A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Huế - Thành phố Festival

08:32 | 13/04/2014

20 giờ tối qua (12-4), Festival Huế 2014 đã chính thức mở màn. Từ nhiều năm nay, Huế đã trở thành Thành phố Festival của cả nước, nơi quy tụ văn hoá năm châu và cũng là nơi lan toả văn hoá Việt Nam cùng bản sắc Huế. Những ngày này, Huế đẹp lạ lùng.

 Sông Hương như mềm mại hơn, Ngự Bình thông reo vui hơn, những ngôi sao như cũng sáng hơn trên Ngọ Môn. Đêm Hoàng cung lộng lẫy, phố cổ Bao Vinh trẻ lại. Những tiếng rao đêm dường như cũng da diết hơn trong thao thức của những đêm rất Huế.

Từ sự kiện Festival văn hóa Việt - Pháp do TP. Huế phối hợp với Tổ chức CODEV (Pháp) thực hiện năm 1992, ý tưởng về một Festival với một chuỗi những hoạt động văn hóa, lễ hội ra đời. Thời gian chuẩn bị khá dài, cho tới năm 2000, kết thúc thiên niên kỉ thứ hai bước sang thiên niên kỉ thứ 3 thì Festival Huế chính thức mở màn. Kể từ đó, Festival Huế trở thành thương hiệu kết nối quá khứ với hiện tại. 

 
Lễ hội áo dài bao giờ cũng là điểm nhấn của  Festival Huế
 
1. Cứ 2 năm một lần, cố đô Huế lại mở hội. Không chỉ những công dân Huế, những người Huế xa xứ mà đông đảo bà con khắp nơi trong cả nước ai cũng muốn đến Huế trong tuần lễ Festival. Vượt khỏi biên giới quốc gia, tới nay Festival Huế đã mang tầm quốc tế.
 
Trong "con đường di sản miền Trung”, Huế ở vị trí trung tâm. Thành Huế có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh rất nổi tiếng. Quần thể di tích cố đô Huế với những kiệt tác về kiến trúc nghệ thuật độc đáo đã được UNESCO xếp hạng; Nhã nhạc Cung đình cũng được UNESCO tôn vinh là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Đây được coi là không gian văn hoá kết tụ bản sắc có một không hai của cả nước.
 
Cùng với những giá trị mang tầm nhân loại, "chất Huế” còn được biết tới với những gì rất gần gũi, dung dị, nhưng cũng chỉ có Huế mới có được. Một tô bún bò giò heo, một đĩa bánh bột lọc, một bát cơm hến Vĩ Dạ; rồi là khu chợ Đông Ba, cầu Tràng Tiền 6 nhịp dầm thép hình vành lược, một khu phố cổ Bao Vinh, ngôi làng cổ Phước Tích, tranh làng Sình, cửa biển Thuận An, dòng sông Hương lững lờ như không trôi vì được neo lại bằng những câu hò Huế:
 
Chiều chiều trước bến Văn Lâu,
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non!
 
Đó là những câu thơ được danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thi sáng tác, cùng với tám câu hò khác dành cho người chèo thuyền hát trên sông Hương, khiến điệu Nam bình của Huế càng thêm tuyệt hảo.
 
Huế cũng là thành phố nổi tiếng với những công trình kiến trúc tôn giáo không dễ gì nơi nào có được. Đó là chùa Thiên Mụ, chùa Từ Hiếu, chùa Từ Đàm bên cạnh nhà thờ Phú Cam, nhà thờ Dòng Chúa cứu thế. Tiếng chuông chùa đồng vọng cùng tiếng chuông nhà thờ trong một không gian tưởng chừng rất mơ màng xứ Huế.
 
Sân khấu khai mạc Festival Huế 2014
 
2. Thành công của Festival Huế 2000 đã tạo tiền đề cho những thành công tiếp theo của các kỳ Festival. Cũng như Festival đầu tiên, Festival thứ 2 (năm 2002) cũng là sự phối hợp giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và Đại sứ quán Pháp, sự tham gia của nhiều nước ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tiếng vang Festival Huế ra khu vực và thế giới được kể từ đây. Festival Huế 2002 tiếp tục phát triển chủ đề "Khám phá nghệ thuật sống của cố đô Huế” với sự tham gia của 33 đoàn nghệ thuật đến từ các nước Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia và các đoàn trong nước, gồm 1.554 nghệ sĩ, kỹ thuật, thu hút 75.000 lượt khách du lịch, trong đó có 18.000 lượt quốc tế (tăng gấp 3 lần so với Festival Huế 2000).
 
Festival Huế 2004 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, nổi bật với 1 tháng khởi động trước đó của trại Điêu khắc quốc tế "Ấn tượng Huế - Việt Nam”. Lần này có 101.950 lượt khách du lịch, trong đó có 11.950 lượt khách quốc tế. Festival Huế 2006 với chủ đề "700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Festival lần này được coi là đã tiếp tục khơi dậy những giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, tiếp thị một cách có hiệu quả hình ảnh của cố đô Huế, thành phố Festival của Việt Nam.
 
Festival Huế 2008 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, nổi bật với hoạt động "Đêm Hoàng cung” trong không gian quyến rũ của Đại Nội về đêm, với những buổi yến tiệc và những trò chơi cung đình hấp dẫn, sang trọng. Đặc biệt lần đầu tiên, Festival Huế 2008 đã tái hiện lễ đăng quang người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, nhân kỷ niệm 220 năm đức Hoàng đế lên ngôi tại Phú Xuân (1788-2008).
 
Festival Huế 2010 với chủ đề "Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, khai mạc tại Quảng trường Ngọ Môn và bế mạc trên sông Hương. Đáng chú ý tại Festival này là chương trình sân khấu hoá "Hành trình mở cõi” về phương Nam, tái hiện cuộc thao diễn thuỷ binh dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan. Đây cũng là Festival mở ra Lễ hội Áo dài độc đáo trong một không gian "Đêm Phương Đông” lộng lẫy và huyền hoặc.
 
Festival Huế 2012 được coi là một lễ hội văn hóa nghệ thuật tổng hợp, bên cạnh việc tái hiện lễ hội cung đình là những chương trình nghệ thuật đường phố và hoạt động văn hóa cộng đồng. Đáng chú ý, Lễ tế Giao- tế trời đất, núi sông, tổ tiên, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu được phục dựng rất gần với nguyên gốc, bên cạnh chương trình "Thiên Hạ Thái Bình” là điểm nhấn của Festival Huế 2012. Trong Festival này, 2 đêm Lễ hội Áo dài với chủ đề "Sen” đã tạo được tiếng vang lớn.
 
Đã qua 8 kì Festival, bước vào Festival thứ 9 năm 2014, tiếp tục phát huy những kết quả cũng như kinh nghiệm của những kì trước, Festival lần này hứa hẹn sự độc đáo, đặc sắc vừa cuốn hút, vừa lan toả. Không gian của Festival Huế 2014 đã mở rộng hơn từ Đại Nội, dòng sông Hương, Nam Giao, một số huyện ngoại thành và nhất là những buổi biểu diễn, những cuộc diễu hành nghệ thuật trên đường phố, trên cầu Tràng Tiền, cầu Phú Xuân. Thùa Thiên- Huế đã làm hết mình cho liên hoan lần này, để kì Festival 2014 thực sự là một cuộc đại tiệc văn hoá- đại tiệc không chỉ ở những buổi biểu diễn mà sâu hơn- đó là sự thăng hoa của văn hoá Huế trong văn hoá Việt, truyền thống và hội nhập.
Festival Huế 2014 sẽ kết thúc vào đêm 20-4, tại Công viên cầu Gia Hội. Trước đó, vào lúc 19 giờ 30 ngày 19-4 sẽ diễn ra "Đêm ASEAN” tại sân Điện Thái Hòa- điểm nhấn quan trọng của Festival Huế lần thứ 9.
 

Những chương trình nghệ thuật chính tại Festival Huế 2014
 
Lễ hội Áo dài: 20 giờ 30 ngày 14 và 17-4, tại Quảng trường Ngọ Môn; 
Đêm Hoàng Cung: 19 giờ 30 ngày 15 và 19-4 tại Đại Nội; 
Đêm Phương Đông: 20 giờ 30 các ngày 13, 15, 16, 18-4, tại Sân Điện Thái Hòa; 
Nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse (Pháp) tại cầu Trường Tiền: từ 19 giờ 30 đến 22 giờ ngày 18 và 20-4; 
Lễ hội đường phố với chủ đề "Di sản và sắc màu văn hóa” của các nước Đông Á - Mỹ Latinh vào các ngày 13, 15, 17, 19-4; 
Tôn vinh ca Huế "Hương bình khúc tri âm”: 20 giờ ngày 16-4 tại Nghinh Lương Đình;
Các hoạt động biểu diễn đường phố của Đoàn nghệ thuật cà kheo (Bỉ), Dàn nhạc OSP Nadarzyn (Ba Lan) trên các đường phố trung tâm TP. Huế, bắt đầu lúc 16 giờ từ ngày 13 đến 19-4; 
Lễ tế Giao: 3 giờ sáng 17-4, tại đàn Nam Giao
 
PHÚ PHONG

 

    Nguồn :Daidoanket.vn

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ