesia), Kulingtan (Philippines), Khong wong yai (Thái Lan, Lào), Khong-thom (Campuchia), Ky-waing (Myanmar)...
Ngày nay, để gìn giữ, bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhiều nỗ lực đã được Chính phủ đưa ra. Việc nghiên cứu cồng chiêng Tây Nguyên là khá kĩ. Các cấp chính quyền địa phương cũng đã tăng cường ý thức về việc ngăn chặn nạn "chảy máu” của cồng chiêng Tây Nguyên; đồng thời tạo không gian để tiếng cồng, tiếng chiêng ngân xa. Việc tổ chức các hội diễn trong đó đề cao vai trò của những dàn cồng chiêng là cần thiết, nhưng cần nhất là việc nó phải sống một cách tự nhiên, hồn nhiên trong từng buôn làng- như vậy sự nối tiếp mới không bị đứt đoạn, không bị khiên cưỡng. Sự tham gia của cộng đồng bao giờ cũng mang lại giá trị trường tồn cho một lễ hội, một loại hình văn hóa truyền thống- mà cồng chiêng Tây Nguyên cũng không phải là một ngoại lệ.
 
BẮC PHONG

 

    Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ