A01-T7 - Honda Daklak
Dangfarm - A02
Cho thuê nhà 29 Lê Hồng Phong

Vũ điệu con sóc của người Êđê ở buôn Wiao

14:48 | 06/08/2024

Gìn giữ những nét đẹp trong mạch nguồn văn hóa, người Êđê ở buôn Wiao, thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) luôn nỗ lực duy trì các điệu dân vũ trong sinh hoạt cộng đồng, trong đó có vũ điệu con sóc…

Sau khi một nghệ nhân đánh từng hồi trống thúc giục, một chàng trai hóa thân thành tráng sĩ biểu diễn cùng với gươm và khiên. Một người đàn ông cầm cành cây thể hiện các động tác như trêu đùa với chú sóc nhỏ. Đội chiêng vừa di chuyển, vừa diễn tấu cùng những phụ nữ Êđê mềm mại, uyển chuyển trong làn điệu ayray. Không khí rộn rã buôn làng khi điệu múa cùng tiếng chiêng hòa nhịp.

Câu lạc bộ văn nghệ buôn Wiao biểu diễn vũ điệu con sóc tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023

Chia sẻ về nguồn gốc của bài dân vũ này, Nghệ nhân Ưu tú Y Wơn Niê, ở buôn Wiao A cho hay, vũ điệu con sóc bắt nguồn từ nghi thức con sóc, hay còn gọi là “Mkăm prốk”, là nghi thức cuối cùng trong lễ bỏ mả, gắn liền với đời sống văn hóa và tâm linh có từ xa xưa của người Êđê trong buôn.

Mỗi lần biểu diễn sẽ có từ 15 - 20 người. Trong đó, có bảy người đánh chiêng, một người đánh trống, một người hóa trang thành một tráng sĩ cầm khiên múa gươm, còn lại là các phụ nữ biểu diễn điệu ayray. Đây là nghi thức dành cho người đã khuất nên điểm đặc biệt khi gõ trống, nghệ nhân luôn hướng đầu dùi xuống dưới đất.

“Trước đây khi thực hiện nghi thức “Mkăm prốk”, mọi người sẽ cùng vui vẻ nhảy múa dưới ánh lửa bập bùng từ khuya cho đến sáng với mong cầu là linh hồn người đã khuất sẽ hóa thân thành một chú sóc nhỏ vui tươi, linh hoạt trở về với rừng, với đại ngàn, với thế giới của tổ tiên ông bà…” - Nghệ nhân Ưu tú Y Wơn nói.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân cho biết, điệu múa trong nghi thức này là dựa trên điệu múa cổ “Ktung khắc” của dân tộc Êđê. Điểm khác là khi múa “Ktung khắc” thường chỉ có ba người vừa đi, vừa đánh chiêng còn “Mkăm prốk” là đội chiêng có đủ bảy người. Nghệ nhân buôn Wiao đã có những sáng tạo độc đáo khi biến cải điệu múa cổ “Ktung khắc” thành một nghi thức riêng trong sinh hoạt cộng đồng nơi đây.

Ông Nguyễn Văn Vỹ, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết, đội nghệ nhân của buôn Wiao được thành lập từ năm 1989. Tuy nhiên, việc duy trì sinh hoạt gặp nhiều khó khăn khi số lượng nghệ nhân trong buôn ngày một giảm.

Trước thực tế đó, để gìn giữ phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, năm 2022, buôn Wiao đã thành lập câu lạc bộ văn nghệ với 22 thành viên có sự tham gia của những người trẻ trong buôn với sự truyền dạy của các nghệ nhân.

Những nỗ lực của buôn Wiao cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương đã duy trì được một số nghi thức sinh hoạt cộng đồng, góp phần gìn giữ các bài chiêng cổ, điệu múa dân gian đặc sắc.

Trong đó, vũ điệu con sóc được câu lạc bộ biểu diễn tại nhiều sự kiện, hoạt động về văn hóa trong và ngoài tỉnh, thu hút nhiều người xem. Qua đó đã góp phần giới thiệu, quảng bá đến người dân và du khách những nét đẹp trong đời sống, lan tỏa giá trị văn hóa độc đáo của người Êđê trên địa bàn…

Gia Thịnh

Bài viết gốc: https://www.baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202408/vu-dieu-con-soc-cua-nguoi-ede-o-buon-wiao-00d10e8/

    Nguồn “Báo Đắk Lắk Điện tử”

    BÌNH LUẬN

      BÌNH LUẬN CỦA BẠN

      ĐỐI TÁC
      Lên đầu trang Đặt làm trang chủ