A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Đưa âm nhạc dân gian Tây Nguyên vào giảng đường

16:02 | 24/08/2023

Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk là ngôi trường đầu tiên trên địa bàn tỉnh đưa âm nhạc dân gian Tây Nguyên vào chương trình đào tạo, nhằm bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc.

Thầy Hoàng Quốc Khánh (Trưởng Khoa Âm nhạc - Múa, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk) chia sẻ: “Môn học này bắt đầu được đưa vào giảng dạy từ năm học 2022 - 2023, nhằm chuyên nghiệp hóa và cung cấp những kiến thức cơ bản, khoa học cho học sinh, sinh viên về vùng đất, con người và âm nhạc (nhạc hát, nhạc đàn) các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, rất khác với những môn âm nhạc phương Tây đang được giảng dạy tại trường”.

Sinh viên thực hành sử dụng nhạc cụ ching kram trong giờ học. Ảnh do nhà trường cung cấp

Tây Nguyên vốn là mảnh đất của các nhạc khí tre nứa và cồng chiêng với giai điệu, tiết tấu cũng vô cùng phong phú, đa dạng. Lần đầu tiên đưa âm nhạc dân gian Tây Nguyên vào chương trình đào tạo, trường gặp không ít khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo giảng viên và xây dựng hệ thống lý thuyết, thực hành. Để sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận với âm nhạc dân gian Tây Nguyên, nhà trường đã phối hợp với các nghệ nhân, nhạc sĩ có nhiều kinh nghiệm nhằm chọn lựa, xây dựng hệ thống giáo trình phù hợp. Nội dung giảng dạy bao gồm: phần lý thuyết giới thiệu về đặc trưng văn hóa vùng Tây Nguyên và phần thực hành sử dụng hai loại nhạc cụ là ching kram và đàn t’rưng.

Cô H’Nỗn Knul (giảng viên thỉnh giảng môn Thực hành âm nhạc dân gian Tây Nguyên) chia sẻ: “Sinh viên theo học tại trường đa số đều đã biết và được xem nghệ sĩ biểu diễn các nhạc cụ truyền thống của Tây Nguyên qua nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, nhưng không phải em nào cũng đã được tiếp xúc trực tiếp. Vì vậy, để hướng dẫn cho sinh viên cách gõ sao cho âm thanh tạo ra đẹp, đầy, vang; cách bật cổ tay, tốc độ chạy nhanh chậm, sắc thái to nhỏ hay sắp xếp thế tay phù hợp để chạy nốt mà không bị chồng chéo không phải là chuyện dễ. Ngoài ra, tôi thường lồng ghép vào bài học những kiến thức cơ bản nhất về nguồn gốc, giá trị nội dung cũng như giá trị về nghệ thuật của âm nhạc dân gian Tây Nguyên, giúp các em nhìn nhận rõ hơn và biết trân trọng những di sản của người xưa để lại”.

Sinh viên biểu diễn hòa tấu nhạc cụ trong buổi thi kết thúc môn học Thực hành âm nhạc dân gian Tây Nguyên. Ảnh do nhà trường cung cấp

Để có thể đạt được kết quả tốt, chính bản thân sinh viên phải tự chủ động nâng cao kiến thức để nắm bắt được nhịp điệu, tiết tấu, cách sử dụng nhạc cụ... Bên cạnh đó, dưới sự hướng dẫn của giảng viên và những kiến thức đã được học về âm nhạc, các em còn phải biết vận dụng hợp lý kỹ năng trong quá trình thực hành.

Tuy mới được đưa vào thử nghiệm nhưng việc truyền dạy âm nhạc Tây Nguyên đã đạt những kết quả khả quan. Trong tháng 3/2023 vừa qua, các em đã được tham gia biểu diễn tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Ngoài ra, các em còn được Đài Phát thanh - Truyền hình Đắk Lắk mời tham gia biểu diễn trong chương trình “Liên hoan Phát thanh truyền hình lần thứ XIV năm 2023”. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với tập thể nhà trường nói riêng và nền âm nhạc Tây Nguyên nói chung.

Việc đưa âm nhạc dân gian Tây Nguyên vào giảng dạy mở ra cơ hội để sinh viên có cơ hội tiếp cận, học hỏi, truyền bá giá trị văn hóa của con người và vùng đất Tây Nguyên, thông qua đó giáo dục trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh giao lưu văn hóa mang tính toàn cầu như hiện nay.

Thu Thảo

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202308/dua-am-nhac-dan-gian-tay-nguyen-vao-giang-duong-76118cb/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      Hyundai Hoang Viet - Thang 3

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      M03-Honda Daklak
      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ