A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Bảo tồn “vật thể” của đờn ca tài tử

14:32 | 19/03/2014

Từ các băn khoăn cho rằng một số người đã làm biến dạng nhiều giá trị của đờn ca tài tử (ĐCTT), các chính sách để "bảo tồn” những người làm nên di sản văn hóa phi vật thể ĐCTT đã được đề xuất.

 
 
Hiện có hơn 118 câu lạc bộ đờn ca tài tử hoạt động
Ảnh THIÊN BÌNH
 
TP.Hồ Chí Minh hiện đại, sôi động nhưng loại hình ĐCTT vẫn hiện diện và có sức sống mãnh liệt, nhất là tại các khu vực ngoại thành. Phong trào ĐCTT ở thành phố phát triển mạnh nhất từ năm 1985 đến nay, trên địa bàn thành phố hiện có trên 118 câu lạc bộ ĐCTT đang hoạt động với hơn 2.000 tài tử đờn, tài tử ca, trong đó nữ chiếm tỷ lệ 37,6%. Thành phố  đã duy trì việc tổ chức Liên hoan ĐCTT hàng năm đối với cấp cơ sở Trung tâm văn hóa quận huyện và Liên hoan ĐCTT cấp thành  phố định kỳ 2 năm một lần. 
 
Ngày 18-3, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch đã tổ chức buổi họp mặt các nghệ nhân đờn ca tài tử để trao đổi  về các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản ĐCTT. Phát biểu khai mạc buổi họp mặt, bà Vũ Kim Anh- PGĐ Sở VHTTDL nhấn mạnh mục tiêu của cuộc gặp mặt là lắng nghe ý kiến các nghệ nhân tập trung vào các giải pháp, các chính sách cho nghệ nhân ĐCTT. 
 
ĐCTT được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, nhưng như soạn giả Lê Hồng Khanh nhận xét, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cần qua cái "vật thể”, vật thể đó là con người hiện đang làm ĐCTT, nếu không giữ gìn, bảo tồn cái vật thể đó thì di sản phi vật thể sẽ mất đi. Ở nhiều nước nghệ nhân được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, thậm chí nhà nước lo đến hết đời. Trong khi đó, những nghệ nhân, nghệ sĩ ĐCTT nổi tiếng đã cao tuổi hiện nay gần như không nhận được sự hỗ trợ nào của Nhà nước. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã mất trước khi được vinh danh nghệ nhân, hồ sơ đang trình đành dang dở. Nghệ sĩ Hải Phượng cho rằng đối với các nghệ sĩ ĐCTT kỳ cựu, không chỉ trao danh hiệu nghệ nhân mà cần thành lập một quỹ hỗ trợ. "Ở một số nước, nhà nước hỗ trợ bằng tiền để nhạc sư đào tạo được ít nhất 2 người có trình độ nhạc như nhạc sư, chính sách đó không dàn trải mà dựa vào hoạt động đóng góp thực tiễn của nhạc sư, điều này nước ta có thể làm được. Đồng thời thành phố nên nghiên cứu xây dựng một khán phòng riêng dành cho người chơi, người đam mê ĐCTT”, nghệ sĩ Hải Phượng đề xuất. 
 
Ông Lê Văn Minh- PGĐ Sở VHTTDL cho biết từ nay đến cuối năm 2014, thành phố sẽ tổ chức 10 lớp dạy ĐCTT, gồm 5 lớp dạy đờn và 5 lớp dạy ca tập trung cho 56 xã ngoại thành thành phố. Nghệ nhân dân gian Hoàng Tấn báo động vì ĐCTT hiện nay người ca thì nhiều nhưng người đờn thì không còn mấy ai. Học đờn khó và khổ hơn ca, thời gian học không tính bằng ngày, bằng tháng mà phải tính bằng năm nên việc đào tạo tài tử đờn phải thực hiện từng bước một và phải lọc ra các cấp độ để có chính sách đào tạo đờn thích hợp. Mặt khác phải củng cố về tổ chức các câu lạc bộ, vì để các câu lạc bộ ĐCTT có thể duy trì hoạt động lâu dài cần tập huấn kỹ năng xây dựng câu lạc bộ, phải có nội qui, quy chế, kế hoạch hoạt động…
 
BẢO HẠNH

 

    Nguồn :Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ