A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Văn hóa và phát triển: cần trân trọng sự khác biệt

08:52 | 11/04/2014

Mỗi cộng đồng dân tộc đều có một nền văn hóa khác nhau và chính sự khác nhau đó đã làm nên sự đa dạng cho nền văn hóa Việt Nam.

Điều đó hẳn ai cũng biết, tuy nhiên khi tiếp cận, tìm hiểu và phản ánh (nhất là trên các phương tiện truyền thông) thì vẫn còn không ít người có định kiến tiêu cực hoặc hiểu sai vấn đề, dẫn đến cách hành xử chưa thỏa đáng đối với sự khác biệt ấy.

Mới đây, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSee) có cuộc khảo sát qua 500 bài báo được đăng trên các tờ báo có số lượng phát hành lớn như Lao Động, Tiền Phong, Thanh Niên, Tuổi Trẻ… và đã có đánh giá bước đầu: hơn 57% số bài báo có định kiến tiêu cực khi phản ánh về đời sống văn hóa - xã hội của người dân tộc thiểu số. Những định kiến này chủ yếu cho rằng người dân tộc thiểu số là lạc hậu, thấp kém, nghèo đói… khiến người đọc nói chung (trừ người trong cuộc) hiểu sai, hoặc có nhận thức mơ hồ về họ. Nguyên nhân của định kiến tiêu cực này là do người viết không hiểu và không tôn trọng sự khác biệt về văn hóa của các tộc người thiểu số.
 
Ví dụ tập tục “Nối dây” (Juê nuê) của một số tộc người bản địa ở Tây Nguyên, người ta cho đó là cổ hủ, lạc hậu cần phải phê phán và loại bỏ. Trong khi đó, TS Tuyết Nhung Buôn Krông (Trường ĐH Tây Nguyên) cũng như một số nhà nghiên cứu văn hóa người Êđê, Jrai hay Bana… cho rằng đây là tập tục hết sức nhân văn. TS Tuyết Nhung lý giải: theo tập tục Juê nuê, người vợ được phép lấy anh hoặc em trai trong dòng họ của chồng khi chồng chết; hay ngược lại người chồng được phép lấy chị hoặc em gái trong dòng họ của vợ khi “người nâng khăn, sửa túi” của mình mất đi. Như vậy có vi phạm Luật Hôn nhân gia đình không? Theo TS Tuyết Nhung, tính nhân văn thể hiện ở chỗ: đối với con cái chưa trưởng thành của người quá cố thì cuộc hôn nhân mới theo tập tục Juê nuê sẽ đem lại cho những đứa trẻ mất cha, hoặc mất mẹ sự chăm sóc nuôi dưỡng ân cần và chu đáo từ chính người thân thiết nhất trong gia đình có chung dòng máu với cha, hoặc mẹ chúng. Theo đó, người chồng hoặc vợ (còn sống) sẽ có một nơi nương tựa để tiếp tục nối dòng cũng như bảo đảm sự nguyên vẹn tài sản mà gia đình đã gây dựng nên. Tục Juê nuê cũng không vi phạm quyền tự do hôn nhân mà vẫn đảm bảo được tính dân chủ, tự nguyện trong hôn nhân. Bởi vì theo luật tục, người được họ hàng chọn lựa để kết hôn với anh/em rể hoặc chị/em vợ hoàn toàn có thể từ chối cuộc hôn nhân nếu cảm thấy không phù hợp với mình. Thay vào đó, nếu cô gái không muốn lấy anh rể sau khi chị gái mất đi thì gia đình cô gái hoặc chính cô gái đó là người nuôi dưỡng những đứa con của chị gái để người anh rể đi tìm hạnh phúc mới. Và trong trường hợp này, người anh rể phải để lại con cái cùng toàn bộ tài sản mà trước đó hai vợ chồng gầy dựng được cho gia đình bên vợ để có điều kiện chăm sóc cho những đứa trẻ khôn lớn sau này. Nếu dòng họ vi phạm tính chất tự nguyện trong hôn nhân của tục Juê nuê cũng đồng nghĩa với việc vi phạm luật tục của cộng đồng.
 
 
Lễ rước ghế K’pan về nhà, một trong những nghi thức quan trọng và độc đáo của người Êđê.

Tương tự, đối với tục “Thách cưới” của các dân tộc ít người trên địa bàn Tây Nguyên - do chỉ nhìn vào khía cạnh giá trị kinh tế của vật lễ nhiều khi rất cao, trở thành gánh nặng cho các gia đình nên bị phê phán gay gắt. Tuy nhiên dưới góc độ xã hội thì tục Thách cưới thực chất là một thực hành văn hóa hết sức quan trọng. Tập tục này đóng vai trò và chức năng trong việc “hợp pháp hóa” các cuộc hôn nhân, tạo các mối quan hệ giữa các nhóm thành phần trong xã hội. Đồ sính lễ có giá trị được coi như sợi dây ràng buộc cuộc sống vợ - chồng thêm bền vững hơn. TS Tuyết Nhung dẫn chứng: Với chế độ mẫu hệ của người Êđê, sau khi làm lễ cúng tạ ơn cho họ hàng, hai bên gia đình sẽ làm cam kết nếu người vợ tự ý bỏ chồng thì phía nhà gái phải mất toàn bộ đồ sính lễ được nhà chồng thách cưới. Thêm nữa, thách cưới không phải là tập tục cứng nhắc, mà tùy theo điều kiện kinh tế để hành xử. Nếu hoàn cảnh gia đình khó khăn thì hai bên thông gia có thể cho “nợ”. sau đó trả dần hoặc trả bằng công sức lao động hằng ngày.

Rõ ràng những câu chuyện trên cho thấy, muốn hiểu và đánh giá đầy đủ một thực hành văn hóa nào đó thì phải xem xét và đánh giá nó ở nhiều khía cạnh khác nhau. Như tập tục Juê nuê chẳng hạn, mục đích là hướng tới bảo vệ sự nguyên vẹn của một gia đình, đặc biệt trong đó là bảo đảm quyền lợi cao nhất cho trẻ em - được cho là mục tiêu tốt đẹp mà bất kỳ bộ luật của Nhà nước nào và xã hội văn minh nào cũng phấn đấu. Còn đối với tập tục Thách cưới, không nên áp đặt quan điểm, hệ giá trị bên ngoài để phán xét một thực hành văn hóa đã hình thành lâu đời và tồn tại một cách tự nhiên trong đời sống của các cộng đồng khi chưa hiểu rõ sự vận hành có tính hợp lý nhằm điều hòa các mối quan hệ trong xã hội của từng tộc người cụ thể. Ngoài ra, theo chuyên viên nghiên cứu văn hóa Phan Tú Quỳnh, trên các phương tiện truyền thông mà iSee đã khảo sát và đánh giá có hơn 30% số bài báo rơi vào ba khuynh hướng phản ánh về đời sống sinh hoạt văn hóa và thực hành sinh kế của các cộng đồng người thiểu số theo kiểu “Bí ẩn hóa”, “Lãng mạn hóa” và “Bi kịch hóa” khiến nhiều người hiểu sai hoặc có nhận thức mơ hồ về chủ thể của nền văn hóa đó. Ví như phương cách trị bệnh gãy xương, bầm máu bằng cách xoa bóp, đắp lá, thổi hương… của người Bru-Vân Kiều (Quảng Trị) hay người Jarai, Bana, Xê Đăng, Êđê (Tây Nguyên) được giới truyền thông nhìn nhận như ma thuật, phù phép “bí ẩn hóa” cần phải được xem lại dưới lăng kính khoa học hiện đại. Song, ở đây mọi người không hiểu rằng cách thức chữa trị bệnh kết hợp giữa yếu tố tâm linh và nguồn dược liệu sẵn có đã làm nổi bật tính hệ thống cùng giá trị thực tiễn của tri thức bản địa trong bối cảnh tự nhiên, văn hóa- xã hội cụ thể của mỗi tộc người. Chuyên viên Phan Tú Quỳnh đưa ra dẫn chứng khác, đó là “cây gậy chọc lỗ” trong phương pháp canh tác nương rẫy của các tộc người miền cao được nhìn nhận như thế nào: thô sơ, lạc hậu hay là nông cụ tối ưu? Qua quan sát, trải nghiệm của nhiều nông dân ở miền núi thì dùng gậy chọc lỗ để tra hạt cho tỷ lệ mọc mầm cao hơn so với dùng cày, cuốc. Hơn nữa, dùng gậy chọc lỗ trên địa bàn canh tác có độ dốc lớn sẽ hạn chế được tình trạng xói mòn đất hơn là các nông cụ hiện đại. Từ những ưu điểm trên cho thấy dùng gậy chọc lỗ để tra hạt là một sáng tạo độc đáo của cư dân làm nương rẫy, là sản phẩm văn hóa được đúc kết từ kinh nghiệm hàng trăm năm của người dân nhằm thích ứng và khai thác hiệu quả, bền vững môi trường tự nhiên cũng như giảm thiểu sức lao động của con người trong điều kiện và hoàn cảnh quy định.

Rõ ràng ở đây, sự trân trọng khác biệt văn hóa trong chỉnh thể thống nhất là điều cần thiết. Cho nên những định kiến (quan niệm) có tính chất phê phán đối với một truyền thống văn hóa hay một thực hành văn hóa cụ thể nào đó là không hợp lý và thuyết phục, bởi lẽ nó đang được so sánh với một nền văn hóa khác, hay được nhìn nhận từ một giá trị khác theo sự áp đặt, khiên cưỡng. Chuyên viên nghiên cứu văn hóa Phan Tú Quỳnh cũng lưu ý thêm: khi một thực hành văn hóa nào đó không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội và môi trường đã thay đổi thì chính chủ nhân của nền văn hóa đó sẽ tự thân thay đổi theo, giúp họ thích ứng với bối cảnh mới, chứ không phải do sự can thiệp, áp đặt chủ quan từ bên ngoài vào. Có như vậy việc thực hành văn hóa mới có ý nghĩa và luôn giữ được vai trò của nó như vốn có trong đời sống của các tộc người.

Đình Đối

 

    Nguồn: Báo Dak Lak điện tử

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ